Menu Close

Nặng mang lòng yêu mến Chúa

Lời giới thiệu: Những ngày cuối năm Dương lịch là một thời gian đặc biệt cho người Công Giáo, khi Giáo Hội bắt đầu một niên lịch phụng vụ mới được gọi là Mùa Vọng. Trong thời gian này, tín hữu chuẩn bị tâm hồn để đón món quà quý từ trời cao: Chúa Hài Đồng Giêsu. Trong tâm tình của một thai phụ, tác giả liên kết những thay đổi thể lý của mình với những cảm nghiệm tâm linh trong tâm tình Mùa Vọng. “Mang thai tâm linh” là một cách để sống trọn Mùa Vọng của cuộc đời trên trần thế, trước khi được đón mùa Giáng Sinh vĩnh cửu ở Thiên Đàng.

*Mừng đầy tháng của Con Rồng Hòa Bình*

alt

Tượng Đức Mẹ Tây Nguyên – Điêu khắc gia Văn Chương – nguồn gpnt.net

Thai hành = thai khỏe

Có mang được ba tháng, tôi khó ăn, khó ngủ. Mùi gì cũng ngửi thấy, tiếng động nào cũng nghe ra. Cả người tôi nhạy cảm tột cùng, dễ dàng nhận ra những thay đổi vi tế xung quanh. Hương thoảng qua, cũng nức cả người. Mùi không dễ chịu chưa ập tới, tôi đã nôn thốc tháo. Khoa sản phụ giải thích: thai nhi càng khỏe, thì thai phụ cấn thai càng dữ, vì các nội tiết tố đang làm việc tối đa.

Tôi nghĩ, trong đời sống Đạo, nếu tôi cũng ‘mang thai’ lòng yêu mến Chúa, thì có lẽ tôi cũng sẽ trở nên nhạy cảm hơn về mặt thiêng liêng. Vì tôi sẽ cảm được hương Thánh ân thật tỏ tường, cả người tôi sẽ lâng lâng hoan lạc trong những tình thương mà Chúa ngày ngày gửi tới qua những biến cố dù rất nhỏ. Tôi sẽ càng nhạy cảm với tội, càng dị ứng với cái ác, càng nôn thốc tháo trước sự dữ, và cái bào thai Đức Tin trong linh hồn tôi cũng sẽ rất khỏe.

Trên hành trình Đức Tin, có lắm lúc tôi chỉ để Chúa trên đầu, trong óc, mà không đưa lòng yêu mến Ngài vào tim, vào bụng. Những lúc ấy, tôi chẳng nặng nề chi với đời sống đạo của mình, không chọn đi vào thai trình tâm linh để mang một bào thai Đức Tin và nuôi dưỡng trong cung lòng mình. Những lúc ấy, tôi sống đạo theo công thức, mà không chọn để mình được nặng mang lòng yêu mến Chúa. Hạt lúa mì Chúa gieo vào lòng tôi đã không bị hủy đi để trổ sinh trăm hạt. Tôi đứng trên bãi biển, ngoại cuộc trước đại dương bát ngát của Tình Yêu Vô Bờ và Tuyệt Đối. Tôi đã không bị cấn thai cách thiêng liêng.

Từ thể lý đến tâm linh

Hồng ân và trách nhiệm làm mẹ cho tôi nhiều cảm nghiệm về Đức Tin và Tình Thương. Từ những biến chuyển trong thể lý, tôi chạm đến những nhận thức mới về tâm linh. Thai trình giống như một Mùa Vọng kéo dài cho thai phụ – để người mẹ chú ý đến từng chi tiết nhỏ trong cách ăn cách ở của mình, làm sao cho mầm thai được phát triển cách tốt đẹp nhất. Trong nhiều cách, người mẹ “dọn đường” cho một quãng đời mới mà Chúa ban: quãng đời của ơn gọi làm cha mẹ.

Một biến chuyển tâm-thể-lý rất cụ thể, là việc chịu lễ. Trong thời gian có mang, mỗi lần rước lễ, tôi đều cảm nhận chất vị của Bánh Thánh một cách rõ rệt, khác lạ, và tinh tường, khác hẳn khi tôi không có mang. Khi có mang, cơ thể người nữ thay đổi về mọi mặt, và nhạy cảm hơn so với lúc bình thường, và tôi cũng muốn mình ‘có mang’ về mặt thiêng liêng. Nếu tôi lúc nào cũng ‘có mang’ ơn nghĩa Chúa, linh hồn tôi sẽ nhạy cảm hơn, sẽ cảm nhận những Bánh Thánh mà Chúa gửi đến trong đời sống mỗi ngày một cách tinh tường hơn.

Nếu tôi không nặng mang lòng yêu mến Chúa, thì cơ thể thiêng liêng của tôi sẽ chẳng thay đổi, cho dù qua mấy chục năm được làm con cái Chúa. Linh hồn tôi sẽ không trải qua kinh nghiệm thai nghén, để tạo ra những nội tiết tố, giúp tôi cảm nhận rõ ràng và tinh tường hơn những gì đang diễn ra trong bản thể của linh hồn tôi. Linh hồn tôi sẽ không dễ cảm hương, sẽ không mau dội thối, sẽ không đi vào cái trạng thái nhạy cảm tột cùng để suy định rõ ràng thiện và ác, ân sủng và tội nhơ.

Khi tôi có mang, tôi đã ý thức trao lại món quà Đức Tin cho con từ ngày đầu tiên. Quá trình thai giáo thiêng liêng ấy cũng là một cách để tôi nặng mang lòng yêu mến Chúa một cách cụ thể nhất và cần thiết nhất – loan báo Tin Mừng cho chính con cái mình khi con còn là một phôi thai nhỏ nhoi. Trong lúc mang thai, tôi thường thầm thỉ với con nhiều điều, và làm gì cũng mời con cùng làm với mình. Một buổi sáng nọ, tôi mời con cầu nguyện như mọi khi, và chợt nhận ra, mình không cầu nguyện một mình. Chính con đang là nguyên nhân để tôi cầu nguyện nhiều hơn và thường xuyên hơn với Chúa. Con là động lực mạnh nhất thúc đẩy tôi cầu nguyện trong lúc này. Con là lời nguyện của tôi. Con đang giúp tôi cầu nguyện. Mà còn hơn thế nữa. Tại sao?

Tôi nghĩ, có một hồng ân quý giá vô cùng mà Chúa đã kín đáo tặng riêng cho người mẹ trong chín tháng cưu mang, là sự hiện diện liên lỉ của người con trong mỗi giây phút của thai trình. Trong thời gian này, mỗi khi người mẹ cầu nguyện, là cầu nguyện với con mình, nên Chúa luôn hiện diện, như Ngài đã phán, “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,19-20). Tôi sẽ tận dụng lời hứa này của Chúa, để tha hồ xin xỏ đủ điều cho con trong lúc mang thai: cho con được khỏe mạnh, cho con được lớn lên trong ơn nghĩa Chúa, cho con được sống đẹp lòng Chúa.

Cho nên khi có con trong dạ, tôi lúc nào cũng là hai người đang cầu nguyện, và Chúa luôn hiện diện với mẹ con tôi. Sự liên kết mật thiết giữa hai mẹ con trong lời nguyện làm thăng hoa và thánh hóa quá trình mang thai. Nhờ ơn sủng Chúa, thai nhi mang đến cho người mẹ một sức mạnh thiêng liêng mà không ai khác có thể làm được. Như vậy, khi mang thai, là lúc tôi nặng mang lòng yêu mến Chúa cách đặc biệt nhất, vì luôn có Chúa ở cùng khi cầu nguyện. Thai phụ và thai nhi, tuy hai mà một, tuy một mà hai – trong một ý nghĩa thiết thực nhất.

Mẹ Maria, mẫu gương muôn đời

Đức Maria đã từng vang lên câu tán tụng, “Linh hồn tôi tung hô Chúa, tung hô Chúa! Vì Người đã làm cho tôi những điều cao trọng!” Chỉ có một linh hồn thực sự thai nghén Ơn Thánh Chúa mới thốt lên những câu ca ươm tràn hạnh phúc, tri ân, và thánh thiện như vậy. Mà Đức Mẹ không chỉ thai nghén Ơn Chúa cách thiêng liêng. Mẹ Maria còn mang nặng chính Con Một của Vua Trời, để từ thai trình và cuộc lâm bồn của Mẹ, cả nhân trần được cứu độ. Thai trình của Mẹ đã mang Tình Yêu của Chúa đến cho cả nhân loại, nối liền trời với đất, Thiên Chúa và loài người.

Mẹ đã ‘mang thai’ từ những ngày đầu tiên khi còn thơ ấu, với lòng sốt mến cao độ, với một tình yêu Chúa tuyệt đối, với một ước nguyện thánh hiến liên lỉ. Khi Sứ thần Gabriel truyền tin, Mẹ lại mang thai trong sự đồng trinh, để trở thành mẫu gương muôn đời của một linh hồn luôn sống trong ơn nghĩa Chúa. Hai tiếng “Xin Vâng” của Mẹ Maria là thông điệp nối dài suốt năm Phụng Vụ, từ mùa Vọng, trổ sang mùa Giáng Sinh, loan vào mùa Chay, và bừng lên trong mùa Phục Sinh.

Mẹ đã chọn nhập cuộc, chọn tận hiến, chọn vâng phục. Chỉ có trong vâng phục, trong tận hiến, trong phó dâng hoàn toàn (như ‘total surrender’ với Mẹ Têrêxa Calcuta) thì linh hồn tôi mới đi vào những biến hóa nội tâm, để được thực sự kết hợp mật thiết với Chúa. Trong đời sống thiêng liêng, liệu tôi đã bao lần không chịu học hai tiếng “Xin Vâng!” để được giống Mẹ Maria, xin làm tôi tớ hèn mọn để Chúa thực hiện những dự án của Người?

Tôi chỉ ước trông một điều, là tôi luôn nặng mang lòng yêu mến Chúa luôn mãi, dù khi Đức Tin của tôi đang vật vã giữa ba đào. Để trong suốt cuộc lữ hành trần thế, tôi sẽ luôn “thai nghén” trong một mùa Vọng viên mãn, cho đến ngày tôi được về Quê Trời nhờ vào Giá máu của Giêsu Cực Thánh.

– California