Menu Close

Thốt nốt trời cho

Khắp ngã đường Chùa Tháp, đâu cũng thấy bóng dáng cây thốt nốt kiêu hãnh vút lên trời xanh, loại cây gắn liền với đời sống của người dân Campuchia, đặc biệt với những người nghèo. Giống cây thuộc họ cọ, không tốn công gieo trồng, chăm sóc, mọc bừa bãi đã từ lâu lắm trở thành một hình tượng quen thuộc, gần gũi với người dân Campuchia. Ngược dòng lịch sử, từ khi vua Norodom (1834-1904) lên ngôi 1860, đến năm 1863 ông ra lệnh cấm chặt cây thốt nốt non trên toàn lãnh thổ Campuchia. Ông cho rằng xưa kia các vị vua mở rộng bờ cõi đến đâu trồng cây thốt nốt đến đó để xác định ranh giới. Từ đó, thốt nốt được người dân Campuchia trân trọng, gìn giữ như một món quà cha ông để lại.

 

 

Của trời cho

Giống thốt nốt sống dẻo dai, tuổi thọ có cây lên đến 200 năm nhưng vẫn cho ra hoa, trái bình thường. Nhưng để một cây thốt nốt trưởng thành, đến tuổi thu hoạch phải mất 20 năm. Cây thốt nốt có hai loại, cây đực cho ra hoa, người ta cắt một lát trên hoa hứng nước để làm rượu hoặc đem nấu cô đặc lại thành đường thốt nốt. Cây cái cho ra trái, dùng chế biến các món ăn, đặc biệt là món bánh bò từ bột trái thốt nốt.

    Với người dân Campuchia, thốt nốt gắn chặt với đời sống của nông dân, đóng vai trò quan trọng và là nguồn sống của nhiều gia đình bởi toàn thân cây thốt nốt đều hữu dụng. Lá được dùng lợp nhà ở, thân làm xuồng độc mộc, hoa lấy nước làm đường, rượu, quả để ăn, chế biến bột làm bánh, rễ làm thuốc. Trái thốt nốt chín rụng, theo mùa nước trôi nổi vướng đâu mọc đó và phát triển, mọc ở mảnh đất nhà ai nhà nấy hưởng. Giống cây trời cho này rất mạnh khoẻ, mưa dầm, lũ lụt, hạn hán chẳng tác động đến sự phát triển của thốt nốt. Chính vì thế, với những người nghèo trên đất nước Chùa Tháp, thốt nốt là nguồn sống quý giá, là của để dành nuôi nấng biết bao gia đình, con người.

 

 

Hái thốt nốt


Thốt nốt và du lịch

   Trong hành trình đến xứ Chùa Tháp, chúng tôi đến huyện Pao nằm trên quốc lộ 6, thuộc tỉnh Kompong Cham, cách Phnôm pênh 63km. Đây là vùng trồng nhiều cây thốt nốt nhất tỉnh, nằm xen kẽ trong cánh đồng lúa. Dưới ánh nắng chiều ngả vàng, những cây thốt nốt trăm năm tuổi vươn mình lên cao làm quang cảnh rất ngoạn mục, khó kềm lòng với những du khách phương xa muốn ghi lại những hình ảnh đẹp về cây thốt nốt.

   Ở xứ Chùa Tháp, có một ngôi làng có nghề truyền thống nấu đường thốt nốt từ hơn ba đời nay, được quy hoạch thành một làng du lịch, chuyên cung cấp các sản phẩm từ cây thốt nốt. Đó là làng Takok ở xã Bradak, huyện Beantay Srey, tỉnh Siêm Riệp. Cả làng có khoảng 100 gia đình chuyên làm nghề sản xuất đường thốt nốt. Suốt hai ven đường vào làng, trước cửa nhà nhà đều đắp những ụ đất tròn tròn như cái lu dùng làm lò nấu đường thốt nốt, chế biến tại chỗ theo các quy trình sản xuất đường theo kiểu thủ công một cách đầy đủ nhất để bất kỳ du khách quốc tịch nào chỉ cần nhìn qua cũng hình dung được phương thức nấu đường thốt nốt.
 

 


Lò nấu đường thốt nốt

 

   Cô Mean người làng Takok 44 tuổi, làm đường thốt nốt đã 23 năm, cô cho biết: “Làm thốt nốt thoải mái và nhẹ nhàng hơn làm ruộng, lợi tức ổn định vì mỗi cây thốt nốt hàng năm đều cho sản lượng trung bình từ 200-300 lít nước, nấu lên thu được 10-15kg đường”. Ở làng Takok, đàn ông trong làng có nhiệm vụ leo cây thốt nốt lấy nước, hái trái, phụ nữ ở nhà nấu thành đường, và bán cho du khách cũng như mối lái từ các vùng lân cận. Cứ 20 lít nước nấu trong 6 tiếng được 1 ký đường, mùa nắng 12 lít nước nấu được một ký đường. Cô Boong, 54 tuổi, ở làng Takok cho biết: “Là con cái làng này, ai cũng phải biết nấu đường thốt nốt, tôi lấy chồng năm 18 và theo nghề nấu đường thốt nốt cho đến giờ. Hồi trước chưa có du lịch, làm đường bán có khó khăn, bây giờ du lịch phát triển nên làm đường bán tốt lắm, cả làng nấu đường hàng ngày mà không đủ bán cho du khách”.

 

Vét đường thốt nốt

 

Ông già thốt nốt

   Người leo thốt nốt lâu đời nhất ở làng Takok hiện còn sống là ông Heng Oup, 63 tuổi, với nghề leo thốt nốt gần 40 năm. Ông tâm sự: “Ruộng thốt nốt nhà tôi có 50 cây, chẳng biết có từ bao giờ, chỉ biết do tổ tiên để lại. Cả gia đình tôi gồm vợ và 9 đứa con, nuôi cho ăn học đến nơi đến chốn đều nhờ vào cây thốt nốt”. Ngày nào cũng như ngày nấy, suốt gần 40 năm qua, ông Heng không bỏ một ngày nào không leo cây thốt nốt. Mỗi ngày hai lần, sáng sớm và chiều tối, người đàn ông này lại cặm cụi đeo các ống tre bên mình leo lên những cây thốt nốt cổ thụ có tuổi đời hơn trăm năm trong vườn nhà để lấy nước thốt nốt cho vợ nấu đường. Hai ngón chân cái của ông quặp lại như dị tật, là dấu tích của cả đời leo thốt nốt.

 

 
Trái thốt nốt
 

   Ông Heng kể về nghề: “Cây thốt nốt cao nhất trong vườn nhà hơn 40m, các cây còn lại trung bình 20-25m, hồi trẻ mỗi ngày tôi leo trung bình 20 cây, giờ già rồi mỗi ngày chỉ leo 5-6 cây thôi. Chỉ một buổi không leo thốt nốt là có cảm giác gì đó không chịu được, vì đã thành thói quen rồi. Leo thốt nốt là nghề nguy hiểm, sẩy chân là có thể mất mạng như chơi, nhưng từ hồi bắt đầu leo thốt nốt đến giờ tôi may mắn chưa gặp tai nạn lần nào cả. Nhiều đoàn khách du lịch vào làng, hay tìm đến tôi nhờ leo thốt nốt cho họ chụp hình, quay phim, cũng thú vị lắm”.

Đổ đường ra khuôn

NSG