Trong số các bảo tàng, có lẽ bảo tàng nhà tù là nơi khách đến thăm ít nhất, ngoại trừ nhà tù mang tính chất lịch sử chính trị. Tôi có công việc ở Houston, đi qua, đi lại Bảo tàng nhà tù Huntsville trên xa lộ 45 nhiều lần. Nhưng lần nào cũng thấy vắng bóng xe của khách ghé xem tìm hiểu về lịch sử và hệ thống nhà tù hình sự lớn nhất Texas. Tôi biết có người dị đoan, không thích nơi xúi quẩy. Cũng có người chống đối án tử hình trên mạng diễn đàn bảo rằng xem làm gì cho mệt óc, nhìn sợi dây thòng lọng hoặc chiếc ghế điện lạnh lùng, thuốc độc tiêm vào cơ thể là không nhân đạo. Thế nhưng mục đích của bảo tàng nhà tù là giáo dục công dân sống theo đúng pháp luật, răn đe, tránh xa tội ác.
Huntsville “Walls” Unit là nơi thi hành án dành cho tử tù (ảnh wiki)
Huntsville – thành phố có trên 35,000 dân cư ngụ. Trong đó có hơn sáu ngàn người làm những công việc thẩm phán, công tố viên, luật sư, nhà tâm lý và đông đảo nhất là cảnh sát, giám thị nhà giam. Bởi thành phố này có 8 nhà tù hình sự khét tiếng đến nỗi được mệnh danh là “Thành phố Trừng phạt” (Punishment City). Đa số phạm nhân bị chuyển giam ở Huntsville đều mang tội nặng, bóc lịch lâu dài, hoặc một số khác chờ ngày xử tử. Theo ghi nhận của Bảo tàng, nhà tù Huntsville có từ rất lâu và chỉ lưu giữ được ký lục xử tử từ năm 1819 đến nay, tổng cộng có 1,228 tử tù bị hành quyết (trong đó có 6 nữ). Giai đoạn xử tử nhiều nhất từ năm 1982 đến 2008, có 423 vụ. Lý do, thời gian này luật cho dùng thuốc độc Lethal để mang đến cái chết nhẹ nhàng hơn đối với tử tù.
Treo cổ, một trong những cách hành hình tử tù tại nhà tù Huntsville trước năm 1920 (ảnh Wiki)
Tuy thế, những người đấu tranh xã hội vẫn cho rằng, tiêm thuốc độc đi ngược lại lời thề Hypocrate trong ngành y. Hơn nữa, trong những năm gần đây, việc khám nghiệm DNA trong các vụ án hãm hiếp, giết người đã chỉ ra rằng, án oan xuất hiện khá nhiều trong số những tử tù bị tòa án phán quyết. Vì thế, bồi thẩm đoàn thường chọn án chung thân thay vì tử hình. Năm 2010 và 2011 chỉ có 16 án tử tại Huntsville được thi hành. Đối với án chung thân, người ta còn cơ hội sửa sai được khi buộc tội lầm.Và ở một góc độ nào đó, án chung thân xem chừng ra cũng khá nhân đạo, khi phạm nhân phải chịu nỗi cắn rứt lương tâm kéo dài đến hết cuộc đời sau song sắt nhà giam. “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, một ngày trong tù bằng ngàn năm bên ngoài. Một tù nhân chung thân sẽ phải chịu đau khổ biết chừng nào, trước khi họ có thể hoàn lương!
Tôi vừa đọc mẩu tin về vụ xử bà Catherine gốc Việt ở quận Cam. “Theo Bồi thẩm đoàn, bà Catherine bị buộc tội vì các hành vi tra tấn, gây thương tích trầm trọng cho người khác và dùng dao để gây án. Bản cáo trạng được đưa ra cho rằng không cần thiết phải có một cuộc họp nghe chứng cứ để kiểm tra các bằng chứng và cần đẩy nhanh quá trình tố tụng, tiến hành ngay phiên xét xử sơ thẩm. Cảnh sát cho biết, bà Catherine đã bỏ thuốc vào bữa tối của chồng, khiến ông này buồn ngủ. Sau đó, bà ta trói chồng vào giường. Khi ông ta tỉnh dậy, bà ta lấy dao cắt “của quý” ông chồng, rồi ném cái đó vào máy xay rác và bật nút. Bà gọi cảnh sát tự thú và nói rằng, “Ông ấy đáng bị như vậy”. Bà Catherine vẫn giữ im lặng cho đến ngày ra tòa và cũng không nhờ luật sư biện hộ. Khả năng bà sẽ phải chịu mức án cao nhất là chung thân.
Ghế điện được sử dụng từ năm 1920 cho đến thập niên 1960 (ảnh Wiki)
Để thực hiện hành động trên, một người phụ nữ chân yếu tay mềm hẳn nhiên phải dùng thủ đoạn. Nhưng tại sao bà ta đã trói ông chồng vào giường mà không cho một phát vào đầu để kết liễu “thằng anh” cho xong, lại đi trảm “thằng em”. Bà ta sợ “giết người đền mạng” hay bà ghen đến mức trở thành Hoạn Thư. Hoặc bà ta chỉ thù vô cùng tận “cái đó” lắm, mới xén phéng nó đi, rồi tiêu hủy luôn món nợ đời. Trước đây, tôi làm ở một cơ quan xã hội trong một thời gian ngắn. Có lần tôi nhận được cú điện thoại nhờ giúp đỡ của một bà Việt Nam lấy chồng Mỹ sang định cư ở Ohio. Bà nói toạc là thường xuyên bị chồng cưỡng hiếp quá mức và hăm dọa không làm hồ sơ thẻ xanh cho bà. Lúc đó tôi rất lúng túng và khuyên bà liên lạc với một văn phòng luật sư địa phương. Không biết có khi nào bà Cathérine cũng bị lạm dụng tình dục chăng? Ranh giới giữa cái thiện, cái ác chỉ là một lằn ranh mỏng, khi con người không thể kiềm chế hành vi bản thân.
Theo một khảo sát của Tổ chức ACLU (American Civil Liberties Union) vào năm 2004 trên 66 người nữ chịu án tử hình tại Mỹ, thì 30% cho biết thường xuyên bị chồng hay bạn tình đánh đập, 11% bị bạo hành trong gia đình khi còn nhỏ, và đặc biệt có đến 55% thừa nhận mình thường xuyên là nạn nhân của nạn lạm dụng tình dục. Điều này phần nào cho thấy vấn đề bị lạm dụng tình dục có tác động rất lớn đến tinh thần và hành vi phạm tội của các nữ phạm nhân. Giáo sư Victor Streib của Trường Ohio Northern University, người đang nghiên cứu về vấn đề nữ giới chịu án tử hình, đã đưa ra thống kê 58% các vụ án nữ giới chịu án tử hình tại Mỹ có sai sót trong việc định tội. Hầu hết nữ phạm nhân chịu án tử hình đều có xuất thân gia đình nghèo, nên luật sư của họ khi ra tòa sẽ là luật sư chỉ định. Tuy nhiên, các luật sư này thường không thật sự hết lòng cho công việc, nhất là với các án tử hình. Và điều này đã gây nhiều hệ lụy.
Nghĩa trang tử tù tại Huntsville, trong đó có một cái tên của người Việt (ảnh Wiki)
Trở lại Bảo tàng Huntsville, nơi đây có bán cả sách của các nhà văn từng là giám thị nhà giam hay nhà báo đi thăm trại tù. Xem qua lịch sử hành hình ở Texas thì chặt đầu, xử bắn, cũng chẳng gì ghê sợ. Cuộc sống chấm dứt sau vài giây không đủ cho người thụ hình cảm thấy đau đớn của sự trừng phạt thể xác lên đến tột cùng. Ghế điện mới là cách xử giảo độc ác nhất. Bạn hãy tưởng tượng, cơ thể rúm lại, khói khét lẹt, máu từ hốc mắt, lỗ tai, lỗ mũi tuôn chảy và chết từ từ trong sự đau đớn kéo dài vài chục giây. Nhưng theo tôi, những trưng bày dụng cụ hành hình lạnh lùng như thòng lọng, ghế điện, thuốc độc thực sự không lôi cuốn bằng những sáng tạo thủ công của những tử tù làm ra trong khi chờ ngày lên “đoạn đầu đài”.
Một phòng ngủ của tử tù
Thường tâm lý của tử tù rất căng thẳng và trở nên hung dữ. Đằng nào cũng chết. Nên họ có thể bất chấp, tự hành hạ mình hoặc bạn tù cũng như giám thị khi điều kiện cho phép. Nhưng ở đây, trông những sản phẩm họ làm ra từ những chất liệu đơn sơ như giấy vệ sinh, tre, gỗ, vải thật sự sinh động và ấm áp tình người. Nó đòi hỏi sự khéo tay và kiên nhẫn của một tâm hồn bình thản mới cho phép họ làm ra những đồ mỹ nghệ xuất sắc như thế. Bình bông hồng bằng giấy vệ sinh, một bức tranh tĩnh vật, một chiếc thuyền buồm, một cái tù và có chạm khắc tinh xảo và nhiều thứ nữa khiến ta không nghĩ, đó là những tác phẩm của những người sắp phải đền mạng.
Những tác phẩm thủ công sắc sảo của tử tù làm ra được trưng bày trong phòng triển lãm của Bảo tàng Nhà tù Huntsville, Texas (ảnh Wiki)
Ngoài các sản phẩm mỹ nghệ, hình ảnh lịch sử hành hình và nghĩa trang tử tù cũng được trưng bày. Tôi ngạc nhiên thấy tên “Chau Van Nguyen” chết năm 2001 in trên mộ đá. Tra thư mục năm xử tử thì không thấy tên. Có lẽ bệnh chết trước khi bị hành hình. Năm 1995 xử tử Hai Hai Vuong, tôi chắc là người Việt Nam. Còn lại những tử tù người da trắng, da đen, Hispanic năm 1994, 1999, 2000 thì nạn nhân bị giết hại là người Việt mình. Vụ xử tử gần nhất năm 2007, hung thủ Johny Ray Conner cướp tiệm tạp hóa, giết một nữ chủ nhân người Việt tên Kathyanna Nguyen ở Houston bằng hai phát súng vào đầu hồi năm 1998. Đây là trường hợp thứ 400 kể từ khi Texas nối lại án tử hình từ năm 1982. Sau vụ hành hình này, nhiều người chỉ trích và coi đây là hành động vô nhân đạo không giúp gì trong việc ngăn ngừa tội phạm. Liên minh Châu Âu đã kêu gọi Thống đốc tiểu bang Texas bãi bỏ án tử hình. Tuy nhiên, theo thăm dò của báo Houston Chronicle cho thấy 69,1% người dân ủng hộ án tử hình, 21,9% không ủng hộ, 9,1% không có câu trả lời chắc chắn. Tại Mỹ có 38 tiểu bang còn áp dụng án tử hình. Và con số án tử hình ở Texas nhiều gấp 4 lần so với các tiểu bang khác.
Ngoài Bảo tàng nhà tù Huntsville, Texas còn 3 bảo tàng nhà tù khác nữa. Nhưng tựu trung cũng chỉ là những gian trưng bày về lịch sử nhà tù, công cụ xử giảo và hình ảnh. Không biết có ai hứng thú vào xem bảo tàng nhà tù không, nhưng nếu bạn có dịp cứ thử một lần cho biết như đề tựa của cuốn sách nói về chiếc ghế điện với cái tên rất dễ thương và mời mọc “Have a Seat, Please”.
NL