“Quá đắt” là nhận định về giá xe hơi ở Việt Nam của chương trình Top Gear trên đài BBC. Dự định mua một chiếc xe hơi nhưng không đủ tiền nên Top Gear đành thực hiện chuyến xuyên Việt trên những chiếc xe gắn máy.

Top Gear đã thực hiện phóng sự đặc biệt về Việt Nam, mang tên “Top Gear Vietnam Special” dài 75 phút. Chương trình bắt đầu bằng cảnh bộ tam nổi tiếng Jeremy Clarkson, Richard Hammond và James May đi mua xe hơi với số vốn 15 triệu đồng mỗi người (gần 1,000 đô la Mỹ). Cả ba vui sướng vì số tiền quá lớn.
Nhưng rồi họ chưng hửng với cái giá xe hơi tại Việt Nam. Bước chân vào showroom Fiat ở Sài Gòn, May hỏi mua chiếc Fiat 500. Giá của nó lên tới 560 triệu đồng (khoảng gần 35,000 đô la). Trong khi anh chỉ có chưa đầy 1,000 đô la.
Đoạn đối thoại giữa Jeremy Clarkson với người bán xe cũ mang tinh thần hài hước đặc trưng của Top Gear. Người bán xe hỏi: “Anh muốn gì với chiếc xe này?” Clarkson trả lời: “Tôi muốn mua!” “Mua chiếc xe hơi này với 15 triệu đồng? Tôi không thể bán được”. Chán nản, Clarkson trong dáng vẻ ủ rũ đội mưa đi hỏi từng người và kêu lên: “Làm ơn, bán cho tôi chiếc xe hơi”.

“Ở nhiều nơi, bạn có thể tậu một chiếc xe hơi cũ với giá vài trăm đô la. Nhưng Việt Nam thì không có chuyện đó” May tâm sự với Daily Mail một ngày trước khi chương trình được phát sóng.

Cả nhóm quyết định chọn xe gắn máy làm phương tiện di chuyển. Những biên tập viên nổi tiếng với màn lái Bugatti Veyron đua máy bay phản lực, điều khiển từ xe Ferrari, Lamborghini tới Rolls-Royce Phantom hay Maybach bỗng trở nên khác lạ khi ngồi trên xe gắn máy.

James May cầm lái Honda Cup, Richard Hammond sử dụng chiếc Minsk nổi tiếng của Nga, và Jaremy Clarkson, do chẳng có ý tưởng nào về những xe ít hơn 4 bánh, được giao điều khiển chiếc Vespa. Lo ngại vì đường quá đông, Clarkson trang bị tới gần 10 chiếc gương chiếu hậu.

Một cuộc thi nhỏ diễn ra là mỗi người phải tìm được món quà thật to cho người còn lại suốt hành trình xuyên Việt trong 8 ngày, trải qua các địa danh như Sài Gòn, Đà Lạt, Cam Ranh, Hội An, Huế, Hà Nội và Vịnh Hạ Long.
Trao đổi với Daily Mail, ấn tượng thứ hai của May là Việt Nam chưa có văn hóa xe hơi. Đường phố ở các đô thị như địa ngục, được nêm bằng những chiếc xe máy, xe đạp. Xe hơi được coi như “báu vật” và là tài sản lớn cần tích trữ. May nhận xét “Nếu ai đó đủ tiền mua xe thì cũng chẳng đủ chỗ để họ đi”.
Theo Daily Mail/VNE