Ngày nay, hầu như trong bếp gia đình nào cũng có ít nhiều nồi chảo không dính, với những nhãn hiệu phổ biến như All-Clad, Anolon, Calphalon, Circulon, Cuisinart, Farberware, T-fal…
Lợi điểm rõ rệt nhất của loại nồi chảo này là không cần bơ hay dầu mỡ khi nấu nướng và thức ăn lấy ra dễ dàng, chùi rửa mau chóng. Dĩ nhiên ta có thể nấu nướng với dầu, bơ… để thêm mùi vị và thức ăn trông hấp dẫn hơn. Đối với những người ăn kiêng (để giảm cân, giảm cholesterol…) và những người theo chế độ ăn uống lành mạnh để tốt cho tim mạch, thì đây là loại nồi chảo rất thích hợp. Thị trường hiện có loại dầu không béo, dùng phun lên mặt nồi chảo không dính khi nấu nướng, để dễ lấy thức ăn ra, mà không thêm chất béo hoặc calorie nào vào thực phẩm.
Thông thường, nồi chảo không dính có thể bền từ 3 đến 5 năm. Nhưng cách sử dụng, dùng nhiều hay ít, thời gian nấu nướng, và cách gìn giữ cũng ảnh hưởng trên số thời gian này.
Dù mua một bộ nồi chảo tốt đắt giá hay thứ loại rẻ tiền, ta có thể sử dụng chúng lâu dài, nếu biết dùng cẩn thận, rửa kỹ lưỡng và cất giữ đúng cách. Xin theo những chỉ dẫn sau đây:
1. Khi nấu nướng
– Đa số các nồi chảo không dính được làm để nấu nướng ở nhiệt độ thấp và trung bình. Sức nóng quá độ sẽ làm cong và bề mặt hư hại. Đừng đun nóng quá 450 đến 500 độ F (204 đến 260 độ C). Đun nóng một nồi không có thực phẩm bên trong sẽ đưa nhiệt độ lên cao rất nhanh. Cách an toàn nhất là chỉ dùng khi cần nấu nướng thức ăn không muốn cho dính lên mặt chảo, còn muốn ninh, hầm, kho… nên dùng loại nồi chảo thường.
– Đừng dùng bất cứ thứ vật dụng bằng kim loại nào để đảo, khuấy, trộn… thức ăn. Nên dùng các dụng cụ bằng gỗ, plastic hoặc silicon.
2. Khi chùi rửa:
– Để nguội hẳn mới rửa. Nhúng ngay nồi còn nóng vào nước lạnh có thể làm nó bị cong và hư.
– Không nên rửa trong máy rửa chén, mà rửa bằng tay với nước nóng và xà bông, vì độ nóng cao trong máy rửa chén có thể làm hư bề mặt. Thuốc rửa chén thường quá mạnh đối với đa số các loại nồi chảo và thường làm cho lớp tráng bên ngoài mòn dần.
– Ngâm nước cho cặn bã thức ăn lỏng ra, dùng đồ chùi rửa mềm bằng sponge hoặc vải, nước ấm và xà bông loại nhẹ (mild). Cũng đừng dùng những loại thuốc mạnh như thuốc tẩy (bleach), chất mài mòn, hoặc các loại hoá chất khác và những miếng chùi bằng kim loại, bàn chải cứng… Xả nước cho kỹ và lau khô.
– Nên rửa hai lần để chắc là không còn cặn bã đồ ăn còn dính lại. Nếu không được rửa kỹ, khi nấu nướng sẽ dính vào mặt chảo, cháy thành than (carbonize), làm hư lớp không dính.
3. Khi cất giữ
– Các nhà sản xuất thường khuyên nên treo nồi chảo trên cái giá (rack) có nhiều khoảng trống, để không bị cọ quẹt lên nhau. Nếu không có, ta có thể để một chiếc khăn cũ giữa hai chiếc nồi chảo loại này để ngăn không cho trực tiếp tiếp xúc với nhau gây ra trầy sát.
– Khi nồi chảo đã bị trầy xước nhiều hoặc lỗ chỗ, hoặc tróc lớp không dính, nên loại bỏ để mua mới.
Teflon đã thống lĩnh thị trường nồi chảo không dính trong nhiều thập niên, và cũng đã có người nghi ngại về mức độ an toàn. Trong mấy năm gần đây đã xuất hiện những kỹ thuật mới không có PTFE hoặc PFOA: đó là silicon ceramics và silicon. Chẳng hạn loại nồi Ceramica của hãng Cuisinart áp dụng kỹ thuật không dính bằng ceramic. Loại nồi khác là Thermolon, lớp tráng bằng silicon và oxygen được phủ lên mặt kim loại và sau đó tráng một lớp bảo vệ bên ngoài.

Một kỹ thuật khác là dùng silicon được hãng Tramontina sản xuất. Sản phẩm được quảng cáo là có thể dùng để sấy khô và kho vàng rượm thức ăn, cũng như chịu được sức nóng lên tới 350 độ F (177 độ C).

Những kỹ thuật này mới đưa ra thị trường Mỹ từ năm 2007, và còn cần nhiều thời gian để thử nghiệm.
