iHeartRadio Festival là buổi trình diễn tập hợp các tên tuổi lớn nhất của mọi dòng nhạc, trong 2 ngày và được tổ chức bởi Clear Channel.

No Doubt tại iHeartRadio Festival
Trong liên hoan iHeartRadio lần thứ 2 diễn ra ở Las Vegas, ngay ngày khai mạc đã gặp một sự trục trặc để đời: Billie Joe Armstrong, ca sĩ của nhóm Green Day đã phát khùng trên sân khấu khi đang diễn. Trong một tràng dài chửi rủa không thể nào dịch và đăng trên báo nhưng được chia sẻ rất nhiều trên YouTube, Billie đã công kích phía tổ chức đã cắt ngắn đi 30 phút và anh không phải là “Justin Bieber nhăng cuội nào đó”. Chửi xong, Billie và tay bass của nhóm là Mike Dirnt đập tan hoang cây đàn guitar của mình rồi giận dữ lao vào trong.
Nhiều thắc mắc được đặt ra: sự giận dữ của Billie có đáng tin không? Anh có đang diễn không? Phải chăng Billie đang giành lại vị thế của punk trước mặt bàn dân thiên hạ? Hay anh đang bị ảo bởi thuốc? Vài hôm sau, Green Day tuyên bố rằng Billie đang được đưa vào viện điều dưỡng để chữa trị việc lạm dụng thuốc. Dù lý do gì nữa, lần nổi đóa của Billie nhận được lời tán thưởng từ các rock fan, vì tinh thần nổi loạn vốn gắn liền với nhạc punk từ thuở sơ khởi. Ở một hướng ngược lại, nhóm No Doubt đã phát triển thoát khỏi khuôn mẫu của punk và có được thành công không hề kém cạnh so với Green Day.
Cả No Doubt và Green Day đều là những kẻ sống sót qua thời kỳ đột phá của dòng pop-punk từ đầu đến giữa thập niên 90. Mỗi nhóm nhạc đều có album đạt được ngưỡng bạch kim, tức là bán hơn 10 triệu bản: Dookie của Green Day năm 1994 và Tragic Kingdom của No Doubt năm 1995. Cả hai đều trưởng thành từ làng nhạc punk California ở thập niên 80: Green Day từ vùng vịnh San Francisco với kiểu punk khá chói chát còn No Doubt từ phía Nam California với kiểu nhạc dễ tiếp cận và có chất đô thị hơn. Green Day sử dụng punk như một cách để thể hiện tâm trạng còn No Doubt sử dụng punk như một cách để thư giãn.

Billie Joe Armstrong
Thành tích của Green Day gắn với cội rễ của punk vì thật sự, nhóm không hề có mong muốn rời xa punk mặc dù họ có những tham vọng cải tiến và “nâng cấp” dòng nhạc được cho là đơn giản này. Từ thành công của Green Day, hàng ngàn nhóm pop-punk ra đời và nuôi mộng, không có Green Day, sẽ không có Blink-182, không có Sum 41 và thậm chí có thể không có cả Warp Tour. Với No Doubt, mọi thứ dễ dàng và uyển chuyển hơn, phần vì ca sĩ chính của nhóm, Gwen Stefani rất thích pop và phần vì nhóm luôn rộng mở âm nhạc của mình với các dòng khác, từ reggae cho tới R&B. Cả hai phong cách này là cột trụ của pop-punk trong giai đoạn giữa thập niên 90 và hai album mới của họ vừa được tung ra vẫn duy trì hai “cột” đó.
Đĩa “¡Uno!” là phần đầu trong loạt 3 đĩa của Green Day, khác biệt với album đầu tay năm 1994 của nhóm có lẽ chỉ ở việc sử dụng công nghệ mới hơn và một cái nhìn về quá khứ được dàn trải trong đĩa. Đĩa “Push and Shove” của No Doubt, như thường lệ, trải rộng về chiều ngang chứ không ở chiều sâu. Nói chung, cả hai đĩa đều đi theo hướng đi mà hai nhóm đã vạch ra từ khi khởi đầu.
“¡Uno!” vẫn giữ những gì cơ bản nhất của Green Day, có phần đơn giản hơn so với American Idiot. Ngoài trừ việc cách điều chỉnh giọng hát thì nhiều ca khúc trong album này sẽ “không có vấn đề gì” nếu nằm trong album Dookie. Đĩa đơn đầu, bài Oh Love có MV được trình chiếu lần đầu trên hệ thống kênh MTV toàn thế giới ngày 16/8 vừa qua nhận được nhiều lời ngợi khen từ giới phê bình. Phần thiết kế của đĩa đơn này sử dụng lại các hình ảnh từ American Idiot và 21st Century Breakdown. Phần nhạc ít nhiều nhắc nhở đến Jesus of Suburbia. Đề tài của album, khá ngạc nhiên, nhắc nhiều đến hoài niệm tình yêu của một mối tình tan vỡ. Cũng có một số ca khúc thể hiện tham vọng và sự “ngạo mạn” của nhóm đã đề ra từ “American Idiot” nhưng nhìn chung, Green Day không phải là một nhóm nhạc mang tính thử nghiệm. Vị thế của nhóm cho phép họ có sự ngạo mạn và lần nổi khùng mà Billie Joe Armstrong thể hiện trên sân khấu iHeartRadio được chia sẻ bởi rock fan đồng cảm nhiệt tình với sự ngạo mạn đó.
No Doubt luôn mạo hiểm hơn Green Day, hay chính xác là cởi mở hơn. Punk của nhóm nhuốm chất ska và khi họ trưởng thành và có nhiều tiền hơn, nhóm uyển chuyển với hướng đi của mình. Ví dụ với bài hát cùng tên với album mới, nhóm sử dụng chất liệu từ dancehall của nghệ sĩ Jamaica Busy Signal chẳng hạn. Chất pop thấm đẫm trong đĩa, như thời kỳ đầu của MTV mà No Doubt đã tạo được tên tuổi từ các bản pop “bắt tai”. “Push and Shove” được đánh giá là “không quá xuất sắc nhưng ổn với một sự trở lại”. Đương nhiên, so với “¡Uno!”, đĩa này sẽ dễ nghe hơn đối với số đông công chúng.
