Menu Close

Làm đầy khung (Kỳ 33)

Một trong những bí quyết để tạo được những tấm ảnh có ấn tượng mạnh là phải đối xử những tấm ảnh như những mẩu truyện ngắn. Tức là chỉ lấy đủ những yếu tố quan trọng không hơn, không kém. Trong một bài GNA trước đây, người viết có nói: cái gì mà không bổ sung được cho tấm hình, sẽ làm rối nó hơn. Trong layout trang báo, cách dùng khoảng trống trên từng trang rất quan trọng vì phải tận dụng hết những khoảng trống trong mỗi khung hình, không bỏ phí những “khoảng trống chết” (dead space). Bài viết này sẽ nói về nguyên tắc làm đầy khung.

Chúng ta hãy xem một thí dụ sau đây. Tôi đã nhờ hai ông bà tốt bụng làm người mẫu cho vài tấm hình. Khoảng cách giữa hai người sẽ xác định cách làm đầy khung hình.

alt

Hình đầu tiên (bên trái, phía trên) chứa nhiều khoảng trống bỏ phí. Kéo khung chật lại sẽ làm tấm hình gọn thêm tí (bên phải), khoảng cách tương đối giữa hai người cũng tăng theo. Nếu thâu khung lại thêm nữa sẽ không tránh khỏi bị mất một trong hai ông bà vui tánh.

alt

Tôi bèn yêu cầu hai người đứng gần lại nhau, thì tấm hình gọn thêm nữa – tiến bộ lập tức (trái). Bằng cách dùng ống kính để zoom gần hơn, hoặc thâu khung lại, chúng ta có được tấm hình càng tốt hơn (phải).

Cuối cùng, hai ông bà đứng kế bên nhau, chúng ta đã loại đi những khoảng trống còn lại. Các bạn cũng nên lưu ý tấm hình đã trở thành chiều dọc, thích hợp hơn với hình dáng của hai người đang đứng chung. (cô dâu/chú rể)

alt

Nếu bạn thử đứng cách xa tờ báo, bạn vẫn có thể nhìn thấy là hình gì, còn với tấm hình đầu tiên bên trên thì không thấy rõ là gì.

alt
Thêm một ví dụ với hai người bạn tốt bụng đứng trước nhà của họ (phía dưới, bên trái). Căn nhà hơi vuông, hai bên dư khoảng trống nhiều. Tôi lại phiền hai ông bà bước tới gần máy ảnh, và tôi cũng tiến vài bước cùng máy ảnh (phía dưới, bên phải). Giữa hai tấm hình, sự nhấn mạnh đề tài đã thay đổi. Tấm hình bên trái nhấn mạnh về cái nhà, còn hình bên phải nói về hai người chủ nhà hơn.

Cần lưu ý rằng sắp đặt mọi thứ gần nhau chật ních như hộp cá mòi cũng không phải luôn luôn là cách giải quyết tốt. Nhiều khi các người mẫu bị sắp quá gần trong hình, họ không có chỗ để “thở”. Thâu khung quá nhiều trong mọi trường hợp, chúng ta không phải có mẩu truyện ngắn, cũng không phải bài thơ, mà là câu chuyện con nít. Dễ đọc, dễ hiểu, nông cạn, không đáng ghi nhớ. Hay lắm cũng chỉ là hình “báo chợ” tabloid, không có giá trị nghệ thuật.

alt


Một cách khác để “làm đầy khung” dùng phối cảnh. Tác giả đã “tự biên tự diễn” với tấm hình kiểu “UFC Champion” để dẫn chứng điểm này. Với thế tấn “thủ võ”, tôi đặt cú đấm gần sát ống kính, tạo nên tỷ lệ bất thường giữa nắm tay bên phải và thân thể, nhưng lại giảm bớt khoảng trống chết bên trên và dưới khung hình.

Điều quan trọng chúng ta cần nhấn mạnh: bạn hãy bắt đầu với quan niệm này (tấm hình nói về cái gì?), và luôn luôn để ý (hình thức đơn giản nhưng có ấn tượng mạnh). Thực hành, thực hành, và thực hành.

alt


Và một điểm cuối cùng, đặt bố cục siêu cận có thể rất có hiệu lực. Chỉ lấy một góc hoặc một phần của đối tượng để chứa đầy khung ảnh, và chắc chắn loại hết khoảng trống chết trong ảnh. Tôi đã dùng ống kính bazooka với tiêu cự 1800 ly (mm) để lấy ảnh cú vọ với con mắt vàng tròn xoe, với điều là tôi chỉ lấy một bên mặt chứ không lấy toàn mặt cú. Kết quả là cái nhìn của người xem sẽ tập trung vào con mắt sáng ngời của cú, trong khi những vệt lông trên mặt làm đầy khung một cách hữu hiệu.
AN – Nov  12