Thưa bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Tôi có một người bác hiện đang sống tại Biên Hòa. Cách đây 5 tháng, bác đi khám bác sĩ vì đau bụng và bác sĩ bảo bác bị bệnh thận đa nang phía bên trái. Hiện nay có hai nang nhỏ. Bác sĩ ở Đồng Nai và Sài Gòn đã định mổ, nhưng rồi hội đồng bác sĩ quyết định thôi không mổ, để ông về và theo dõi, nếu lớn sẽ mổ và truyền cho ông hai chai nước đạm và cho ít thuốc giảm đau. Hiện giờ ông vẫn lao động nhẹ được, chỉ thỉnh thoảng mới đau mà thôi. Xin bác sĩ cho biết bệnh này có nguy hiểm không và có cần mổ không.
Cám ơn bác sĩ. Bẩy Vinh.
Đáp
Chào ông Vinh
Xin giải thích chi tiết một chút về bệnh này, vì đây cũng là thắc mắc của nhiều người ở bên nhà.
Nang là một cái túi bất bình thường, có lớp biểu mô lót ở trong và chứa đầy một chất lỏng. Nang có nhiều loại và thường thấy ở các bộ phận khác nhau trong cơ thể, mà nguyên nhân chưa được biết rõ.
Nang thận có thể xảy ra ở cả người lớn lẫn trẻ em và thường cũng thấy ở những người trong cùng gia đình, tộc họ.
Ở người lớn, bệnh thường diễn tiến rất âm thầm trong nhiều năm trước khi một số triệu chứng xuất hiện như: đau ngầm ngầm ở cạnh sườn, đi tiểu ra máu vì nang bị vỡ, đi đái nhiều vào ban đêm, có sạn trong thận, tăng huyết áp.
Khi nang tăng trưởng mạnh, thì các chức năng bài tiết nước tiểu của thận bị rối loạn. Thận sẽ sưng to, khám sờ có thể thấy được. Vào giai đoạn này thì bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng đường tiểu tiện, chức năng của gan cũng bị ảnh hưởng, lượng u rê là chất bã phế thải trong các chuyển hóa cơ thể sẽ lên cao trong máu và bệnh nhân sẽ đi dần vào tình trạng suy thận, cần được điều trị bằng lọc máu thận hoặc thay thận.
Nhiễm trùng đường tiểu tiện hoặc cao huyết áp cần được điều trị thích đáng để tránh tổn thương cho thận.
Trở lại với trường hợp người bác của ông thì chỉ có hai nang bên thận trái. Chúng tôi không thấy ông nói là có các biến chứng nào khác như nhiễm trùng đường tiểu tiện, cao huyết áp và cũng không được ông cho biết các kết quả thử nghiệm máu và chức năng của thận ra sao.
Các bác sĩ bên nhà đã định mổ hai lần rồi lại thôi, thì chúng tôi nghĩ đây chỉ là việc đâm thủng để lấy chất lỏng trong hai cái nang đó mà thôi. Có thể các vị bác sĩ đó cho là chưa cần thiết, vì chỉ có hai nang, còn nhỏ, chưa ảnh hưởng trầm trọng tới chức năng của thận trái. Vì ông ấy vẫn cảm thấy bình thường, vẫn lao động được, chỉ thỉnh thoảng mới đau ở ngang lưng mà thôi.
Chúng tôi đề nghị là ông ta tiếp tục theo dõi bệnh tình với các bác sĩ ở bệnh viện đa khoa Sài Gòn là nơi mà chúng tôi nghĩ có đầy đủ phương tiện và cũng là nơi mà sau này, khi bệnh ông trầm trọng (mà chúng tôi mong là không bao giờ xảy ra), các bác sĩ có thể áp dụng phương pháp lọc máu thận thường xuyên cho ông.
Với tình trạng bệnh hiện nay chỉ có hai nang bên thận trái, mà không có biến chứng, thì tình hình còn sáng sủa lắm.
Ông có thể cho người bác hay để ổng an tâm theo dõi bệnh tình với các bác sĩ bên nhà nhé.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức ơi
Cháu bé của cháu năm nay lên 8 tuổi. Người nó cứ hay hâm hấp nóng đôi khi có sổ mũi và ho. Đi khám bệnh thì bác sĩ nói không sao, chỉ bảo về uống nhiều nước và ăn đầy đủ. Cháu bé vẫn đi học như thường.
Bác sĩ cho cháu biết tại sao lại bị sốt và có phải uống thuốc gì không. Cảm ơn bác sĩ. Monique Trần- Plano
Đáp
Chào Monique
Thắc mắc của Monique cũng là thắc mắc của nhiều bậc cha mẹ. Mỗi khi thấy con mình nóng là cũng hoảng hồn, không biết làm sao. Có cha mẹ vội vàng kiếm trong tủ thuốc coi có chai thuốc hạ nhiệt nào đó cho con uống. Hoặc ra tiệm thuốc tây năn nỉ dược sĩ bán cho lọ thuốc cảm.
Hành động như vậy cũng tạm thời chấp nhận được, nhưng các bác sĩ lại cho là hơi vội vàng vì chỉ mới thấy con mình hâm hấp nóng đã vội cho uống thuốc. Trẻ nóng người có thể là do chạy nhảy đùa nghịch mà nóng hoặc dị ứng với món ăn nào đó hoặc là không uống đủ nước. Giá kể mình quan sát xem các cháu có dấu hiệu nào khác rồi hãy tự chữa, có lẽ hợp lý hơn. Tôi xin góp vài ý kiến.
– Nhiệt độ bình thường của cơ thể là 98.6F hoặc 37.C. Một bộ phận trong não bộ có nhiệm vụ giữ nhiệt độ này bình thường. Nhiệt độ này thay đổi tùy theo thời tiết. Khi nhiệt độ ngoài trời lên cao thì nhiệt độ trong người cũng lên, mà lên cao quá thì lại nguy hiểm, cho nên não bộ sẽ khiến cơ thể đổ mồ hôi để toát nhiệt. Hoặc khi trời lạnh thì cơ bắp trong người rung co để tạo ra nhiệt, giữ nhiệt độ trong người bình thường.
– Nhiệt độ cơ thể cũng lên cao khi bị bệnh như nhiễm vi khuẩn hoặc virus, khi bị phản ứng với hóa chất dược phẩm, dị ứng, thiếu nước trong người, khi bị bệnh ung thư hoặc khi vận động cơ thể.
– Sốt khi nhiệt độ lên trên 101.F hoặc 38.3 độ C. Đo nhiệt độ ở miệng, trực tràng, lỗ tai hoặc ở nách.
– Khi trẻ bị nóng mà chưa có dấu hiệu bệnh gì khác thì nên quan sát xem diễn tiến ra sao chứ đừng vội vàng cho uống thuốc giảm nhiệt ngay, vì mình chưa biết tại sao trẻ nóng. Tìm ra nguyên nhân rồi chữa cũng chưa muộn. Nếu đo nhiệt độ mà thấy cao như nói ở trên đồng thời có dấu hiệu mệt yếu thì cho bác sĩ hay ngay.
– Có nhiều loại thuốc hạ nhiệt độ như là acetaminophen (Tylenol), ibuprofen, Advil, aspirin bán không cần toa bác sĩ, nhưng cũng phải biết cách dùng. Đọc kỹ nhãn hiệu về liều lượng cho từng lứa tuổi.
– Nhớ đừng cho cháu bé dưới 3 tháng tuổi uống acetaminophen.
– Không bao giờ cho trẻ em uống aspirin, vì có thể gây ra bệnh Reye tuy hiếm nhưng có thể chết người.
Hy vọng với góp ý này, Monique có thể “xử lý” với hâm hấp nóng của cháu bé.
Chúc cả nhà vui mạnh.