Ngày nay, theo đà ảnh hưởng của văn hoá Tây Phương, ngày Lễ Tình Nhân “Valentine’s Day” đi khắp thế giới. Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc ngày lễ tình nhân “Valentine’s Day”. Nhiều người tin mùa xuân là thời khắc tài lộc rộn ràng, vạn vật nảy nở… không loại trừ cả những kẻ đang yêu nhau. Thời Anh Quốc trung cổ, xuất phát từ thi ca, một số người lầm tưởng ngày 14-2 có các loài chim “Lovebird” xây tổ và chọn bạn tình. Có thể sau này hiểu lầm này lan ra cả Âu Châu và thế giới.
Thanh Dũng
Nhưng nổi tiếng nhất là một huyền thoại bắt đầu từ thời Hoàng Đế La Mã Claudius II (khoảng năm 270 sau Công Nguyên). Theo huyền sử thì Thánh Valentine bị tống ngục vì bất tuân lịnh Hoàng đế, vẫn cử hành lễ hôn phối cho nhiều binh sĩ, khiến chểnh mảng việc binh bị. Từ ngục thất, trước khi lên giá treo cổ, ông gởi thơ cho các người tình, và nhiều mỹ nhân thầm yêu trộm nhớ ông, những lá thơ tình sướt mướt, đều kết thúc với dòng “From your Valentine”.
Đến năm 1537, Hoàng Đế Anh Quốc Henry VII chánh thức tuyên bố ngày 14 Tháng Hai hằng năm là ngày lễ vinh danh Thánh Valentine.
Ở Mỹ, hằng năm có nhiều phỏng đoán cho rằng hơn phân nửa dân số ăn mừng Valentine’s Day. Trong cảnh thương mại hoá đương đại, sự kiện này cũng là dịp hốt… ra tiền thật sự cho không ít người.
Tính tổng cộng ngân sách tiêu xài cho ngày lễ tình nhân lên ít nhất 15 tỉ Mỹ kim. Người ta chánh yếu mua sắm những món quà Valentine’s Day phổ biến như hoa, kẹo bánh, rượu vang, đồ trang sức, cũng như chi phí dạ tiệc, ăn uống…
Bánh kẹo chocolate là quà tặng phổ biến trong dịp Valentine’s Day.
Theo thăm dò của tổ chức theo dõi chỉ số bán lẻ “U.S. National Retail Federation”, trung bình người tiêu thụ Mỹ tiêu tốn khoảng $116 cho giải trí ngày Lễ Tình Nhân. Còn theo tạp chí businessinsider.com, đàn ông tiêu tốn khoảng $160 và phụ nữ khoảng $75 dịp Valentine’s Day.
Hãng làm thiệp mừng nổi tiếng “Greeting Card Association” thì tạm thống kê có khoảng trên dưới 200 triệu thiệp Valentine’s Day được trao gởi mỗi năm tại Hoa Kỳ, nhiều chỉ sau có dịp Noel. Trên thế giới, con số này có thể lên đến hàng tỉ.
Nhà in thiệp lừng danh “Hallmark” thì lúc nào cũng sẵn cả trăm nhân viên chỉ chuyên sưu khảo, điều nghiên xu hướng, tâm lý khách hàng trong ngày Lễ Tình Nhân. Các phân tích này, hợp với hơn 100,000 cuộc phỏng vấn khách hàng mỗi năm, giúp Hallmark thiết kết 2,000 kiểu thiệp Valentine’s Day khác nhau trong từng năm.
Sau thiệp mừng, kẹo bánh xếp hàng thứ nhì được ưa chuộng mua sắm dịp này. Từ lâu, “Chocolate” là món được ưa chuộng. Có phỏng đoán hơn $1 tỉ doanh số mua bán chỉ riêng trong ngày Valentine’s Day ở Mỹ. Các nhà sản xuất thống kê có 36 triệu hộp chocolate hình trái tim được tiêu thụ trong ngày Lễ Tình Nhân.
Một cửa tiệm trang hoàng dịp Valentine’s Day. Có khoảng 1/10 người Mỹ đính hôn trong ngày Lễ Tình Nhân.
Để phục vụ cho nhu cầu… hảo ngọt, cả thẩy, có trên dưới 1,400 cơ sở sản xuất hằng tỉ loại kẹo chocolate khác nhau. Đây là kỹ nghệ lớn với ít nhất 40 ngàn nhân công. Chocolate nổi tiếng từ tiểu bang California, dẫn đầu với khoảng 150 cơ sở, tiếp theo là Pennsylvania khoảng 120. Tính trên thế giới thì xứ Bờ Biển Ngà “Ivory Coast” sản xuất nhiều cocoa nhất. Đây là vật liệu chánh để nấu kẹo chocolate.
Một trong những lý do chocolate được ưa chuộng có phần liên quan đến văn hoá. Bên thế giới Tây Phương, xưa nay kẹo chocolate luôn được cho là có thể khiến lửa tình bốc hừng hực. Trong văn chương không khó tìm dấu vết loài kẹo trứ danh này. Madame DuBarry, bồ nhí của Hoàng Đế Pháp Quốc Louis XV, thường mê hoặc các người tình sau những cuộc chè chén… kẹo chocolates tơi bời. Nhà thám hiểm và cũng là tay chinh phục phụ nữ lừng danh kim cổ Cassanova không ít lần khoe chỉ thích… nốc kẹo chocolate, thay vì rượu vang, để kích thích bạn tình. Các vì vua chúa trung cổ cũng thường tin tưởng kẹo chocolate giúp gia tăng sinh lực yêu đương.
Một thương phẩm không thể thiếu trong ngày Lễ Tình Nhân là bông hồng. Ngày nay, California xuất cảng khoảng 60% lượng bông. Riêng trong ngày Valentine’s Day, vì nhu cầu tiêu thụ quá lớn, người ta phải nhập cảng thêm bông hồng, chánh yếu từ các nước Mỹ Châu La Tinh.
Thống kê cho thấy, mỗi năm, que thử thai “pregnancy test” được tiêu thụ nhiều nhất vào Tháng Ba, ngay sau ngày Lễ Tình Nhân!
Cũng có nhiều tin tưởng khá ngộ nghĩnh trong ngày này. Người ta cho rằng nếu bạn trông thấy loài chim sẻ cánh vàng “goldfinch” đúng vào ngày Valentine’s Day, bạn sẽ lấy được vợ/chồng… là tỉ phú. Nếu bạn thấy một đàn bồ câu vào Lễ Tình Nhân, thì hôn nhân sẽ hạnh phúc, an hoà luôn luôn. Còn nếu bạn vô tình nhặt được một chiếc bao tay đâu đó, chắc chắn người nắm giữ phần còn lại cũng đang nắm giữ… một nửa con tim của bạn, và đang trông chờ bạn ở đâu đó.
Trong tất cả các món quà ngày Lễ Tình Nhân, có lẽ đền Taj Mahal bên Ấn Độ “India” là nổi tiếng nhất. Tục truyền Hoàng Đế Shahjahan xây nó để tưởng nhớ vợ mình vào giữa thế kỷ 17. Công việc xây cất kéo dài hơn 2 thập kỷ, với 20,000 nhân công chiêu mộ từ khắp Ấn Độ và Trung Á.
Lễ Tình Nhân cũng có thể đánh thức nhiều tâm hồn si tình đáng nể. Đến tận ngày nay, thành phố Verona ở xứ Ý “Italy” vẫn còn nhận hằng ngàn bức thư… tỏ tình gởi đến người đẹp Juliet dịp Valentine’s Day mỗi năm. Verona chính là quê nhà của đôi uyên ương Romeo và Juliet… trong thi phẩm của thi hào Shakespeare.
Khoảng 400 đôi uyên ương làm đám cưới tập thể nhân dịp Lễ Tình Nhân 14-2-2009 ở Manila, Philippines. ảnh AP Photo/Pat Roque
Đến nay, cũng có hằng chục thành phố thị trấn vừa và nhỏ ở Mỹ chọn tên thoảng… mùi tình ái chocolate, chẳng hạn như: Lovelady (Texas), Loving County (Texas), Loving (New Mexico), Loveland (Colorado), Loveland (Oklahoma), Loveland (Ohio), Loveland Park (Ohio), Lovejoy (Georgia), Loves Park (Illinois), Love County (Oklahoma), Love Valley (North Carolina)…
Thành phố Loveland, tiểu bang Ohio
Cũng có một số người thích tổ chức đính hôn ngày Lễ Tình Nhân, để không lâu sau đó, các cặp uyên ương bước lên bàn thánh trao nhận thề bồi hôn nhân. Chỉ tính riêng tại Hoa Kỳ, mỗi năm có hơn 2 triệu đám cưới, tức là vào khoảng 6,000 đám cưới mỗi ngày.
TD