Trong số báo trước, chúng ta đã biết chuyện tình cờ phát minh ra Teflon của chuyên gia hóa học Roy Plunkett và chuyện một kỹ sư người Pháp là Marc Gregoire, do yêu cầu của vợ, đã tráng Polytetrafluoroethylene (PTFE) lên mặt nhôm để tạo thành loại nồi chảo không dính đầu tiên trên thế giới. Hai vợ chồng bắt đầu bán ra các sản phẩm của họ tại Pháp. Năm 1956 họ thành lập công ty Tefal. Tại Mỹ, Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược liệu (US Food and Drug Administration FDA) công nhận sản phẩm này, và loại nồi chảo không dính mang nhãn hiệu T-fal bắt đầu được bán ra tại Hoa Kỳ. Những nhà sản xuất khác cũng gia nhập thị trường này, với các nhãn hiệu hiện nay được bán khắp nơi như: Anolon, Calphalon, Circulon…
Như vậy, ứng dụng được nhiều người biết đến nhất của PTFE là dùng để tráng lên mặt các vật dụng nhà bếp để làm thành các loại nồi, chảo không dính (non-stick cookware)
Thắc mắc đặt ra là vì Teflon không dính với bất cứ thứ gì khác, vậy tại sao nó lại bám được vào soong, nồi để tạo thành loại nồi chảo không dính?
Muốn cho Teflon dính vào chảo, trước tiên người ta phải dùng cát chà xát chảo để tạo thành những vệt xước nhỏ li ti trên mặt. Kế đến, một lớp sơn lót Teflon (primer) được phun lên. Lớp sơn lót này rất mỏng, phủ lên mặt các vết trầy xước li ti nói trên. Sau đó chảo được cho vào lò nướng ở nhiệt độ cao, làm cho Teflon đông đặc lại, bám chặt vào mặt chảo. Bước kế tiếp là phun thêm một lớp nữa rồi lại đem nướng.
1. Trong kỹ nghệ bông vải: Dùng PTFE tráng lên mặt vải để cho chúng có đặc tính không thấm nước, không bị dơ. Nước gặp lớp tráng này không thấm vào vải hoặc vật chất nào khác được mà trượt đi, không để lại vết lem làm ố mặt vải.
2.Trong kỹ nghệ thảm và bàn ghế: Phun một lớp PTFE trên mặt thảm hoặc tráng trên mặt bàn ghế trong nhà, sàn gỗ, sàn bằng plastic… sẽ ngăn không cho nước hoặc các loại chất dơ có dầu, bụi bặm, chất ẩm… bám được vào mặt thảm, mặt sàn và bàn ghế.
3. Trong kỹ nghệ xe hơi: PTFE đã được ứng dụng nhiều cách: Được tráng một lớp PTFE:
– Cái gạt nước kiếng xe sẽ không thấm nước, mềm mại và bền hơn;
– Mặt ngoài lớp sơn xe giữ được bóng láng, không bị phân chim, côn trùng, nhựa đường, mủ cây… làm hư hại.
– Ghế nệm, thảm xe không bị dơ do nước đổ, giầy dép dính bùn;
– Pha vào dầu nhớt giúp máy xe chạy êm, giảm hao mòn…
4. Các lãnh vực khác:
– Đạn xuyên phá xe tăng được tráng một hỗn hợp PTFE nhằm giảm sự ma sát khi ra khỏi nòng súng và xuyên phá dễ dàng hơn qua sắt thép của xe tăng.
– Các dây cáp được cách điện bằng PTFE vì nó không cháy và không dẫn điện.
– Các dụng cụ trong cơ sở sản xuất thực phẩm, để dễ chùi rửa và hữu hiệu hơn khi sử dụng.
– Tráng lên mặt bàn ủi để không bị rỉ sét mà lại di chuyển dễ dàng hơn trên mặt vải.
– Dùng để tráng lên các lớp thép không rỉ, nhôm, đồng, magnesium, kiếng, fiberglass, plastic và cao su để ít bị dơ và bền hơn.

PTFE từ lâu được coi như một hợp chất an toàn đối với sức khỏe con người và súc vật. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây đã có những nghi vấn liên quan đến rủi ro có thể có đối với sức khỏe gây ra bởi một trong những chất liệu dùng trong quy trình sản xuất PTFE, đó là perfluorooctanoic acid (PFOA).
Một số nghiên cứu cho thấy PFOA có thể gây ra bệnh tật cho trẻ sơ sinh và sự phát triển ung thư nơi những người thường xuyên tiếp xúc với hoá chất này. Một cuộc nghiên cứu khác cho thấy 96% số trẻ em được thử nghiệm tại 23 tiểu bang ở Mỹ có chất này trong máu. Tuy nhiên, cho đến nay, các cơ quan Liên bang chưa xác nhận mức rủi ro mà PFOA đặt ra, và cũng chưa liệt kê bất cứ hoá chất nào dùng để chế biến PTFE là có hại cho sức khoẻ con người. Kỳ tới, chúng ta sẽ đề cập đến cách sử dụng nồi chảo không dính sao cho an toàn.