Lời giới thiệu: Là thành viên của Ban Giám Khảo cho Cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam tại San Diego năm 2009, tôi đã có một ngạc nhiên bất ngờ khi nghe giọng Huế thật đậm đà từ một thí sinh được sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Không chỉ đậm đà một giọng Huế, mà Á hậu Diệp Thủy Tiên còn nói, viết, đọc lưu loát tiếng Việt; tham gia nhiều sinh hoạt lãnh đạo và cộng đồng; và là một sinh viên xuất sắc với nhiều hoài bão. Cô đẹp người, đẹp nết, đẹp đời thật là một cánh hoa tuyệt hảo của xứ Thần Kinh, dù đã được cha mẹ vun trồng ở mảnh đất Việt xa quê hương ngàn dặm.

TrangĐài (TG): Xin chào Diệp Thủy Tiên. Cám ơn em đã nhận lời tham gia mục “CHAT Đi” của Tuần báo Trẻ.
Diệp Thủy Tiên (DTT): Kính chào chị Trangđài và quý độc giả Trẻ Magazine. Thật là một niềm vinh hạnh cho em khi được đối thoại với chị và chia sẻ với quý độc giả.
TG: Các đây mấy năm em đã đoạt giải Á hậu tại Hội Xuân San Diego 2009 do Liên Hội Tuổi Trẻ tổ chức. Mời em kể lại với độc giả về kinh nghiệm đó.
DTT: Cám ơn chị. Thắng giải Á Hậu tại Hội Xuân 2009 là một vinh hạnh quý báu đối với em. Ngày chính của cuộc thi là một ngày em không quên được, nhưng mà những tháng tập dợt cho cuộc thi thì thật là căng thẳng. Thật sự mà nói, lúc em đăng ký dự thi, những người chung quanh em, ai cũng rất ngạc nhiên. Phản ứng đó làm em cũng hơi “buồn năm phút” vì họ không tin tưởng là em có thể đoạt giải. Nhưng với sự ủng hộ của những người thân, em cảm thấy yên tâm và nhẹ lòng hơn. Khi được báo tin là em được chọn vào trong số hai mươi người để tham gia vào cuộc thi, em rất mừng! Ba người đầu tiên em cho biết là ba, mẹ, và chị nuôi của em.
Trong hai tháng chuẩn bị cho cuộc thi này, em đã gặp và làm quen với nhiều người bạn rất tốt. Trong những lúc bị căng thẳng, có những người bạn này bên cạnh và họ làm em cảm thấy vui hơn. Đây cũng là lần đầu tiên em múa cho nên tập hơi khó! Nhiều khi em sợ em không làm được, nhưng với sự ủng hộ của bạn bè và gia đình, em cố gắng tập để không phụ lòng họ. Thời gian qua thật mau, và tháng trở thành tuần, tuần trở nên ngày, và ngày trở nên những tiếng đồng hồ em sẽ không bao giờ quên. Sáng ngày thi, em vẫn chưa tin là tối đó em sẽ là một trong hai mươi người bước lên sân khấu để thi cho giải Miss Việt Nam San Diego. Tới khoảng 3 giờ chiều, khi chị nuôi của em đến để giúp em chuẩn bị, em mới cảm thấy hơi run và thật hồi hộp, nhưng chị em khuyên em đừng lo quá và từ từ em bình tĩnh lại. Khi giờ thi đến, em rất ngạc nhiên là em cảm thấy rất bình tĩnh và can đảm vì em có cơ hội để biểu dương bản chất thật sự của em, và em rất hãnh diện vì đã làm được điều đó.
Em rất vui mừng khi đoạt giải Á Hậu và đã đi vào được đến vòng bán kết. Em nghĩ là ý nghĩ quan trọng nhất đã theo em trong suốt những tháng chuẩn bị cho cuộc thi đó là, em đi thi chỉ cho vui, và việc đoạt giải không phải là điều quan trọng nhất. Và cuộc thi chỉ là một thử thách thú vị để em thử khả năng của mình. Dù thắng hay thua, em vẫn sẽ rất vui vì em đã có được những kinh nghiệm mà em chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ có được. Chiếc vương miện là một vật rất đẹp để sở hữu, nhưng em thành thật nghĩ rằng em không cần một chiếc vương miện để làm người vì em sống bằng trái tim.
TG: Trong vòng chung kết của cuộc thi Hoa Hậu tại Hội Xuân “Sức Sống Mùa Xuân” 2009 tại San Diego, năm thí sinh vòng chung kết được hỏi là nếu họ có thể ngược dòng thời gian để gặp một nhân vật lịch sử, thì họ sẽ muốn gặp ai và đặt câu hỏi gì. Em đã không ngần ngại bày tỏ lòng ngưỡng mộ với nhà đấu tranh dân quyền tiến sĩ Martin Luther King. Nhờ em chia sẻ câu trả lời của em với độc giả Tuần báo Trẻ.
DTT: Thưa chị và quý độc giả, tối hôm đó, chị Phương và chú Nam Lộc hỏi em, “Nếu em có thể gặp lại một người nào đã qua đời rồi, thì em muốn gặp ai và tại sao?” Em trả lời Tiến sĩ Martin Luther King tại vì từ lúc em còn nhỏ, em đã học về ông ta và em rất ngưỡng mộ những việc ông đã làm cho dân chúng chung quanh thế giới. Mỗi năm học, vào Tháng Giêng, em luôn học về ông King và bài giảng của ông ta, “I Have Dream…” “Tôi có một ước mơ…” Và em rất ngưỡng mộ những lời nói của ông King. Trong thời đó, người da màu gặp nhiều khó khăn, nhưng ông vẫn đứng dậy để bảo vệ và đòi lại quyền lợi cho họ. Ông King đã hy sinh cuộc đời của ông ta để cho dân nhất là những người dân da màu có được một cuộc sống tự do nhân quyền vì ông ta muốn thấy được một thế giới mà trong đó ai cũng được đối xử như nhau và luôn giúp đỡ lẫn nhau.
Vì ước mơ của ông ta, ông ta đã hy sinh mạng sống để tất cả người da màu có được sự tự do ngày hôm nay. Tuy ông King đã qua đời, nhưng em biết ông ấy vẫn đang nâng đỡ chúng ta, và ông ắt rất hãnh diện vì sự thay đổi của ngày hôm nay. Mình là người Việt Nam, cũng là người da màu, và nhìn gương của ông King, mình nên tự hỏi mình có thể làm gì thêm để cải thiện và gìn giữ hòa bình trong cộng đồng người Việt tại Hải Ngoại. Chúng ta nên giúp đỡ lẫn nhau và chia sẻ những vui buồn cùng nhau để có thể xây dựng một tương lai thật sáng ngời cho các thế hệ sau này.

Á Hậu Diệp Thủy Tiên
TG: Có lẽ nhiều quý độc giả sẽ rất ngạc nhiên (cũng giống như Trangđài) khi biết rằng Thủy Tiên được sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ, nhưng lại có một khả năng Việt ngữ rất lưu loát. Chị đặc biệt ngưỡng mộ giọng Huế rất duyên dáng của em. Làm thế nào để Thủy Tiên phát triển và duy trì tiếng Việt của mình một cách hoàn mỹ đến như vậy?
DTT: (cười khúc khích) Chị Trangđài, chị làm em rất mắc cỡ với lời khen của chị!!! Cảm ơn chị rất nhiều! Thưa chị, em sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ nhưng em luôn tin rằng Việt Nam là quê hương của em. Từ lúc em còn nhỏ, ba mẹ em luôn ủng hộ và nếu nói đến thời gian đó thì ba mẹ “bắt buộc” em phải học tiếng Việt vì ba mẹ của em không muốn em quên tiếng mẹ đẻ của em.
Vì vậy, lúc em mới năm tuổi, ba mẹ đã ghi danh cho em vào học tại Trường Việt Ngữ Văn Lang. Mỗi Thứ Bảy, em ham đến trường để gặp bạn bè nhiều hơn là để học tiếng Việt vì em không hiểu tại sao ba mẹ em bắt em phải học tiếng Việt. Ba mẹ em luôn khuyên em là: em là người Việt, nếu em không biết tiếng Việt thì người ta sẽ cười em. Nhưng em vẫn chỉ đến trường mỗi tuần vì đó là “bổn phận” của em. Tuy vậy, chiều nào ba em cũng bắt em dành khoảng một tiếng đồng hồ để tập đọc và viết chính tả cho nên khóa nào em cũng được giải ưu hạng trong lớp. Và em siêng học để được giải ưu hạng vì được thầy cô tặng quà vào lễ mãn khóa.
Cho đến khi em khoảng 12 tuổi, em bắt đầu thích nghe nhạc Việt – nhất là nhạc do nữ ca sĩ Như Quỳnh hát – cho nên em càng thích học tiếng Việt hơn vì em muốn hiểu những lời nhạc em đang nghe. Vì vậy, em mới tìm tòi thêm về tiếng Việt và càng muốn học về lịch sử, địa lý, dân tộc, văn hóa, và ca dao tục ngữ Việt Nam. Từ lúc đó, em mới tin rằng em đang học tiếng Việt vì em thật sự muốn học chứ không phải vì đó là “bổn phận” của em nữa. Em hiểu lý do tại sao ba mẹ của em luôn thúc đẩy em phải học tiếng Việt, và em đã có thể nhìn thấy được tiếng Việt thật sự rất đẹp và phong phú.
Sau khi học tại trường Văn Lang 10 năm, các thầy cô cho em cơ hội làm một giảng viên cho trường. Em vui lòng đón nhận cơ hội đó, và dạy tiếng Việt cũng giúp em học hỏi thêm và phát huy tiếng Việt của mình. Ngoài ra, dù em viết không hay cho lắm, nhưng em cũng thích viết thơ và truyện ngắn. Trong tất cả các môn, em thích học về ca dao tục ngữ nhất vì ca dao tục ngữ có đầy ý nghĩa có thể giúp mọi người hiểu và quý trọng cuộc sống hơn. Dù em đã học tiếng Việt từ lúc nhỏ và đã có cơ hội dạy tiếng Việt cho trẻ em, em vẫn còn rất nhiều điều để học. Em muốn được học thêm nữa về văn hóa và tiếng nói của người Việt vì tiếng Việt rất là đặc biệt và rất khó, nhưng một khi mình hiểu ra được, thì tiếng Việt là rất đẹp.
TG: Em đã sinh hoạt nhiều năm với Bút nhóm Gạch Nối tại UC San Diego, và tham gia viết văn với nhóm. Trong năm học 2010-11, em đã đảm nhận trách nhiệm Chủ Bút. Em có những kỷ niệm đẹp nào với Gạch Nối, và em đã có những dự tính nào cho hội trong nhiệm kỳ của mình?
DTT: Thưa chị, cho phép em giải thích về Gạch Nối cho quý độc giả một chút. Gạch Nối Magazine là một tổ chức vô vụ lợi tại trường đại học UC San Diego. Chủ đích của bút nhóm Gạch Nối là duy trì và bảo tồn nền văn hóa Việt Nam cho thế hệ trẻ sanh ra và lớn lên tại Mỹ. Mỗi khoá học Thu, Đông, và Xuân, Gạch Nối gom góp bài vở của các bạn sinh viên gửi về, và xuất bản một nguyệt san để chia sẻ đến với mọi sinh viên trong trường và cộng đồng chúng ta để cho mọi người cùng thưởng thức.

Em đã là một thành viên trong nhóm Gạch Nối tại trường đại học UCSD từ lúc em mới bắt đầu theo học tại đây từ ba năm trước. Trong ba năm đó, em đã làm người ngoại giao cho hai nhiệm kỳ, và năm nay em được cơ hội làm Chủ Bút. Trong những năm qua, em có rất nhiều kỷ niệm vui và buồn. Đối với em, những kỷ niệm này rất quý trong đời sinh viên của em vì em đã học hỏi rất nhiều qua những người bạn mới em đã làm quen.
Nhưng, nếu phải chọn một năm, thì năm đầu tiên của em trong Gạch Nối tràn đầy nhiều kỷ niệm đẹp nhất! Năm đó là năm đầu tiên học tại UCSD nên em hơi bỡ ngỡ vì lạ trường, nhưng các anh chị trong Gạch Nối rất niềm nỡ đối với em và đối xử với em như em đã là bạn của họ từ lâu. Và vì lúc đó em là một trong những thành viên nhỏ nhất nên em hơi được ưu tiên một chút cho nên em cảm thấy rất đặc biệt. Một người đặc biệt em gặp vào năm đó hiện giờ là chị nuôi của em. Em quen chị ấy từ lúc ở trung học, nhưng đến khi vào UCSD mới tái ngộ và chơi thân với nhau. Chị ấy đã giúp em vượt qua nhiều khó khăn trong những năm vừa qua, và chị ấy luôn khuyên nhủ, thúc đẩy, và ủng hộ em trong tất cả những việc em làm. Dù em có làm chị em bực mình biết mấy, chị em vẫn đứng bên cạnh em như một người chị thật đáng quý (mỉm cười).
Vào năm đầu tiên, Gạch Nối có tổ chức một đêm gây quỹ gọi là “Nhịp Sống Trẻ” để quyên tiền cho một hội đoàn giúp trẻ em tàn tật. Dù việc chuẩn bị cho đêm gây quỹ này rất vất vả, nhưng em thấy điều này rất có ý nghĩa và đã kéo mọi người lại với nhau vì một mục đích thật tốt. Em cùng ban chấp hành của Gạch Nối và tất cả các thành viên đã có thể đoàn kết để tổ chức một đêm gây quỹ đáng nhớ như “Nhịp Sống Trẻ.” Ngoài việc đó, trong nhiệm kỳ vừa qua, em hy vọng mình đã đem lại nhiều kỷ niệm tốt đẹp cho các thành viên mới và cũ để họ luôn có một ấn tượng tốt về Gạch Nối.
TG: Trong tất cả những sinh hoạt cộng đồng của em, việc giảng dạy Việt ngữ có lẽ là một trong những sinh hoạt đòi hỏi sự bền bỉ và kiên trì nhiều nhất. Em đã dạy Việt Ngữ tại Trung Tâm Văn Lang trong nhiều năm. Em đã đối diện với những thử thách nào trong công tác dấn thân này?
DTT: Thưa chị, em đã bắt đầu dạy tại Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang từ lúc em 15 tuổi, tức là 10 năm sau khi bước vào trường này. Em thích nhất là dạy trẻ em vì trẻ em rất ngây thơ và thích học tất cả. Điều khó nhất với em là em phải kỷ luật những bé nào quậy phá, mà em lại không muốn vì sợ mấy em bé buồn, nhưng em vẫn phải làm vì nếu không thì những trẻ em khác không học được.
Tuy vậy, có một lần cuối giờ giảng và khi chuẩn bị đi về thì có một bé trai đến và cúi đầu xuống để chào em và nói, “Chào cô Thủy-Tiên con về.” Lúc đó em thấy rất cảm động và phấn khởi vì biết mình đã làm được một điều gì đó để giúp cho bé trai đó. Lúc đó, em mới thật sự hiểu được những khó khăn và những phần thưởng tinh thần của một cô giáo. Khi em dạy, em muốn dùng kinh nghiệm của em để dạy các em nhỏ về quê hương của họ và cho các em hiểu được sự quý giá của dân tộc và ngôn ngữ của Việt Nam và em hy vọng em có thể truyền cảm hứng cho các trẻ em luôn yêu mến tiếng mẹ đẻ của các em.
TG: Trong hoàn cảnh cá nhân, em nhận diện bản sắc văn hóa của mình như thế nào: nửa Việt, nửa Mỹ, 8/10 Việt, 2/10 Mỹ? Và với bản sắc đó, em chọn đóng vai trò gì trong bức tranh sắc tộc và giới tính của xã hội Hoa Kỳ?
DTT: Em sanh ra tại Mỹ cho nên em nhận diện bản sắc văn hóa của em là nửa Việt, nửa Mỹ. Đối với em, mỗi dân tộc có cái tốt với cái xấu. Vì vậy, em hy vọng là em có thể lấy và học hỏi tất cả cái tốt của người Việt Nam và người Mỹ và góp cả hai lại và có được nhiều điều tốt của cả hai thế giới. Em hy vọng em có thể giúp trau dồi cuộc sống của người Việt đang sống tại Mỹ bằng cách giúp họ thấy được tất cả các điều tốt của văn hoá Mỹ, và cũng như giúp người Mỹ hiểu hơn về văn hoá tốt đẹp của Việt Nam ta. Nếu cả hai văn hóa có thể trộn lẫn lại thì cả hai văn hóa sẽ góp rất nhiều điều tốt đẹp và làm nên một cộng đồng tươi đẹp cho tất cả mọi người trên xứ Mỹ này.
TG: Xin cám ơn Á hậu Thủy Tiên rất nhiều đã dành thời gian “CHAT” với Tuần báo Trẻ. Thân chúc em nhiều thành công và hạnh phúc.
DTT: Em cũng xin cảm ơn chị Trangđài đã cho em cơ hội để có được cuộc phỏng vấn này, và cảm ơn quý độc giả đã cùng chia sẻ với Thủy-Tiên trong cuộc đối thoại này. Thủy-Tiên thân chúc chị và quý độc giả luôn gặp nhiều may mắn và niềm vui trong cuộc đời, và luôn có niềm tin trong tất cả những gì mình dốc tâm làm vì có tin tưởng thì sẽ đạt được.