Menu Close

Dấu xưa Sa Đéc

Do có lịch sử khá lâu đời nên thị xã Sa Đéc có rất nhiều đình chùa, nhà cổ, làng nghề nổi tiếng. Ở thị xã này còn nhiều kiến trúc cổ, nhà cổ được xây dựng vào những năm đầu của thế kỷ trước. Chùa Kiến An Cung hay còn gọi là chùa Ông Quách nằm ngay tại trung tâm thị xã Sa Đéc là một công trình tiêu biểu cho những người Hoa ở tỉnh Phúc Kiến – Trung Quốc di cư, sinh sống tại Sa Đéc xây dựng.
 
Theo sách vở, chùa Kiến An Cung được khởi công năm Giáp Tý (1924) đến mùa thu Đinh Mão (1927) thì làm lễ khánh thành. Chùa được xây dựng theo chữ “Quốc” uy nghi, trang trọng, có tường bao bọc.
 
Mái ngói gồm 3 lớp, lợp theo gợn sóng rồng, cong vút lên cao, tạo dáng “ngũ hành”. Toàn bộ chùa không có kèo, chỉ có đòn tay ráp mộng lại với nhau để chịu lực trên những cột gỗ tròn. Mặt chính trên vách được trang trí cây cối, chim thú, tượng người ghép bằng mảng gốm màu thu nhỏ tạo thành những bức tranh. Ở giữa gian chính có tấm hoành phi “Kiến An Cung”, trang trí rồng, mây, nai, hạc. Trên cửa ra vào có lục lân gỗ thếp vàng. Mặt mỗi cánh cửa vẽ cảnh sinh hoạt của vua quan. Hai bên cửa vào chính điện, đặt hai kỳ lân trấn môn bằng đá xanh lớn, chạm khắc tinh xảo. Hai cột chính ở cửa mang hai câu đối trang trí hoa văn chạy xung quanh và nền chạm hoa mai với hạc sơn son, thếp vàng. Trên cửa chính có tranh vẽ màu và trên cửa hai bên chạm khắc bông sen, chim thú.
 

Chùa Kiến An Cung ở thị xã Sa Đéc

Phần giữa của chính điện và điện thờ là khoảng để lấy ánh sáng, hai bên nối với chính điện và điện thờ thành hai gian đối xứng nhau. Phần điện thờ, mặt ngoài gian giữa có hai câu đối trang trí hoa sen, cành đào gắn ở cột, phía trên có bức hoành phi “Bảo quốc an dân”.
 
Trong thị xã Sa Đéc còn có nhiều ngôi đình, chùa cổ, đẹp và có giá trị về văn hóa, lịch sử như Chùa Hương, Chùa Bà Thiên Hậu, Đình Vĩnh Phước, Tân Tây Võ Miếu, Chùa Bà Cửu Thiên Huyền Nữ, Minh Nguyệt cư sĩ lâm, chùa Kim Huê…
 
Đến Sa Đéc, thăm làng nghề sản xuất bột ở Tân Phú Đông, sẽ tận mắt thấy quy trình làm ra bột gạo, là nguyên liệu chủ yếu trong ẩm thực Việt Nam. Từ bột gạo làm ra bánh tráng, bún, bánh phở, hủ tiếu, bánh ướt, bánh bò, và hàng chục loại bánh khác… Bột gạo Sa Đéc được làm bằng loại gạo có phẩm chất hảo hạng nên bột ngon, đáp ứng được yêu cầu chế biến  ra nhiều sản phẩm từ bột gạo.
 
Theo tỉnh lộ 941 đi Cao Lãnh, chừng 2km, ghé thăm làng hoa Tân Qui Đông. Nơi đây mùa xuân bất tận vì lúc nào hoa cũng rực rỡ. Mùa xuân với mai vàng, vạn thọ, mùa hạ với cẩm chướng, hồng, tường vi, mùa thu với cúc vàng, thược dược, mùa đông với mẫu đơn, mâm xôi, biện lý… Ngoài ra còn rất nhiều cây kiểng đủ loại. Tất cả tạo cho làng hoa Tân Qui Đông một sức sống tràn đầy. Thôn nữ đằm thắm, dịu dàng với nụ cười hiền lành, cởi mở đang chăm sóc những luống hoa, chờ mùa thu hoạch…
 

Chăm sóc vườn hoa

Ngoài những chùa chiền, miếu mạo, những làng nghề thủ công truyền thống và làng hoa rực rỡ khoe sắc màu, Sa Đéc còn có 17 ngôi nhà cổ khác khá nguyên vẹn. Những ngôi nhà kiến trúc theo phong cách Pháp vào những năm 1900, trong đó, nổi bật là Trường tiểu học Trưng Vương và nhà của ông Huỳnh Thủy Lê, “Người tình” của nữ văn sĩ Pháp Marguerite Duras ở địa chỉ số 255A khu phố 1, phường 2, thị xã Sa Đéc…
 
Chợ thực phẩm Sa Đéc và một số công sở mang kiến trúc Pháp vẫn tồn tại với thời gian. Mong sao cho công việc bảo quản những di sản văn hóa này được quan tâm để Sa Đéc bên bờ Sa Giang còn hoài trong lòng những người hoài cổ  về một vùng sông nước hữu tình.

HH