Mới đây thôi, sau Noel vài tuần lễ…Một đêm buồn với vầng trăng thiền treo lơ lửng giữa trời… Nguyễn mời các bạn đến nhà trà đạo. Nói vậy cho hợp bụng trời chứ không có rượu thì các bạn đâu chịu ngồi tới khuya. Vâng lúc trời đã về khuya khi đã ngấm chút hơi men, Ian Bùi bèn ôm đàn hát Xuân Ca của Phạm Duy, tới câu “thì xin, thì xin hãy cho tình nhân sống thêm vài lần”, thì trong lòng kẻ này bỗng như có một dây đàn đứt làm bật máu. Ôi, nếu được như vậy thì tình sử nhân gian đâu còn những giọt lệ khô. Tiếp theo Xuân Ca là Bài Ca Sao cũng của Phạm Duy. Vẫn giọng Ian Bùi: Sao rua chín cánh í a nằm kề / thương em từ thuở í a mẹ về về với cha…
Chao ơi, có một tình yêu như thế ư… Yêu em từ thuở em còn ở ngoài bụi chuối (nói theo cách của hiền nội, nghĩa là em chưa khóc chào đời). Tình hết biết, phải không các bạn? Và rồi trong đêm xuân vừa nồng vừa đắng ấy, trí óc Nguyễn lan man nghĩ qua nhiều thứ. Nguyễn nhớ những năm cuối 1950 ở Sài Gòn, một đêm màu hồng hay đêm màu xanh nào đó, ở Café Nữ Hoàng trên đường Catinat, mình cùng ngồi nghe -ôi, bông phù dung có nhớ ca khúc Rose, Rose I Love You qua tiếng hát rất male, rất đàn ông của anh chàng Frankie Laine: “Tôi yêu em người em mắt nâu, em thơm ngát và mảnh khảnh dưới bầu trời nhiệt đới, cả cuộc đời tôi sẽ luôn ghi nhớ điệu nhạc phương đông, cánh hoa ngát hương cài trên mái tóc em, cơn gió nhẹ mang mùi hoa sen và những cây cọ đong đưa dưới trời…”
Thời gian trôi qua với bao khúc hát -Red rose for a blue lady và rồi La vie en rose với Edith Piaf. Mới đây, còn được nghe lại One Day trong phim Toute La Ville Danse – The Geat Waltz và mường tượng thấy bóng hình nàng trên con tàu dần dần xa bến
Và cũng mới đây thôi, khi chờ những tín hiệu của mùa xuân, Nguyễn có nói đến những bông hoa còn ngủ trong lòng đất giá băng, đợi ngày nắng xuân ấm áp sẽ mọc lên. Và xin hãy cùng nghe:”Khi bạn trở nên quá cô đơn trong bóng đêm và con đường trước mắt dường như quá dài; khi bạn nghĩ rằng tình yêu chỉ dành cho những ai may mắn và mạnh mẽ; hãy nhớ rằng trong mùa đông, sâu bên dưới lớp tuyết lạnh lẽo, ấp ủ một hạt mầm, và với tình yêu ấm áp của ánh nắng mặt trời, đến mùa xuân, hạt mầm đó sẽ nở thành bông hoa hồng”
Những bông hồng vàng và những bông hồng màu brigitte em đã cùng anh trồng trước ngôi nhà trên đường White Swan, em có nhớ? Và còn nữa, những bông hoa thủy tiên yellow daffoldils mà anh đã nói với em khi mùa đông chưa qua hết. Xin gởi em mối tình tội nghiệp sau đây của một anh chàng clochard lang thang lếch thếch tận bên xứ sương mù Anh Cát Lợi: “Tôi không có nhà cao cửa lớn, cũng chẳng có mảnh đất nào làm nơi cư ngụ.Thậm chí tờ đô la nhàu nát trong tay cũng không có. Nhưng tôi có thể cho em thấy nắng sáng tràn về trên ngàn ngọn đồi của miền đồng cỏ, tôi có thể hôn em và tặng em bảy bông hoa thủy tiên vàng rực.” Và còn nữa: “… tôi chẳng có nhiều tiền để mua cho em những tặng vật đẹp. Tôi chỉ có thể dùng ánh trăng để dệt, để đan thành chuỗi hạt, thành nhẫn cho em. Bảy bông hoa thủy tiên màu vàng, lấp lánh trong ánh nắng. Khi ngày trôi qua, chúng cũng sẽ chiếu sáng con đường vào buổi tối, và khi đó tôi sẽ mang đến cho em âm nhạc, mang đến cho em mẩu bánh mì và chiếc gối làm từ những cành thông.”
Như vậy đó em ơi những bài ca ngày nào của đôi ta. Sau đây, anh kể cho em một hai chuyện tình, chẳng phải là chuyện của anh của em nhưng nó là ước mơ chung của những đôi lứa yêu nhau. Trước hết là chuyện của Peter và Jacqueline. Thuở ấy, năm 1958, Peter vừa tròn 16 tuổi và Jacqueline 15. Hai người gặp nhau trên sân trượt băng rồi yêu nhau. Một năm sau, cha của Jacqueline được thuyên chuyển qua Nhật Bản. Peter bèn tình nguyện gia nhập Thủy Quân Lục Chiến để được đi Nhật với hy vọng sẽ gặp lại người yêu. Trong khi đó, ở Nhật Bản Jacqueline hẹn hò với một lính Thủy Quân Lục Chiến khác và kết hôn với anh ta. Cô nghĩ rằng đó là việc cô phải làm. Năm 1962, cô trở về lại Mỹ song cũng chẳng biết anh làm gì, ở đâu. Trong khi đó thì anh đã xong thời gian huấn luyện và chuẩn bị đi Okinawa. “Sang tới Nhật, mình nhất quyết sẽ tìm gặp nàng.” Trước khi lên đường, anh ghé thăm mẹ cô và được biết cô đã có chồng. Thất vọng, anh vội vã bỏ đi. Sau thời gian 14 tháng ở nước ngoài, anh về nước rồi giải ngũ. Về lại quê nhà ở Maryland, một đêm, anh nghe cô gọi điện, mời anh đến nhà chơi. Tại nhà mẹ cô, Peter gặp đứa con gái đầu lòng mới ba tháng tuổi của Jacqueline. Sau bữa đó, cô về lại North Carolina và anh tái gia nhập quân đội. Anh xin đi chiến đấu ở Việt Nam. Trở về sau đó 26 tháng , anh đóng tại Camp Pendleton, California. Một hôm ngồi trong trại anh viết thư cho cô nói hết nỗi lòng vì anh sắp lên đường trở lại Việt Nam. Anh muốn quên đi mối tình vô vọng. Trong khi đó thì cô có thêm một bé trai. Và cô vẫn ôm con tựa cửa nghĩ về cuộc hôn nhân lỗi nhịp của mình. Khi trở về từ Việt Nam, Peter quyết định đi North Carolina gặp cô. Nhưng cô đã từ chối anh. Đó là vào hôm 25 tháng 9. 1968. Ba mươi năm sau, cô ly dị chồng. Giờ đây, các con cô đã lớn và thành đạt, có gia đình riêng. Cô cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Một đêm, anh đang ngồi nhà thì điện thoại reo. Anh nhận ra ngay tiếng nói của cô. Đó là vào ngày 25 tháng 9. 1998. Chính cô đã nhờ tổng đài điện thoại tìm ra anh. Cô nói với cô tổng đài: “Đây là tình yêu của tôi. Tôi tìm anh đã 30 năm.” Cô vẫn còn yêu anh như ngày xưa và cảm thấy mình trở lại là cô thiếu nữ 15 tuổi của ngày nào. Họ gặp lại nhau ở Memphis,cô đón anh ở phi trường và họ nối lại môi hôn ngày xưa. Anh nói: “Chúng ta đã mất nhau 30 năm, nhưng rồi anh đem em về lại và em vẫn đẹp như trong giấc mơ của anh.”
Bây giờ, anh xin kể một chuyện tình khác. Đó là Tình Yêu Thời Thổ Tả – Love in the Time of Cholera- của văn hào Gabriel Garcia Marquez. Tác phẩm này được nữ hoàng talk show Oprah Winfrey cho là một trong 10 thiên tình sử diễm lệ nhất của thập niên 80 thế kỷ trước.Chuyện kể lại cuộc tình say đắm giữa một người nam (Florentino Ariza, con một bà bán hàng vặt) với một người phụ nữ nhan sắc (Fermina Daza, con một nhà buôn hãnh tiến, giàu có mới phất nhờ ăn cắp và gian lận). Khi mới lớn lên, họ yêu nhau nồng nàn nhưng không lấy được nhau vì họ quá trẻ, không có đủ sức mạnh chống chỏi với bão táp cuộc đời. Fermina đi lấy chồng là bác sĩ Urbino giàu có và thế lực. Florentino vẫn ở lại quê nhà, quyết tâm làm giàu và lao vào hưởng lạc với hàng trăm cô gái. Hơn năm mươi năm trôi qua (chính xác là 51 năm, 9 tháng, 4 ngày), họ sống xa mặt nhưng không cách lòng với bao sóng gió bão bùng. Fermina Daza nhẫn nhục làm vợ – một thứ đồ trang sức và một thứ nàng hầu. Trong khi đó, Florentino vẫn hằng mơ tới Fermina và chỉ chờ ngày Urbino chết để nối lại tình yêu định mệnh say đắm với nàng. Dịp ấy đã đến khi Urbino qua đời và cả hai người đã ngoài bảy mươi tuổi. Bằng sự từng trải của mình, bằng địa vị xã hội đã đạt được, họ nối lại tình yêu và yêu nhau đắm đuối. Nhưng vì quá già nên hai người đã không đủ sức thắng nổi những định kiến, thành kiến của xã hội hủ lậu từng bóp chết mối tình đầu của họ. Và thế là họ trốn lên tàu thủy và chỉ hai người sống với nhau trên chiếc tàu treo lá cờ vàng -dấu hiệu có người bị bệnh thổ tả- chạy ngược rồi chạy xuôi trên dòng sông Magdalena của quê nhà.
Ôi, những bản tình ca vượt thời gian. Ở nơi nào đó, em có nghe? Riêng anh cầu mong tình yêu sẽ vượt qua cả cái chết. Vâng, như vậy đó. Và.. xin hãy cho tình nhân sống thêm vài lần.
TN