Menu Close

Âm nhạc là thiên đường

Mở đầu mẩu chuyện Chiếc Bus Chở Đầy Âm Nhạc, đăng trên báo kỳ trước, tác giả Như Sao viết: Chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ gặp chiếc xe của Ông Già Noel và tiếng nhạc leng keng, Jingle bells, Jingle bells, Jingle all the way… Nhưng bây giờ đây, chưa có xe tuần lộc, chúng ta hãy tạm bằng lòng với chiếc bus chở đầy âm nhạc, cũng là một hình ảnh đẹp và gợi cảm vậy.

Vâng, đúng như thế. Tưởng tượng trong đêm mùa đông lạnh giá, một chiếc xe buýt vượt dặm trường, mang theo trên xe những con người không hề quen biết nhau nhưng nhờ có âm nhạc phát ra từ cây đàn banjo của một anh chàng lãng tử và những bài hát quen thuộc mà những con người xa lạ trở thành thân thiết như anh em. Và rồi đây, trong đêm New Year’s Eve, chúng ta sẽ nghe vang lên trên làn sóng phát thanh và truyền hình ca khúc của ban ABBA A Happy New Year, đồng thời ở quảng trường Times Square vào lúc nửa đêm hàng mấy trăm ngàn người sẽ cùng hát bài Auld Lang Syne và cảm thấy một thân tình ấm áp hơn bao giờ cả.

Như vậy, phải chăng âm nhạc có một sức mạnh kỳ diệu, nó mang niềm vui đến cho con người và kết hợp mọi tâm hồn lại với nhau. Còn hơn thế nữa, với gã lãng du trong thơ và tình yêu này, âm nhạc còn là thiên đường. Xin chép lại một bài đoản văn viết cách đây đã lâu để làm chứng cho lời mình.
Âm nhạc là thiên đường.

Đây, không phải là điều gì độc sáng của kẻ này nhưng không hiểu sao từ mấy tháng nay cái mệnh đề trên không ngớt trở đi trở lại trong tâm trí mình. Giờ đây, khi viết về cuốn phim The Pianist và tiếng dương cầm mùa đông nọ trong ngôi nhà đổ, nhất là đêm 1 tháng 1/2005 tình cờ khi mở kênh truyền hình Kera (kênh mà hiền nội thích xem) gặp lại Anddre Rieu trong hòa tấu khúc thành Vienne của Johan Strauss, bỗng chợt nghĩ cần phải nói lên đôi điều về niềm vui của âm nhạc trong thế giới con người chập chùng kiếp nạn này.

Vâng, tôi phải nói, tôi phải nói. Bởi từ lâu, âm nhạc của chúng ta có quá nhiều những khúc ca buồn. Cho nên, khi được nghe Chuyến Viễn Du Đầu Tiên của Nguyễn Đình Toàn qua tiếng hát La Sương Sương, với sự phụ họa của Kevin Khoa, lòng bỗng rộn rã niềm vui như ngày xưa được cùng Thỏ chạy chơi trên sân gạch hồng Vương Phủ. Và kẻ này yêu thích biết bao những tấu khúc của ban  nhạc pop rock nhà thờ (church pop rock band) như Amazing Grace hay Joy To The World hay Jingle Bells. Nhưng phải cho tới khi được nghe Andre Rieu cùng dàn nhạc của anh trình diễn ở Dublin, hay tại The Royal Albert Hall, mới có thể khẳng định rằng âm nhạc là thiên đường. Vâng, âm nhạc có thể đưa hồn người lên tới thế giới của những vì sao hay bay lượn trên những cánh đồng hoa. Nó làm cho ta thùy lệ đó, để rồi tiếp một khúc ca vui có thể dựng ta đứng lên cười reo, nhảy múa như trẻ thơ. Hãy xem những nét sầu mộng và những giọt nước mắt nhớ tiếc trên mặt của một người khi nghe dàn nhạc của Andre Rieu chơi The Last Rose để rồi sau đó cũng những con người ấy bật dậy trong điệu luân vũ Voices of Spring ở thành Vienne. Cùng với mọi người tôi nối vòng tay… Kẻ này khi nghe Andre Rieu trong All Men Shall Be Brothers trích đọan từ Bethoven, và các hòa tấu khúc như La Traviata, The Swan, Aria, La Vie Est Belle, Laura’s Theme (Chanson de Lara) và Auld Lang Syne… đã thật sự tìm thấy trong âm nhạc thứ hạnh phúc mà từ lâu nhân loại đã bỏ quên.

Thế đấy. Mà phải nói rằng dàn nhạc của Andre Rieu với đủ các loại nhạc cụ từ violin, violoncello, đến kèn, sáo, đàn harp, trống, cả tu huýt và tiếng hát, nụ cười… không phải là một symphony orchestra theo nghĩa truyền thống. Nó là một sự pha trộn giữa cổ điển và hiện đại, quý phái và dân dã, cộng thêm với nét hài duyên dáng, cho nên đã khiến những tâm hồn rất bá láp như kẻ này say mê.

Âm nhạc trong những phút giây ấy, với Nguyễn, đúng là thiên đường.

TN