Buổi sớm mù sương trong tâm khảm. Và lạnh. Cái lạnh chớm Đông se sắt. Đoạn đường vài tiếng trên xa lộ, tôi ngáp muốn trẹo quai hàm. Tôi và Andy tháp tùng xe cùng Scott, một “thổ địa” của vùng rừng Florida. Scott to lớn như nhân vật chính trong bộ phim hoạt hình “Shrek”. Andy gọi Scott với cái nick “Scott Kinh kông”. Scott kể, cha của ông là một Herbitologist – chuyên gia nghiên cứu về động vật bò sát. Lúc nhỏ thường theo cha đi bắt rắn nên Scott ta đầy một bụng “bí kíp gia truyền” về săn rắn.

“Scott Kinh Kông” đang tác nghiệp.
Lần săn ảnh với tay Gary, tôi bị “bội thực” với mấy loài bò sát. Tối ngủ, “ác mộng” toàn là mãng xà. Tránh vỏ dưa, đụng vỏ dừa. May, là tôi cũng có thích thú về những mẫu chuyện săn rắn không mấy tẻ nhạt. Và cũng tạm vực dậy cơn dật dừ ngái ngủ.
Scott bất ngờ dừng xe, dựng chân máy chụp phong cảnh. Cái dáng Kinh Kông lờ mờ trong màn sương dày mịt. Tôi xuống xe. Rùng mình. Mặt đất ẩm, không gian ẩm, những thân cành ẩm. Tôi cảm giác cô độc giữa không gian sương ảo. Tay Scott đam mê chụp cảnh sương mù, và khoái uống các loại nước giải khát Mountain Dew và Sierra Mist. Ông bảo, cái tên của mấy loại nước giải khát này đều có liên quan đến từ “sương” hay “sương mù”. Tôi nghe xong, gật gù, nói là ở Việt Nam quê hương tôi, các cụ già thường có thú pha trà bằng nước chắt lọc được từ sương mai. Scott nghe với vẻ rất ấn tượng, miệng wow, mắt trợn. Tôi ba đía, cái info lõm bõm được ở đâu đó và đem ra “nổ” với tay Scott, chỉ để cảm giác chút “tự hào dân tộc”!
Sương loãng, trời dần sáng. Tôi trở lại xe, click mấy pô Scott đang “tác nghiệp”. Trời lạnh, Kinh kông ta chỉ mong manh cái jacket và quần short.

Sớm sương mù
Xe dần tiến sâu vào khu rừng. Bầy kên kên xam xám lông lá vất vưởng trên những nhánh cây rũ, gợi hình ảnh của thần chết lai vãng. Scott dẫn đầu đoạn đường rừng, và bảo khu rừng này là lãnh thổ của heo rừng. Scott Kinh kông kể rằng truớc đây heo rừng không phải là thú vật bản xứ của Florida. Từ khi “di dân” tới rồi vì thiếu “kế hoạch hóa” nên sinh sản lan tràn, ủi gốc kiếm ăn, phá chết cây cối. Và mỗi năm có cả ngàn con heo rừng bị sập bẫy. Tôi đùa với Andy là lỡ có thất lạc giữa rừng này cũng có thịt heo rừng “ba bi kiêu”, khỏi sợ đói. Scott chỉ một cái bẫy heo rừng bằng song sắt ngụy trang giữa lớp cây lá, và kể có lần sập bẫy lại là một con Black Bear to lớn. Bộ dạng Kinh kông như Scott nhà ta, mà lỡ có chạm mặt với gấu đen thì cũng như “kỳ phùng địch thủ”, tôi nghĩ vậy.
Scott trỏ tay vào rậm rừng. Lố nhố một bầy heo rừng, tựa giống heo mọi, và ngộ nghĩnh sắc lông thập cẩm nâu, trắng đen, lốm đốm. Tôi dóng tai tìm cảm giác âm thanh ủn ỉn quen thuộc. Bầy heo rừng chỉ bận tâm với thực phẩm, ủi mõm dài ngoẵng vào đất kiếm ăn. Cái giống heo rừng thật láu lỉnh, chẳng lù đù hay ngu… như heo; chỉ loạt xoạt tiếng bước chân người là thoắt “thăng” biến vô rừng. Khu rừng hạn chế ánh sáng, mấy cái ống kính tele bị thất nghiệp ở khoảng cách gần.

Heo rừng
Scott rành rẽ địa bàn vùng rừng này như lòng bàn tay. Vài lần, tôi và Andy theo Scott Kinh kông đi săn ảnh mèo rừng. Và lạ, cứ mỗi lần vắng cái bản mặt tôi thì mèo rừng mới xuất hiện. Andy bảo mèo rừng thường kỵ mấy con “cọp cái”! Tay Scott thì số đỏ với “mèo nhà”. Đời thực, ông kể mình là tay “sát gái” thời son trẻ. Và Kinh kông ta thì shoot đâu thắng đó. Cái bộ sưu tập Bobcat đáng kể của Scott còn được bonus thêm hình ảnh mấy con mèo rừng baby tuyệt đẹp. Scott lâu lâu đem “nhá” vài tấm trên Facebook, tôi tiếc đứt tóc.
Scott kể khu rừng này có một con cá sấu “cực khủng”. Andy nói đừng hỏi, vì Hanna đã ngán ngẩm cái loài bò sát “nhăn nhở” này rồi. Scott hỏi tôi có đọc cái tin nóng lạnh về một tay hướng dẫn viên người Uganda; khi hướng dẫn đoàn thám hiểm Mỹ trên sông Congo bằng chiếc thuyền độc mộc bị một con cá sấu bất ngờ tấn công, và “lủm” trọn người hướng dẫn viên trước sự chứng kiến của đoàn người. Đọc cái tin mà kinh hoàng như đang xem bộ phim kinh dị vậy. Tôi nói rằng luôn dè chừng đối thủ này khi săn ảnh, dù “đặc sản” của Florida thì không cực hung hãn như cá sấu ở các xứ Phi Châu.

Nai trong khu rừng trụi lá
Trên chiếc truck, Scott trang bị cả chiếc xuồng kayak. Scott là NAG wildlife. Ông thường bơi xuồng để săn ảnh. Ông nói cũng nhàm mặt mấy con cá sấu, và bảo trường hợp tấn công người cũng thường rất hiếm.
Scott mang giày ủng đến gối size 15, tay cầm “cây gậy bắt rắn”. Gậy, là một snake stick dài bằng sắt có đầu cong. Ông kể, thuở nhỏ khi chỉ mười mấy tuổi, cha ông đã giao tặng ông một cây gậy bắt rắn. Cái bửu bối ấy ông vẫn giữ, và thường mang theo trên xe. Scott là shooting buddy, một “bạn ảnh” thân thiết với Andy Nguyễn. Ông nói, lúc trẻ không mấy “máu lửa”, nhưng khi tìm hiểu và nghiên cứu về đời sống thú hoang dã, ông càng đam mê hơn với cái nghề săn ảnh wildlife.
Tôi và Andy giữ khoảng cách chừng mực. Andy bảo tin đi, Scott tìm là có “hàng hiếm” liền. Và thật, chỉ mươi phút lùng sục, Scott “dẫn độ” về một con độc xà Eastern Diamondback Rattlesnake. Với thao tác thành thục, ông điều khiển con rắn trườn ra khoảng đất trống. Con rắn Lục Lạc phát ra chuỗi rung mạnh như thanh âm tiếng lục lạc từ cái đuôi cong cớn. Scott rảo bước chậm, đi vòng. Nhãn quan của con độc xà như dán chặt từng chuyển động của Scott. Và, như một phản xạ tự nhiên, con rắn dần chậm rãi cuộn mình. “Cái pose tuyệt vời đó, bấm máy liền đi, đừng chờ đợi”. Scott nói như ra lệnh. Mấy tay máy chỉ được vài giây bấm máy. Con độc xà thoắt đã lẩn biến trong rậm cây. Tôi tiếc, cái ống kính tele lại hạn chế khoảng cách nên không ghi nhận được hình ảnh Scott và con độc xà.

Rắn Lục Lạc Diamondback Rattlesnake
Tôi hỏi Scott rắn Lục Lạc có thường tấn công người. Ông nói loài rắn này thường ngụy trang dưới lớp cây lá để mai phục mồi, và tự vệ hơn là tấn công con người. Ông cho biết, những con rắn Lục Lạc trưởng thành luôn biết “control” điều tiết nọc độc, không “xài” hết “hàng độc” để tự vệ trong những trường hợp nguy hiểm khác. Ngược lại, những con rắn Lục Lạc chưa trưởng thành thì thường xả hết nọc độc khi gặp đối thủ. Nên khi bị mấy “độc xà nhí” này xin tí huyết là rất dễ chầu Diêm vương sớm. Vì vũ khí chết người này có thể hạ gục được vài mạng người như pha. Scott nói, còn biết vài điểm hot môi sinh của mấy loài độc xà khác. Tôi nói No thanks, no more nightmare. Lại rắn rết bò sát. Tôi ngán ngẩm. Cũng may còn vớt vát hình ảnh vài giống chim khác.
Khu rừng sớm Đông dần trơ trụi màu xanh cây lá. Xe rời cánh rừng chiều. Một con nai đứng lóng ngóng ở bìa rừng. Thoắt thấy bóng người, con bambi luýnh quýnh “tông” đầu một cái mạnh vào thân cây cổ thụ, bị liểng xiểng.
Để xả sì trét, tôi chỉ mơ một cuộc viễn du về miền Tây hoang dã. Andy nói kế hoạch đã lên lịch, đừng mơ vacation; vì bởi “A cowboy’s work is never finished”. Kệ, đã lỡ bị “cày” rồi thì có làm cao bồi xứ Wildwest, cũng là chuyện nhỏ như con thỏ, tôi nghĩ.

Caracara một loài kên kên ở Florida