(Thay KL và HJ kính tặng Bà Ngoại)
Ngày nay, việc nuôi dạy trẻ em trở nên một ngành dịch vụ thiết yếu. Các trung tâm giữ trẻ ở Mỹ không phải là hiện tượng mới mẻ, mà hình thành từ khi phong trào nữ quyền từ hậu bán thế kỷ 19, đòi hỏi quyền tự do của người phụ nữ được duy trì công việc chuyên môn sau khi sanh con.
Việc giữ trẻ trong thập niên vừa qua lại trở nên “toàn cầu hóa”.Không ít người Việt chúng ta ở Mỹ cũng thuê các phụ nữ Mễ Tây Cơ, Trung Hoa, hay phụ nữ di dân da màu để giúp trông nom các em. Dịch vụ nuôi dạy trẻ em của người Việt cũng không ít. Các dì các cụ nào có nhà cửa rộng rãi, cũng nhận trông trẻ con sau giờ học.

Các sinh viên đại học, đa phần là nữ sinh, rất dễ dàng tìm thêm được tí tiền mua sách vở khi đi trông em cho các gia đình sống gần khuôn viên trường. Cung cầu trong vấn đề chăm sóc trẻ em rất thịnh hành và quân bình, và nhu cầu đã lên cao trong những năm gần đây khi việc sinh con đẻ cái trở nên mốt thời thượng, nhất là được lăng xê ở thủ đô điện ảnh Hollywood.
Hơn nữa, dịch vụ trông trẻ đã trở nên toàn cầu hóa một cách thực thụ khi chúng ta theo dõi hiện tượng phụ nữ di dân qua hình thức lao động hiện nay. Trường hợp điển hình là Phi Luật Tân. Hàng ngàn phụ nữ Phi phải để lại con thơ cho chồng chăm sóc, để đi đến xứ người nuôi dạy con người khác, chẳng hạn như ở Đài Loan, hay xa xôi hơn nữa, là ở những vùng Trung Đông hay Châu Phi. Họ vừa giúp việc nhà, vừa trông các cháu bé.
Vào dịp trung tuần tháng 6 năm 2005, khi đi xe lửa từ Lộ Đức, Pháp quốc, sang Geneve, Thụy Sĩ, tôi đã gặp một phụ nữ Phi trung niên. Cô không chồng không con, và ở làm vú nuôi cho một gia đình Lebanon đã hai mươi năm nay. Họ tiếp nhận cô như một người dì nuôi, và cho cô ở lại hẳn với gia đình họ để trông nom trong ngoài.
Nhưng đây là một trường hợp hiếm hoi. Đa số các phụ nữ được tuyển dụng cho công việc vú em đều bị chủ đối xử một cách thiếu tôn trọng. Những người chủ thuê họ thường vẫn rất dè dặt ban đầu và nghi ngờ sự tận tụy cũng như vai trò làm mẹ của họ. Sau một thời gian, dù người chủ có cảm thấy an tâm về khả năng chăm sóc trẻ em của chị vú nuôi ngoại quốcđi nữa, thì những khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ vẫn là rào cản không cho đôi bên có dịp xây dựng một mối quan hệ như ý trong tin tưởng và tôn trọng.
Ở Việt Nam, dì vú, chị vú, và những người giúp việc vẫn là một hình ảnh thân thuộc. Có nhiều gia đình nhận nuôi một bé gái trên mười để giúp việc, và cũng có nhiều trường hợp gia đình chủ nhận người giúp việc làm con nuôi. Xét ra, thì khi thuê người giúp việc, các gia đình Việt Nam vẫn có sự cảm thông và lòng tương ái cao. Có phải đây là kết quả của tinh thần “thương người như thể thương thân” hay “lá lành đùm lá rách không”?
Tháng 3 năm 2007, tôi có dịp phỏng vấn cô Tuyết Pluss, một du sinh sang Bỉ năm 1960 và hiện đang sinh sống tại thành phố Sion ở Thụy Sĩ. Cô kể về thời thơ ấu ở quê nhà, và cảm thán việc Ba cô thương yêu và bảo bọc những người làm công trong nhà giống như con cháu ruột thịt. Ông cho họ ăn học đàng hoàng, và một chị vú đã học thành luật sư hiện đang hành nghề tại Việt Nam.
Tuy nhiên, cho dù có thể thuê người giúp việc đi nữa, phần lớn người Việt chúng ta có thói quen sống quây quần với nhau và trong một mái ấm tam đại đồng đường, việc thuê người giữ trẻ đôi khi không là điều cần thiết. Trong những năm gần đây, càng ngày càng có nhiều quý Bà rời Việt Nam sang Mỹ để giúp trông nom cháu. Họ di dân qua hai hình thức: du lịch, hoặc bảo lãnh. Nhưng với chính sách di dân Hoa Kỳ cho phép người có thẻ xanh được xuất ngoại sáu tháng mỗi năm, và với sự chênh lệch về chi phí giữa hai hình thức trên, các đôi vợ chồng Việt trẻ ở Mỹ chọn bảo lãnh các cụ sang. Nếu các cụ cần về thăm gia đình ở Việt Nam thường xuyên, việc lo giấy tờ vẫn dễ dàng cho người có thẻ xanh hơn là người có quốc tịch Việt Nam.
Nếu xét về mọi phương diện, từ mặt tình cảm đến kinh tế, người Việt chúng ta đã tìm được giải pháp hay nhất trong vấn đề này. Có Bà, thì cha mẹ an tâm, không phải lo âu liệu con mình có được chăm sóc chu đáo hay không. Chúng ta không phải mất công đi đăng quảng cáo và phỏng vấn chọn người như các cô cậu tiểu chủ ở Đài Loan. Có Bà, thì cha mẹ không phải ngọng nghịu nói một thứ tiếng khác khi phải thuê người không phải là người Việt.
Nhưng trên hết, có Bà, thì có cả một bầu trời văn hóa, một sự gắn liền với gia đình, một dòng sữa mẫu tử truyền qua ba đời. Có Bà, thì Bà không ngại nhọc nhằn, sớm chiều bồng ẵm nâng niu. Bà cố mớm cho cháu tí sữa khi cháu lười không buồn bú. Bà hát cho cháu vui khi cháu nóng bức nhọc người. Bà cho cháu ngậm vú khi cháu khóc thèm ti Mẹ. Bà cần cù giặt giũ xếp áo quần cho cháu. Bà tỉ mỉ gọt rau thái củ, chọn thịt mua cá về nấu cho cháu ăn. Bà dạy cho cháu hát, bày cho cháu đọc ca dao, giúp cháu đọc thuộc lòng những câu kinh. Bà múa với cháu, Bà cười với cháu, Bà sớm hôm cùng cháu.
Bà là người không thể thuê được, vì không có giá nào có thể mua nổi tình thương và sự hy sinh của Bà. Chỉ có Bà mới thay được Mẹ khi Mẹ đi làm để chu cấp cho gia đình. Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì. Nhưng nếu Mẹ đi làm, thì Dì cũng đi làm, cũng có công việc và đời sống riêng của Dì. Chỉ có Bà là hiện diện bên cháu bất cứ mọi lúc, trao truyền lại cho cháu cả một túi khôn mà Bà đã tích lũy cả một đời.
Điều cần được nhấn mạnh ở đây, là sự khiêm nhu và quên mình của Bà. Bà mừng rỡ vì có cơ hội chăm sóc cho các cháu, nhưng cũng tự coi mình là gánh nặng cho các con. Bà lo rằng Bà lớn tuổi, trí nhớ kém cỏi, không nên công nên việc gì. Bà cứ áy náy là mình làm phiền các con. Nhưng chúng ta cần nhận ra, trên cả những thuận lợi về nhiều mặt, sự chăm sóc dạy dỗ của Bà là một món quà vô giá.
Là một người-mẹ-trẻ-lần-đầu, tôi có đủ kinh nghiệm nuôi con để cảm và thấu tấm lòng của những bậc ông bà hết lòng vì cháu. Khi có dịp trò chuyện với các bà nội bà ngoại đi từ Việt Nam sang Hoa Kỳ chăm sóc cho các cháu, tôi vẫn bày tỏ lòng cảm kích với họ:
– Dì sang đây, là cả một sự may mắn cho gia đình và các cháu. Có Dì, các cháu mới nghe được tiếng Việt nhiều, nói tiếng Việt hằng ngày, và giữ được văn hóa Việt Nam.
Ít khi giá trị và vai trò của sự hiện diện của quý Bà Nội, Bà Ngoại trong trường hợp này được nhận ra hay đề cao. Nhưng họ chính là những người gieo giống văn hóa, ươm trồng một thế hệ Việt Nam hải ngoại hết sức trọn vẹn trong cung lòng yêu thương của quê hương.
Quê hương, nhờ có Bà, mà không còn xa xôi nữa, vì Bà đã mang quê hương vào tâm thức của cháu với cánh tay êm ái đầy yêu thương và ăm ắp tinh hoa Việt kia.
Cám ơn Bà, đã cho các cháu quê hương và một nhân diện Việt Nam.