Menu Close

Giáng Sinh đặc biệt của Già Panov

Leo Tolstoy là văn hào Nga được yêu mến ở khắp mọi nơi như một tiểu thuyết gia vĩ đại nhất trong tất cả các nhà viết tiểu thuyết, đặc biệt nổi tiếng với kiệt tác Chiến tranh và hoà bình và Anna Karenina miêu tả sự phóng khoáng và hiện thực của cuộc sống Nga. Là một nhà luân lý ông có tiếng với tư tưởng chống lại cái ác thể hiện xuyên suốt trong tác phẩm của ông Vương quốc Chúa Trời trong bạn, và nó đã ảnh hưởng tới những hình tượng của thế kỷ XX như Mahatma Gandhi và Martin Luther King, Jr. Tolstoy cũng là nhà văn yêu mến trẻ thơ và những người nghèo khổ như chúng ta sẽ thấy trong truyện ngắn Giáng Sinh Đặc Biệt của Già Panov.

alt

Thăm Nguyên

Hôm ấy là buổi chiều Giáng Sinh, và mặc dù còn rất sớm, những dây đèn sáng đã được thắp lên ở các cửa tiệm và những ngôi nhà trong khu làng nhỏ. Đám trẻ con đã rút hết vào trong nhà, giờ đây chỉ còn những âm thanh trò chuyện như trong mơ và tiếng cười văng vẳng lọt ra bên ngoài qua những rèm cửa đóng kín.

Già Panov, người thợ đóng giày của làng, bước ra ngoài cửa tiệm nhìn quanh. Những âm thanh náo nức, ánh đèn rực rỡ và mùi thơm dịu của những món ăn ngày lễ Noel nhắc ông nhớ tới những mùa Giáng Sinh đã qua khi vợ ông còn sống và các con ông còn nhỏ. Giờ đây tất cả đã lìa xa. Khuôn mặt ông vốn vui tươi rạng rỡ, với những nét cười đằng sau cặp kính tròn gọng thép giờ đây đã nhuốm vẻ u sầu. Ông trở lui vào nhà. Với bước chân quả quyết, kéo cao rèm cửa và đặt bình cà phê lên bếp than đun nóng. Đoạn, nén tiếng thở dài, ông ngồi nghỉ ngơi trên ghế dựa.

Già Panov thường ít đọc sách, nhưng đêm nay ông lấy cuốn Thánh Kinh của gia đình từ trên kệ xuống, mở sách ra và dùng ngón tay lần theo những dòng chữ, đọc lại câu chuyện về Chúa giáng sinh thời xa xưa. Ông được biết bà Maria và ông Joseph đã mệt mỏi như thế nào trên chuyến hành trình về Bethlehem, vì không tìm ra phòng trọ ở lữ quán, do đó mà hài nhi của bà Maria phải sinh ra ở chuồng bò.

“Trời ơi! Trời!” già Panov kêu lên, “Giá mà họ tới đây nhỉ, mình sẽ nhường giường ngủ cho họ và lấy tấm chăn bông phủ lên người hài nhi để giữ hơi ấm.”

Rồi ông đọc tới chỗ các đạo sĩ Phương Đông tìm đến chiêm ngưỡng Chúa Hài Đồng, đem theo bao nhiêu là quà tặng rực rỡ. Tới đây, khuôn mặt Già Panov chợt ảm đạm. “Ta đâu có quà gì để tặng cho em bé.” Và lòng ông buồn vô hạn.

Nhưng rồi khuôn mặt ông chợt bừng sáng. Ông đặt cuốn Thánh Kinh xuống và đứng lên, đưa tay với lên nóc tủ trong căn phòng nhỏ bé của ông, lấy xuống một cái hộp dính bụi và mở ra. Bên trong là một đôi giày da bé xíu. Già Panov nhoẻn miệng cười, vẻ hài lòng. Được đây, đôi giày vẫn còn tốt nguyên như hồi xưa, đôi giày đẹp nhất do chính tay ông đóng. “Ta sẽ tặng đôi giày này cho hài nhi,” ông quyết định khi đem đôi giày cất đi và ngồi xuống lại chỗ cũ.

Tới đây, ông cảm thấy mệt, và càng đọc ông càng thấy mình buồn ngủ. Ông tạm gấp sách lại giây lát. Rồi ông chìm vào giấc ngủ say. Trong lúc ngủ ông nằm mơ, mơ thấy có người hiện diện trong phòng ông và ông nhận ra tức khắc người đó là ai.

“Này, Già Panov ơi. Ông đã từng mơ gặp được ta, phải vậy không?” Người đó nói với vẻ hiền hậu. “Vậy ngày mai ông hãy tìm ta. Đó là Ngày Giáng Sinh và ta sẽ đến thăm ông. Nhưng hãy cẩn thận nhé, ta sẽ không nói cho ông biết ta là ai.”

Khi Già Panov thức dậy thì chuông đang ngân vang và một làn ánh sáng mỏng xuyên qua mành cửa. “Ôi, Ngày Giáng Sinh đã tới!” Ông reo lên.

Già Panov đứng lên, vươn mình cho bớt mỏi. Rồi khuôn mặt ông ánh ngời hạnh phúc khi nhớ lại giấc mơ vừa qua. Đây sẽ là một Giáng Sinh thật đặc biệt vì Chúa sẽ đến thăm ông. Chúa sẽ hiện ra như thế nào nhỉ, vẫn là một hài nhi như Giáng Sinh đầu tiên? Hay sẽ là một người đã trưởng thành, một người thợ mộc, một đấng Quân Vương? Suốt ngày hôm nay ông phải quan sát cho thật kỹ mới được, để nhận ngay ra khi người đến.

Ông đặt lên bếp một bình cà phê mới cho bữa điểm tâm Ngày Giáng Sinh. Đoạn hạ rèm cửa xuống nhìn ra ngoài. Đường sá vắng tanh, không một bóng người. Ngoại trừ người phu quét đường. Ông ta trông vẫn rách rưới, dơ bẩn như thường lệ. Có ai muốn làm việc vào hôm Giáng Sinh đâu – trong một buổi sáng lạnh giá như thế này?

Già Panov mở cửa tiệm, một làn khí lạnh tràn vào. “Bước vào đi, ông bạn!” Ông vui vẻ la lên. “Vào đi, dùng chút cà phê cho đỡ lạnh.” Người phu quét đường ngước nhìn lên, không tin ở tai mình, nhưng vẫn đặt chổi xuống và bước vào căn phòng ấm áp. Quần áo ông ta bốc hơi nhè nhẹ trước bếp lửa và ông ta bưng tách cà phê ấm bằng cả hai tay. Già Panov đứng nhìn với vẻ hài lòng nhưng thỉnh thoảng mắt vẫn hướng ra cửa sổ. Thế nào đi nữa cũng phải nhận cho ra người khách đặc biệt.

“Ông mong đợi người nào, phải không?” người phu quét đường chợt hỏi. Và thế là Già Panov kể cho y nghe giấc mơ của mình. “Ồ, tôi hy vọng người sẽ đến.” Người phu quét đường nói. “Ông đã cho tôi một niềm vui Giáng Sinh mà tôi không bao giờ dám nghĩ đến. Tôi nghĩ ông xứng đáng có giấc mơ trở thành sự thực.”

Khi người phu quét đường rời đi, Già Panov đặt nồi xúp bắp cải lên bếp lửa, rồi bước ra cửa lần nữa. Không có ai trên đường cả. Nhưng ông đã nhầm rồi. Có người đang đến đấy.

Đó là một cô gái đang bước đi chầm chậm và lặng lẽ qua các bức tường. Cô trông mệt mỏi và dường như có mang theo cái gói gì. Khi cô gái đến gần hơn, ông nhận ra một hài nhi được ủ trong đống khăn. Trên nét mặt cô gái thoảng vẻ buồn, cả trên khuôn mặt nhỏ bé của hài nhi cũng thế, khiến Già Panov nhìn mà xót thương.

“Xin bước vào bên trong này,” ông cất tiếng nói với hai mẹ con. “Cả hai cần sưởi ấm và nghỉ ngơi đôi chút.”

Người mẹ trẻ để ông đưa vào nhà và đến ngồi nghỉ trên chiếc ghế êm ấm. Cô thở ra, cảm thấy dễ chịu.

“Tôi sẽ hâm cho bé bình sữa.” Già Panov nói, “Tôi đã từng có con nhỏ, tôi sẽ cho bé uống sữa giùm cô.” Ông lấy bình sữa ra khỏi bếp, dùng muỗng cho bé uống đồng thời sưởi đôi bàn chân của bé trước bếp lửa.

“Đứa bé cần có đôi giày.” Người thợ đóng giày chợt thốt lên. Nhưng cô gái đáp lại, “Tôi không có tiền mua giày. Chồng tôi không kiếm ra tiền. Tôi đang trên đường tới một làng xa tìm việc làm.”

Chợt một ý tưởng lóe sáng trong đầu Già Panov. Ông nghĩ tới đôi giày đã tìm ra được tối qua. Nhưng ông tính dành đôi giày đó cho Chúa Giê Su mà. Ông nhìn đôi chân nhỏ xíu của em bé lần nữa và rồi quyết định.

Tác giả: Leo Tolstoy
Chuyển ngữ: Như Sao