“Sống trong đời sống / cần có một tấm lòng…”
Đúng vậy. Nhưng để làm gì, để gió cuốn đi ư? Có thể là như vậy, nhưng cái gọi là một tấm lòng hay sự tử tế ấy, nó cần thiết cho giao tình giữa người và người. Chúng ta sống và để cho cuộc sống cuốn đi, không còn thời gian cho những cảm xúc tình người nữa. Lúc ấy, chúng ta còn khỏe mạnh, vui vẻ yêu đời, mọi thứ đều trong tầm tay. Nhưng thử tưởng tượng, một người già hay một góa phụ, trong lúc cô đơn, cần biết bao một lời cảm thông, chia sẻ. Và chắc chắn bạn hay tôi cũng có lúc cảm thấy như vậy. Ai mà không đi qua chiếc cầu ấy, phải không bạn? Lúc chúng ta chới với trong buồn đau tuyệt vọng, chẳng hạn như mất đi một người thân, ta sẽ thấy cần, rất cần, một bàn tay ấm áp, một bờ vai để gục đầu vào, hay một lời nói dịu dàng thân ái. Chính kẻ viết những dòng này đã trải qua và sống những tình huống như vậy. Đã có lần một chị bạn vừa mất chồng, một ca sỹ mất người yêu gục đầu lên vai kẻ này nức nở. Và cũng chỉ mới đây thôi người viết cảm thấy cần biết bao bàn tay ai đó, trong lúc cô đơn tuyệt vọng.
Cuối cùng, cái làm nên giá trị và đem lại nhiều an ủi nhất trong mối liên hệ giữa người và người, là sự tử tế và lòng yêu thương. Ước mong đó là một di sản không bao giờ mai một. Và sau đây là một câu chuyện đã cũ nhưng mang ý nghĩa nhân sinh ấy.
Khi Bob, chồng tôi, qua đời đột ngột vào tháng Giêng năm 1994, tôi nhận được rất nhiều lời chia buồn an ủi -cả những người từ nhiều năm nay tôi không hề nghe tin cũng tỏ bày sự thân ái, quan tâm. Nào là thiệp, thư, nào là hoa, rồi điện thoại gọi và những cuộc viếng thăm. Lòng tràn ngập đau buồn nhưng tôi cảm thấy được nâng đỡ nhờ những biểu lộ tình cảm thân thương của gia đình, bè bạn, kể cả những chỗ sơ giao. Trong số đó có một cái thư làm tôi hết sức cảm động. Đó là thư từ một người bạn thân nhất của tôi, chúng tôi đã cùng học chung từ năm lớp sáu tới hết trung học. Đã trải qua bao nỗi vui buồn cùng nhau, kể cả tiếng cười và tiếng khóc. Sau lễ tốt nghiệp năm 1949, bạn tôi ở lại quê nhà còn tôi trôi giạt nhiều nơi. Nhưng đó là thứ tình bạn dễ dàng nối lại cho dù chúng tôi mất liên lạc cả năm hay mười năm. Chồng của chị ấy là Pete, chết cách nay có lẽ cũng đã 20 năm khi hãy còn rất trẻ, để lại cho chị nỗi buồn sâu xa và những trách nhiệm nặng nề, buộc chị phải tìm việc làm và nuôi dạy ba đứa con thơ. Chị và Pete, cũng như Bob và tôi, đã cùng chia sẻ với nhau thứ tình cảm yêu thương khắng khít và hiếm có trên đời. Trong thư, chị kể với tôi câu chuyện đặc biệt giữa chị và mẹ tôi (đã qua đời từ lâu). Chị viết: “Khi Pete qua đời, má của em ôm lấy chị và nói ‘Trudy ơi, cô không biết nói gì…, cô chỉ có thể nói ‘cô yêu cháu’ mà thôi”. Rồi chị kết thúc bức thư bằng cách lặp lại lời mẹ tôi nói với chị từ những ngày xa xưa. “Bonnie ơi, chị không biết phải nói gì, chị chỉ có thể nói ‘chị yêu em’ mà thôi.” Đọc lời của chị, tôi có cảm tưởng như đang nghe chính mẹ tôi nói với tôi. Quả thật là một thông điệp mạnh mẽ của tình yêu thương! Ôi, bạn tôi dịu dàng tử tế biết bao khi ấp ủ lời đó suốt bao nhiêu năm để bây giờ trao lại cho tôi. Chị yêu em. I love you. Những lời tuyệt diệu. Một tặng phẩm. Một tấm lòng. Một di sản.
