Menu Close

Giai điệu mưa

Đêm nào tôi cũng nghe nhạc, nhưng hễ trời đổ mưa là tôi tắt máy để nghe mưa. Nhà tôi mái lá, tiếng mưa nghe hiền hậu và đằm thắm hơn nhà mái ngói, mái tôn. Nhạc mưa không lời, nhưng lời ca của những ca khúc ngày xưa ùa về như vô tận:

alt

– Từ khoảng trời có em, giọt mưa rơi đầm ấm…
– Mưa vẫn còn rơi trên cao nguyên,
một sáng em về miền đồng bằng…

Hiếm khi mưa hứa hẹn tương lai, vì đó là công việc của nắng, mưa chỉ nhắc nhớ dĩ vãng, dĩ vãng nào cũng có tình, tình nào cũng có mưa:

– Tôi đưa em sang sông,
chiều xưa mưa rơi âm thầm…
– Chiều mưa không có em,
thành phố quên chưa lên đèn…
– Chiều nay còn mưa sao em không lại,
nhỡ mai trong cơn đau vùi…
– Không bao giờ mưa thôi,
không bao giờ ta nguôi yêu người ơi…

Có bao giờ mưa vĩnh viễn không mưa và người mãi mãi không yêu người? Tận thế chăng? Những ca từ được trích dẫn ở trên có lẽ cũng không cần phải ghi chú vì tác giả là ai thì ai cũng biết. Mà cũng không cần biết làm gì, chỉ cần biết rằng: Mưa vẫn còn mưa và người vẫn còn yêu người…

Không phải chỉ những nhạc sĩ, thi sĩ mong ngóng mưa: Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua… Những nông dân ít học, quanh năm bùn đất cũng ngóng mưa:

Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cầy
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp…

Cũng không phải chỉ có người dân ngóng mưa đâu, hoàng đế cũng ngóng mưa. Không mưa thì mất mùa, nhân dân đói khổ, giặc cướp nổi lên, ngai vàng lung lay. Hoàng đế phải nhờ đến những pháp sư biết hô phong hoán vũ, hoặc đích thân mình tắm gội sạch sẽ, lập đàn cầu đảo, van vái đất trời xin mưa. Và có những cơn mưa đã làm nên lịch sử như trong Tam Quốc Chí:

Khổng Minh lừa được đạo quân của cha con Tư Mã Ý vào đường hẻm khe núi Tà Cốc rồi lăn đá bít kín hai đầu. Từ hai bên sườn núi, quân Khổng Minh đổ dầu, ném củi khô cháy đỏ xuống khe núi. Biển lửa sắp thiêu sống cả đoàn quân và cha con Tư Mã Ý thì trời đổ mưa lớn. Khổng Minh ngửa mặt than: “Trời không giúp ta rồi!” Nếu không có cơn mưa này, lịch sử Trung Quốc sẽ không có triều đại nhà Tấn.

Trong mắt các nhà nghệ sĩ, những giọt mưa có thể là những sinh vật có đời sống: Mưa vui mừng quấn quýt gót chân em… Mưa cũng có thể là lời than cho một đất nước đang chia cắt: Mưa giờ đây, như lệ khóc phần đất quê hương tù đày… Mưa cũng đầy lòng từ thiện: Mưa cho những ai nghèo, mưa cho thắm bữa cơm ban chiều.

Tôi rất thích nghe nhạc, nhất là những ca khúc mưa, nhưng tôi chỉ thích nghe nhạc mưa của những ngày xưa. Không phải vì nhạc bây giờ không hay đâu. Nhạc bây giờ hòa âm phối khí rất hiện đại, ca sĩ hát hay, nhạc công chơi hay, kỹ thuật thu âm hay tuyệt. Nhưng căn cứ vào những ca từ thì hình như bây giờ người ta ít yêu nhau hơn, ít xót thương nhau hơn, chẳng còn mấy ai nhìn thấy:

Đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em…bùn lầy không quên bôi thêm lối ngõ không tên, em bước chân qua thềm, mưa vẫn rơi êm đềm, và chỉ làm phố buồn thêm.

Và: Lầy lội qua muôn lối quanh, gập ghềnh đường đi tối tăm, mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh…

Và những người nghe nhạc bây giờ như những con người vô cảm, những “Thương nữ bất tri vong quốc hận”, không biết yêu, không biết xót thương, và không biết nhục. Nói thế có quá đáng lắm không?

NQT