Menu Close

Bạo lực, thảm sát và những vấn đề Luật Pháp

Giữa mùa Giáng Sinh đang về rộn ràng, có nhiều sinh linh sẽ không còn dịp đón mừng quà Noel thêm lần nữa sau vụ nổ súng bi thương sáng Thứ Sáu 14 Tháng Mười Hai 2012 vừa qua. Vụ thảm sát tại ngôi trường tiểu học bé tẹo Sandy Hook Elementary School khiến dư luận cả nước Mỹ cũng như khắp thế giới bàng hoàng. Thị trấn hiền hoà Newtown (tiểu bang Connecticut), chưa đầy 30 ngàn cư dân, cả thập niên qua chỉ có 1 vụ sát nhân, thoắt chốc phải chứng kiến cái chết thảm khốc của 28 con người (trong đó 20 cháu bé chỉ mới lên 6-7 tuổi), gồm cả hung thủ.

Tấn thảm kịch ngay lập tức châm ngòi nhiều phản ứng khác nhau. TT Barack Obama nói đã đến lúc phải chấm dứt bạo lực thảm sát. Đến tối Thứ Hai, có hơn 172,000 chữ ký lên thỉnh nguyện thư tại trang “We the People” của Toà Bạch Ốc, đòi hỏi Quốc Hội HK lập tức mở các nỗ lực thay đổi luật kiểm soát võ khí.

Một số nhà lập pháp thuộc đảng Dân Chủ kêu gọi cấm chỉ sử dụng các loại võ khí tấn công “assault weapon” và thiết lập hội đồng quốc gia để thẩm tra nguyên nhân sâu xa cùng cách đề phòng những vụ thảm sát nơi công cộng trong tương lai.

Trong 1 cử chỉ hiếm thấy giữa thời điểm tế nhị, hơn 30 vị Thượng Nghị Sĩ thuộc đảng Cộng Hoà, vốn lâu nay hậu thuẫn quyền sở hữu súng, đều nhất loạt từ khước trả lời phỏng vấn về đề tài này trên chương trình “Meet the Press” của đài NBC. Thậm chí, đài Discovery Channel ra quyết định huỷ bỏ mùa thứ 3 của chương trình TV mang tên “American Guns”,  mặc dù các mùa trước đã nhận được nhiều khán giả.

Vụ thảm sát cũng khơi lại cuộc tranh luận về võ khí và đề tài kiểm soát/hạn chế súng đạn ở Mỹ. Đây là những vấn đề phức tạp, đa diện, kéo dài đã nhiều năm nay. Trên thế giới, người ta thường nói Hoa Kỳ có nền “văn hoá súng ống” (gun culture). Trong tổng số 875 triệu võ khí trên  thị trường dân sự toàn cầu, công dân Mỹ sở hữu lên đến 270 triệu súng các loại.

Sự gắn bó giữa người Mỹ với võ khí có nhiều nguyên do lịch sử và văn hoá. Thời lập quốc, mở mang bờ cõi, võ khí là vật bất ly thân với dân chúng, để đương đầu dã thú, thổ dân da đỏ, quân lính ngoại quốc (Anh, Pháp, Tây Ban Nha, v.v…) Tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho sự an nguy của bản thân và gia đình mình ăn sâu vào máu thịt người Mỹ. Chưa kể thú săn bắn, cũng là một trò thể thao tiêu khiển rất được người Mỹ ưa chuộng.

Trên mặt tổ chức xã hội, đến tận ngày nay, dân chúng các tiểu bang Alaska, Arizona, Vermont, và Wyoming vẫn có thể thoải mái mang súng trong người (concealed weapon) tung tăng nhiều nơi công cộng. Khoảng phân nửa các tiểu bang Hoa Kỳ với luật định cư dân có quyền mang súng hợp pháp, công khai hầu như mọi nơi. Rất nhiều tiểu bang có luật “Stand Your Ground” (tạm dịch “bất khả thoái”) cho phép người ta nổ súng hạ sát nếu bị uy hiếp, ngay cả khi họ vẫn có thể… chạy trốn. Một số tiểu bang còn để thầy cô giáo mang súng trong lớp học, v.v…

Trước Thánh Đường Công Giáo St. Rose of Lima ở  Newtown, Connecticut, hai cha con dừng chân tưởng niệm các nạn nhân cuộc thảm sát hôm 14-12-2012. Ảnh Reuters/Lucas Jackson

Hoa Kỳ hiện giữ tỉ lệ tồn tại 90 loại súng ống cho mỗi 100 dân chúng. Nước Mỹ là xã hội dung chứa võ khí cao nhất thế giới. Khoảng 4.5 triệu trong số 8 triệu súng ống ra lò mỗi năm trên thế giới được tiêu thụ tại Mỹ. Trên toàn quốc, có gần 130,000 đại lý bán võ khí (để so sánh: cả quốc gia có khoảng 144,000 cây xăng). Theo thống kê, khoảng một nửa người Mỹ sống trong những hộ gia đình có súng. Gần 50% đàn ông sở hữu súng, trong khi chỉ khoảng 15% phụ nữ Mỹ giữ võ khí. Đàn ông thường dùng súng chánh yếu để đi săn và bắn tập giải trí, trong khi với phụ nữ lý do chánh nhằm mục đích tự vệ. Theo phúc trình của FBI, từ năm 2006 đến 2010, đã có gần 50,000 người Mỹ thiệt mạng vì súng đạn.

Tuy vậy, khác với nhiều ngộ nhận, Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất, nơi dân chúng có quyền hợp pháp sở hữu và sử dụng súng. Dân chúng Phần Lan (Finland) có truyền thống giữ súng trong nhà từ lâu đời, với khoảng 3 triệu võ khí được đăng bộ trong dân số 5 triệu người. Luật súng ống của Na Uy (Norway) cũng khá thoải mái. Bất cứ ai trên 15 tuổi, khoẻ mạnh, vượt qua kỳ khảo hạch, đều được quyền có súng. Nhật Bổn (Japan) cũng cho dân chúng giữ súng khá rộng rãi, mặc dù vậy, tỉ lệ tử thương vì súng đạn thuộc vào hàng thấp nhất thế giới. Nhiều nước khác cũng có luật sở hữu súng ống với những mức hạn chế khác nhau như: Anh Quốc (England), Brazil, Canada, Czech Cộng Hoà, Đức Quốc (Germany), Ý (Italy), Liên Bang Nga (Russia)… Trong  những quốc gia Tây Phương, Úc Châu (Australia) là một nước hạn chế sở hữu súng ống ngặt nghèo nhất.

Trên chánh trường và phương diện quốc sách, kiểm soát võ khí từ lâu là một trong những đề tài gai góc nhất — bên binh bên chống đều có thế lực rất mạnh. Trong quá khứ, không ít lần các nỗ lực cấm chỉ võ khí, hay dù chỉ hạn chế một số loại võ khí “tấn công” (assault weapon), cũng đã vấp phải sự chống cự mãnh liệt, không cách nào được Quốc Hội Hoa Kỳ bỏ phiếu thông qua. Quyền sở hữu võ khí gần như trở thành một loại “căn cước” bền vững của người Mỹ.

Phương pháp thực tế, khả thi hơn có thể là thảo các dự luật chú trọng vào việc giảm thiểu rủi ro như: thêm quy định khó khăn, khiến việc mua súng trở nên nhiêu khê hơn; hạ kích cỡ băng đạn cho phép, giảm cơ số đạn; thiết lập các hệ thống dữ liệu lớn, do F.B.I. điều hành, dùng để giám định lý lịch kỹ lưỡng, thấu đáo mỗi khi một cá nhân tìm cách mua súng. Mục đích của những phương pháp này nhằm ngăn ngừa việc súng đạn rơi vào tay các phần tử bất hảo hoặc tâm thần bất định. Qua điều tra sơ khởi vụ thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook mới đây, các thám tử FBI khám phá chi tiết: 2 ngày trước khi động thủ, hung thủ Adam Lanza đã thử mua súng trường từ một tiệm vật dụng thể thao ở Danbury, Connecticut, nhưng bị từ khước vì không chịu để lý lịch bị thanh tra. Điều này hé mở sự hiệu quả của hệ thống dữ liệu đa tầng, nếu được áp dụng hợp lý.

Vụ nổ súng ở Newtown, Connecticut là một thảm kịch bi thương, không chỉ là mất mát riêng, mà sẽ để lại vết sẹo trong xã hội Hoa Kỳ. Rồi đây, người ta sẽ có nhiều phân tích mổ xẻ về các nguyên nhân, ảnh hưởng, các tác động văn hoá, xã hội, y tế, v.v… Sự phổ biến hợp pháp của võ khí không phải là nguyên cớ duy nhất đưa đến bạo lực thảm sát.

Trong tâm trạng dân chúng bàng hoàng vì mất mát, mỗi cuộc thảm sát lớn vì súng ống đều khơi lại các tranh cãi nảy lửa về võ khí, làm trỗi dậy các đòi hỏi kiểm soát, hạn chế súng ống. Tuy nhiên, nhiều khảo sát xã hội trong những năm qua cho thấy lập trường người dân Mỹ vẫn hầu như chia đều 50/50 khi chạm đến tấm “căn cước” sở hữu võ khí. Một lập luận chánh khi bảo vệ quyền sở hữu võ khí là mọi sự cấm đoán chỉ trói buột người lương thiện, còn kẻ ác nhơn tội phạm thì dẫu thế nào cũng có cách tìm đến với súng ống – bất hợp pháp.

Hiến Pháp Hoa Kỳ cũng quy định công dân có thể mang võ khí, có quyền tự vệ, bảo vệ bản thân cũng như vợ chồng, con cái, cha mẹ, tài sản… Người Mỹ có sự ngạo nghễ tự chủ lấy đời mình, không muốn lệ thuộc vào ai khác, cho dù đó là cảnh sát hay chánh quyền. Trong cốt tuỷ của vấn đề luật pháp là câu hỏi liệu chánh quyền có thể, hay không thể, ép buộc công dân làm một điều gì đó. Hoàn cảnh nóng bỏng của nước Mỹ gợi nhắc thực tế ở Trung cộng, Bắc Hàn (North Korea), Việt Nam, và những xứ cộng sản khác xưa nay, các “nhà nước” và chánh phủ nắm độc quyền, công dân không được giữ súng ống. Ngược lại, thế giới Phương Tây vẫn dành cho công dân các quyền tự do rộng rãi, trong đó có quyền sở hữu súng đạn.

Xã hội dân chủ đòi hỏi ý thức công dân cao và tinh thần trách nhiệm cao. Đôi khi, xã hội dân chủ, như xã hội Hoa Kỳ, đối diện những câu hỏi không dễ trả lời, như vấn đề tự do sở hữu võ khí, hay kiểm soát súng ống với hy vọng để tránh… bạo lực thảm sát.

Có thể liên tưởng đến hoàn cảnh của người Việt quốc gia ở Miền Nam VN năm xưa. Nền tự do dân chủ non trẻ của VNCH là nét son, là niềm hãnh diện, không phải là… điểm yếu (như có vài nhận định: dân chủ tự do khiến xã hội bất ổn, chia rẽ, đành chào thua trước một Bắc Việt toàn trị, sắt máu). Nhìn ở khía cạnh này, tự do, dân chủ, hay quyền sở hữu súng hợp pháp…có thể là những thế mạnh, chứ không chỉ là thảm hoạ đương nhiên.


Súng đạn và bạo lực thảm sát không phải chỉ có xảy ra ở Mỹ. Sau đây là một số vụ thảm sát rùng rợn nhất, vì nhiều lý do khác nhau, trên thế giới trong nửa thế kỷ qua. Hung thủ đều là nam giới, đa phần tự vẫn khi đối diện nhà chức trách.

– Ngày 11 Tháng Sáu 1964: Walter Seifert (42 tuổi) nổ súng và phóng hoả trường Katholische Volksschule ở Cologne, Đức Quốc (Germany) khiến  8 học trò và 2 giáo viên thiệt mạng, 22 người khác phỏng toàn thân.

– Ngày 6 Tháng Mười Hai 1989: Marc Lepine (22 tuổi) bắn chết 14 phụ nữ và làm trọng thương 13 người khác tại Đại Học Bách Khoa Montreal (Polytechnique at the University of Montreal) trong vụ thảm sát lớn nhất lịch sử Canada.

– Ngày 13 Tháng Ba 1996: Thomas Hamilton (43 tuổi) sát hại 16 bé và thầy cô ở trường mẫu giáo Dunblane, Scotland. Sự kiện này đưa đến luật cấm súng lục trên toàn cõi Vương Quốc Anh (UK).

– Ngày 28 Tháng Tư 1996: Martin Bryant (29 tuổi) bắn chết 35 người ở Port Arthur, Tasmania, Úc Châu (Australia), trong vụ thảm sát nặng nề nhất lịch sử Úc. Bryant hiện chịu án tù 1,035 năm miễn ân xá.

– Ngày 27 Tháng Chín 2001: Friedrich Leibacher (57 tuổi) bắn chết 14 viên chức chánh quyền, làm bị thương 18 người khác ở thành phố Zug của Thuỵ Sĩ (Swiss).

– Ngày 26 Tháng Tư 2002: Robert Steinhaeuser (19 tuổi) xả súng giết 13 thầy cô giáo, 2 bạn học và 1 cảnh sát ở Erfurt, Đức Quốc.

– Ngày 7 Tháng Mười Một 2007: Sau khi công khai ý định trên trang mạng YouTube, Pekka-Eric Auvinen (18 tuổi) đến trường trung học ở Tuusula, Phần Lan (Finland) nổ súng giết hại 8 người, trọng thương 1 người khác.

– Ngày 30 Tháng Tư 2009: Farda Gadirov (29 tuổi) bắn chết 12 người, trọng thương 10 người tại Học Viện Dầu Hoả Quốc Gia Azerbaijan State Oil Academy tại thủ đô Baku (Azerbaijan).

– Ngày 22 Tháng Bảy 2011: Anders Behring Breivik (32 tuổi) đặt bom và xả súng khiến chết 77 người ở Na Uy (Norway). Breivik đang thọ án tối đa của Na Uy, tương đương chung thân ở Mỹ.

– Ngày 13 Tháng Mười Hai 2011: Nordine Amrani (33 tuổi) ném lựu đạn và xả súng bắn chết 4 người, trọng thương 121 người khác tại thành phố Liège, Bỉ Quốc (Belgium).

Cảnh đổ nát hoang tàn, chẳng khác bãi chiến trường, trước các cao ốc chánh phủ Na Uy ở thủ đô Oslo, khiến 8 người thiệt mạng, trong vụ tấn công của Anders Breivik vào Tháng Bảy 2011.

TD