Dù mạnh khoẻ tới đâu, ta cũng không thể thay đổi được các yếu tố có thể gây nguy cơ cho sức khoẻ, như genes, tiền sử trong gia đình, tuổi tác và chủng tộc.
Mặt khác, lối sống (như xử trí thế nào khi bị stress, và thói quen ăn uống hàng ngày…) cũng tạo ra nhiều ảnh hưởng. Cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe về lâu về dài là phát hiện sớm những gì có thể gây nguy hại. Do đó, trong năm nay, bạn hãy tham khảo với bác sĩ về những thử nghiệm sau đây:
Huyết áp
Không có triệu chứng nào sớm cho thấy huyết áp cao, nhưng càng để lâu không biết tới và không chữa trị, càng nhiều tai hại có thể xảy ra cho tim và các mạch máu, dẫn đến nguy cơ bị heart attack hoặc đột quỵ (stroke). Cùng với tuổi tác tăng lên mỗi năm, nguy cơ càng thêm cao hơn. Thức ăn ưa thích hàng ngày trong đó có muối, chất béo bão hoà (saturated fats), hoặc uống quá nhiều rượu, và một số thuốc ta dùng, cũng có thể làm tăng huyết áp.
– Thời gian thử nghiệm: Bắt đầu năm 18 tuổi; sau đó thử hàng năm.
– Mục tiêu: Sao cho huyết áp dưới 120/80 mmHg
Cholesterol
Cholesterol là chất béo giống như sáp, cần thiết để tạo nên các màng tế bào lành mạnh và bảo vệ các tế bào thần kinh trong óc. Tuy nhiên, những gì thân thể chúng ta không sử dụng để làm công tác cần thiết đó, sẽ gây ra tai hại. Cholesterol xấu (LDL) bám vào các mạch máu, ngăn chặn dòng máu chảy về tim. Cholesterol tốt (HDL) loại trừ các cholesterol thặng dư. Tuy có thể làm tăng HDL bằng tập luyện thể dục, nhưng vẫn nên đi thử nghiệm.
– Thời gian thử nghiệm: Bắt đầu từ năm 20 tuổi; sau đó theo khuyến cáo của bác sĩ
– Mục tiêu: Sao cho tổng số dưới 200 mg/dL; LDL dưới 100 mg/dL; HDL trên 60 mg/dL.
Hormon kích thích tuyến giáp trạng (Thyroid-Stimulating Hormone – TSH)
Tuyến giáp trạng không hoạt động đủ hoặc hoạt động quá mức đều mang lại khó khăn cho ta. Lý do là vì hormone của tuyến này điều hoà số năng lượng chuyển đến các tế bào. Quá ít TSH (gọi là hypothyroidism) làm ta thấy yếu ớt. Quá nhiều (gọi là hyperthyroidism) làm tim đập nhanh và thấy bồn chồn.
– Thời gian thử nghiệm: Bắt đầu từ năm 35 tuổi; sau đó thử lại từ mỗi ba đến 5 năm
– Mục tiêu: Sao cho mức TSH giữa .5 và 5.0 mIU/L
Chất sắt (Iron, Serum Ferritin)
Chất sắt là thành phần cốt yếu để tạo ra hemoglobin, có nhiệm vụ mang khí oxygen từ phổi tới các bắp thịt. Không có báo hiệu nào sớm cho thấy ta thiếu chất sắt. Những triệu chứng như: mệt mỏi gia tăng, thiếu năng lực, sưng bắp thịt, đau các khớp xương, lại có thể là dấu hiệu của cảm cúm hoặc tập luyện thể lực quá sức. Nếu chất sắt không đủ mức bình thường, có thể nguy cơ đến tim.
– Thời gian thử nghiệm: Khi có triệu chứng. Người ăn chay và phụ nữ nên hỏi bác sĩ về những thử nghiệm đề phòng chứng thiếu chất sắt.
– Mục tiêu: Trên 25 ng/mL
Đường trong máu
Tạo thành do chất carbohydrates chúng ta ăn (có nhiều trong cơm), đường trong máu (còn gọi là glucose) là nguồn chính cung cấp nhiên liệu cho thân thể. Để sử dụng chất đốt này, thân thể cần hormone insulin để lấy đường từ máu đưa vào các tế bào. Bệnh tiểu đường loại 2 (phổ biến nhất) do các tế bào hoặc không nhận ra insulin, hoặc thân thể không sản xuất đủ chất đó. Thế là glucose tồn đọng lại, dẫn đến các khó khăn cho tim, thận, mắt, thần kinh và mạch máu.
Trong giai đoạn đầu, bệnh tiểu đường khó nhận ra. Ta chỉ cảm thấy khát hơn hoặc đói hơn thường lệ, mệt mỏi và chóng mặt, hoặc phải đi tiểu nhiều lần. Ở Mỹ có tới 7 triệu người bị bệnh này nhưng không biết mình mắc bệnh.
– Thời gian thử nghiệm: Bắt đầu từ năm 45 tuổi (hoặc sớm hơn nếu trong gia đình có người mắc bệnh này); sau đó thử nghiệm mỗi năm.
– Mục tiêu: Dưới 100 mg/dL.
TM
(theo Digg)