“Sông Thu Bồn chảy về cửa Đại/ Lạch Bình Long chảy mãi ra Hàn/ Ai về Đà Nẵng, Hội An/ Cho ta nhắn gởi đôi hàng tâm tư/ Quê hương vọng mãi lời ru: Sông Thu Bồn chưa cạn, chưa hết người tài hoa…” Phải chăng có qui luật nào chi phối? Sông Cầu có câu quan họ, có ngày hội Lim, xứ Huế có tiếng hò mái nhì làm nao nao lòng người. Còn ở xứ Quảng, ngoài những thể loại hò khoan, vè, điệu lý, đồng dao hay nói thơ còn có một phần ít được nhắc tới, đó là các làn điệu của hò chèo ghe, đua ghe trên sông Thu Bồn.

Trên những chuyến đò dọc, lúc nhổ sào, quay lái, ánh nắng nhàn nhạt trên những ngọn cây bên bờ. Ghe lướt đi, lướt đi cùng trăng. Trong bối cảnh đó, hò chèo ghe, thực ra là để đỡ buồn ngủ, đỡ cảm thấy cô đơn giữa im lặng mông lung của đêm, quên đi mệt mỏi, gởi gấm trong không gian một trạng thái tình cảm nào đó. Người nằm trong ghe được ru ngủ. Người trên bờ chưa ngủ lắng nghe…
Một đặc điểm nổi bật trong những tình cảm được người dân xứ Quảng gởi gấm nhiều có lẽ là những lời ngợi ca xứ sở. Bởi người xứ Quảng luôn tự hào là xứ sở của ngũ phụng tề phi nơi mà Chúa Nguyễn gây dựng cơ đồ khởi nghiệp.
Hò chèo ghe, đua ghe có ba tiết tấu: chậm, vừa và nhanh, cũng như cả ba thang âm thấp, trung và cao. Các sắc thái này được diễn tả theo cách gọi dân gian là điệu mái dài, điệu mái lơi và điệu mái nhặt. Riêng điệu mái nhặt có thuật ngữ là “xốc xạ”, nghĩa là lao tới như tên bắn. Mái là nhịp của cây chèo, cây dầm. Người chèo ghe hát điệu mái dài khi chiều xuống lúc trăng treo, trên những chuyến đò dọc lúc chở người, lúc chở hàng. Đến mùa đua ghe, các ghe rời vạn đi dự đua, các tay chèo hào hứng hát điệu mái lơi trong khí tiết quyết thắng. Ghe được trang trí sơn phết lại, lướt đi trong khói hương linh thiêng cắm trước mũi ghe, trong hợp ca trầm bổng của điệu mái lơi và tiếng trống bum bum – bum bum rộn ràng cả một khúc sông.
Ngày nay các nhạc sĩ, ca sĩ, thường tái tạo lại các điệu hát theo âm nhạc Tây phương nên việc học hát trở nên đơn giản, nhưng việc diễn đạt bằng bảy nốt nhạc đã làm khó phân biệt giữa điệu mái dài trên sông Thu Bồn và điệu hò mái nhì trên sông Hương. Nhiều lúc và nhiều người lầm tưởng hai điệu là một. Thật ra, tiết tấu của điệu mái dài tùy thuộc vào độ dài của cây chèo, độ sâu và độ chảy của nước, độ lướt của ghe. Sông Thu Bồn với những đặc thù riêng của vùng đất Quảng đã cho thấy sự biến đổi tiết tấu của điệu mái dài mà mặc nhiên sông Thu Bồn là nhạc trưởng, là bản nhạc lớn và tiếng hò của người chèo ghe cũng phải thích nghi.
Hò chèo ghe trên sông Thu Bồn về đêm
Chiều tà, ghe rời bến, người chèo muốn tìm bạn chèo để về khuya, cùng lướt với trăng trong tiếng tiếng đạp nước, tiếng giã vôi cùng câu hò, điệu lý, lời ru con hay con trẻ hát “Bắt chưng thang”, văng vẳng hai bên bờ. Người chèo ghe khi gặp bạn chèo thường cất lên một bài nào đó theo điệu mái dài. Bài hát thường có bốn câu để gọi mời ghe đi trước chậm lại, cùng chèo, cùng hát, cùng hò. Ví dụ:
Ớ… bạn… đà… ơi!
Chèo theo anh chèo bôn chèo bả,
Em chèo theo anh đứt nhả quai chèo,
Xin anh bớt lái, giảm lèo, đợi em…
Mở đầu một bài hát thường có câu đề (Intro) như sau: “Ớ bạn đà ơi!”, có người luyến nhanh liên tiếp: “Ới bạn đà ơi! ớ bạn đà ơi!”. Lại có người sáng tạo lấy hai tiếng đầu câu đầu bài hát thường là sáu chữ, thêm: “Ới đà” luyến và ngân đủ nhịp chèo, thành câu mở đầu bài hát. Ví dụ câu: “Thu Bồn chảy về cửa Đại” thì hát:
Thu Bồn ơi… Ới bạn đà ơi!
và hát tiếp:
Thu Bồn chảy về cửa Đại…
Sự vận dụng hai tiếng đệm “ớ đà” sau hai tiếng đầu của câu tám chữ hay mười, mười hai chữ là để kết thúc một đoạn hay một bài hát.
Sự vận dụng “ơ đà”, “đà ơi” cùng với chữ thêm “thời”, “mà” có liều lượng và nghệ thuật hát xắp, luyến láy, lúc ngưng, lúc ngân nga đã làm cho giai điệu trong điệu mái dài trở nên phong phú, biến tấu đa dạng và là một sáng tạo đặc thù trong tiếng hát trên sông Thu Bồn.
Thường dịp sau Tết, mỗi khi nghe tiếng trống bum bum – bum bum của ghe đua, nhiều người thao thức chuẩn bị bánh tổ, bánh in xuống đò dọc để sáng sớm mai đi xem đua ghe ở vạn Thu Bồn, nghe điệu mái lơi, mái nhặt và vào phố Hội An ăn cao lầu.

Hò thả lưới trên sông Thu Bồn
Trong không khí đó, điệu mái lơi mái nhặt luôn làm lòng người hứng khởi trong những ngày đầu xuân. Cả hai điệu này có điểm giống nhau là đều do người cầm chèo lái hay người cầm trịch bắt nhịp hay hát xướng lên và các tay chèo nhịp nhàng hò theo. Điểm khác nhau là ở cách đi nhanh hay chậm của ghe đua.
Khi ghe đi ung dung, chầm chậm, mái dầm nhịp nhàng rộn ràng tiến về cuộc đua thì điệu mái lơi được bắt nhịp, ví dụ:
Phố mình là phố Thu Bồn
Tai nghe lời hiệu thỉnh anh em mình ra đi.
Ra đi gặp hội trường thi.
Tiêu xa, nước chảy bao nài,
Trống hội cờ phất, ngựa mình tranh tiêu.
Phách ba, phách nhất, phách nhì
Chèo xeo, lái mũi chúng ta đồng lòng…
Hát hò trên sông phát triển các làn điệu bởi các ca từ mới và phong cách riêng của mỗi vùng. Tất cả như bắt nguồn cho một dòng sông hát chảy mãi trong tâm tưởng. Một số người dân xứ Quảng lớn lên, bỏ lại sau lưng bờ dâu bãi cát, xuôi những chuyến đò dọc về Đà Nẵng – Hội An và từ đây họ đi muôn phương đến những vùng đất mới. Có người dừng chân bên bờ sông Đồng Nai hay bên bờ sông Cửu Long và họ lại cất cao tiếng hát mới như nghe đâu đây âm vang của một dòng sông trong tâm tưởng họ.
Ai về nhắn với nậu nguồn
Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên.
Có một thuở, những người chèo ghe đã từng hát như vậy. Nay, mít non vẫn gởi xuống và cá chuồn vẫn gởi lên, nhưng bằng xe tải, thuyền máy. Không gian tồn tại cho những câu hát như lùi vào quá khứ. Mì Quảng có thể không nổi tiếng như phở Bắc , bún bò Huế, nhưng có lẽ khó quên trong lòng dân xứ Quảng, dù họ đang ở đâu. So sánh nào cũng khập khiễng, nhưng nước chảy ra biển lại mưa về nguồn.