Cách đây hơn 70 năm, nhà báo, nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê đã đến xứ Cao Miên trong năm ngày và viết nên tập bút ký “Đế Thiên Đế Thích (Angkor Wat – Angkor Thom). Thời đó, đây là tác phẩm duy nhất viết về khu di chỉ huyền bí không kém Kim Tự Tháp của người Ai Cập. Angkor gồm Angkor Wat và Angkor Thom. Angkor Wat được xây dựng dưới thời vua Suryavarman II (1113-1150), nhưng đến thế kỷ 15 thì bị người Xiêm (Thái Lan) phá hủy. Nhà vua Khmer lui về Phnom Penh xây dựng kinh thành mới. Angkor bị rơi vào quên lãng, rừng già bao phủ. Mãi cho tới năm 1860, thành quách đền thờ vương triều Khmer xưa mới được tìm thấy bởi nhà khảo cổ Henri Mouhot.




Phần nhiều những hình ảnh nữ thần chạm khắc trên đá đều theo sự tích Ấn Độ giáo do vương quốc Khmer cổ xưa theo đạo giáo Bà La Môn. Sau này khi người Khmer đi theo Phật giáo thì mới xuất hiện các phù điêu chạm đức Phật trên đá quanh ngoài quần thể Angkor Thom.
Quần thể Angkor Wat được xây dựng bằng 5,000,000 tấn đá trong thời gian 35 năm – một thời gian kỷ lục so với công nghệ xây dựng vào thời điểm đó. Người ta vận chuyển đá từ các khu mỏ cách vị trí xây dựng đền khoảng 55km bằng đường thủy trên các kênh rạch.
Một sai sót trong việc trùng tu các khối đá vách tường thành ở Angkor Thom. Phía dưới góc bên phải không phải là những phù điêu liền lạc theo một điển tích các tiên nữ Apsara đang múa hát.
Cầu đá trang trí tượng Phật bắc ngang qua con kênh đào trước mặt đền. Con kênh này là tuyến giao thông khi xưa cho thuyền bè chở đá đến xây dựng nên công trình kiến trúc nghệ thuật bậc nhất của người Khmer.
Kết cấu các khối đá phía bên trong các ngôi tháp được sắp xếp theo một quy luật riêng biệt. Khối đá này đỡ các khối đá khác, chèn nhau cho ngôi tháp đứng vững.
Kể từ khi Angkor bị phế bỏ, trải qua mấy trăm năm cây rừng bao bọc um tùm che lấp cho đến khi được phát hiện. Nhiều bộ rễ cây knia đại thụ như những bàn tay ma quái khổng lồ giữ chặt khối tường thành và các cung điện làm cho du khách đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
UNESCO không chỉ bảo tồn đền Angkor mà bảo tồn luôn cả những cây đại thụ đã sống cùng cung điện hoang tàn trong thời di chỉ bị lãng quên. Người ta tìm cách chống đỡ các khối đá không để bộ rễ cây đè sập.