Menu Close

Cơn cuồng “Kpop” & “hallyu”

Kpop & Hallyu, là hai từ chỉ làn sóng văn hóa Hàn Quốc, bắt nguồn từ cách gọi của một số nhà báo ở Bắc Kinh về sự nổi tiếng nhanh chóng của Hàn Quốc và các sản phẩm của Hàn tại Trung Quốc. Hiện tại có thể nói làn sóng ấy đang lan rộng ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Châu Á, từ nhiều năm nay, làn sóng Hàn Quốc đã tới Nhật Bản, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á và đang bắt đầu lan rộng tới Ấn Độ, Trung Đông, Trung Á, Thổ Nhĩ Kỳ…

Riêng tại Việt Nam, những cuộc “đổ bộ”, “xâm lược” tới tấp của các ban nhạc và ngôi sao phim Hàn Quốc gần đây đã làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi giữa hai thế hệ già trẻ trên cộng đồng mạng. “Hàn lưu”, tức Hallyu, với sự phát triển ảnh hưởng mạnh mẽ của nó trong giới trẻ, như đang dần trở thành một con sông chia cắt thị hiếu thẩm mỹ của hai thế hệ…

Trước hết, ta hãy nghe nhà văn Nhật Chiêu, người có nhiều năm nghiên cứu về văn học, văn hóa Nhật Bản, Hàn Quốc, phát biểu: Thực tế những tác phẩm văn học đỉnh cao Hàn Quốc chưa phổ cập đến Việt Nam. Những người mê “Hàn lưu” ở Việt Nam đa phần không biết gì về tinh hoa văn hóa Hàn Quốc. Mấy ai mê Hàn lưu có thể kể tiêu đề một vài tác phẩm văn học nghệ thuật lớn  của Hàn Quốc? Người ta biết tên những ngôi sao ca nhạc, diễn viên truyền hình, say mê nhuộm tóc theo mốt Hàn, ăn thức ăn Hàn, dùng mỹ phẩm Hàn… Cái gọi là Hàn lưu thực chất không phải là tinh hoa văn hóa.

Kpop và Hàn Lưu

Nhà thơ Đỗ Trung Quân có lẽ xót xa trước hình ảnh hàng loạt bạn trẻ nằm la liệt ở sân bay đợi thần tượng sao ca nhạc Hàn Quốc (K-pop), đã làm một bài thơ để nhắn nhủ tới thế hệ trẻ. Tuy nhiên, bài thơ này đang châm ngòi cho một cuộc “bút chiến”. Ông phát biểu với báo Đất Việt trong nước, “Tôi cũng có thần tượng. Hồi trẻ, tôi cũng mê Beatles, cũng mê diễn viên điện ảnh. Tôi mê đủ thứ. Nhưng sự ngưỡng mộ thần tượng, xin chữ ký, yêu quý khác với liếm trên cái ghế thần tượng ngồi. Giới hạn nó nằm ở chỗ đó. Quan điểm của tôi là như thế thôi.

Nhiều người nghĩ tôi mắng các em. Không, tôi không hề mắng các em. Tôi chỉ muốn nói rằng các em hãy sử dụng nước mắt cho đúng chỗ. Tôi không cấm, tôi không hề cấm thần tượng. Tôi chỉ nhắc các em rằng yêu mến khác sự liếm ghế.”

Theo nhà thơ Đỗ Trung Quân, ở nước ngoài cũng có màn khóc lóc, thậm chí có những cô đòi ngủ với John Lennon. Nhưng ở xã hội của họ không có nhiều vấn đề xã hội như của mình. Họ không có dân oan, tham nhũng, cường quyền, bão lụt, biển Đông…

Trong bài thơ “Hãy tiết kiệm thứ còn lại duy nhất”, Đỗ Trung Quân nhắc lại thế hệ trẻ một thời sẵn sàng quên mình vì nghĩa lớn, rồi sẵn sàng làm những việc vô cùng gian khổ như đạp xích lô, chạy xe ôm, khuân vác sau khi trở về từ cuộc chiến. Nhưng “Nói thật/Bọn tôi đàn ông cũng có khi rơi nước mắt/Khi nhìn xác đồng bào, ôm trong tay đồng đội”.

Tuy nhiên, “Chúng tôi không bao giờ rơi lệ/Những chuyện tào lao/Chúng tôi không mất thì giờ nửa đêm run rẩy,gào thét trước cổng sân bay để đón đứa lạ huơ lạ hoắc/đến bố mẹ ở nhà cũng chả biết đi đâu”.

Nhà thơ cũng gửi một lời nhắn nhủ vô cùng xót xa khi thấy nước mắt của các bạn trẻ rơi quá dễ dàng và không đúng chỗ: “Nước mắt ngày càng quý hiếm lắm các em ạ/Hãy cố mà để dành/Mà nhỏ xuống cho điêu linh đất nước/Mà rưng rưng cho nỗi nhục bị cỡi cổ đè đầu/Làm nô lệ/Tôi bảo các em lần này thôi nhé/Đừng làm xấu hổ thêm xứ sở mình/Nhục/Biển Đông/Quá/Đủ/Rồi”.

Đỗ Trung Quân

Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, bài thơ vấp phải sự phản đối của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là sự phản kháng bằng bài thơ của một cô gái trẻ với lý lẽ để nói lên tiếng nói của thế hệ mình. “Thời đại mới, chúng tôi cũng đang sống trong cái thời 20 tuổi/Ba mẹ nuôi/Lo cho ăn học bằng người/ Cũng biết học, biết chơi, biết chuyện nước ta, nước bạn/Tuổi trẻ thời bình, thích truyện ngắn, phim tình cảm/Nghe nhạc Hàn, thích các ngôi sao/Được phong danh hiệu “Fan cuồng Kpop/ Thôi thì cứ sống là chính mình, đứa thích SuJu, đứa mê UKiss, đứa yêu Dong Bang, đứa cả ngày xem Beast, coi như sở thích cho những lúc nhàn rỗi của thời bình.”…

Hùng Tuấn cũng đồng tình với quan điểm trên: “Chúng tôi là thế hệ trẻ. Chúng tôi có những niềm đam mê, sở thích có thể khác với thế hệ đi trước, miễn sao chúng tôi không làm ảnh hưởng đến xã hội, đất nước. Bao nhiêu ngày tháng mong mỏi, chờ đợi, chúng tôi sẵn sàng nằm ngủ ở sân bay để được nhìn thấy thần tượng của mình. Và dù chúng tôi khóc thì đó cũng là những giọt nước mắt hạnh phúc khi được nhìn thấy thần tượng bằng xương, bằng thịt, chứ không chỉ là trên ti vi, internet”.

Sự thật, cơn cuồng Kpop & Hàn lưu và cảnh sống thác loạn của lớp trẻ trong nước đã gây ra một vài xáo trộn xã hội và khiến cho lớp người trẻ xao lãng việc học, quên đi nhiều mối đau, nỗi nhục của đất nước hiện nay.

Điểm lại các trào lưu văn nghệ từ những năm 60 của thế kỷ trước cho đến nay, có lẽ chỉ có hai trào lưu ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới trẻ nước mình: hippy thế kỷ trước và Hàn lưu hiện nay. Sự khác biệt giữa hai trào lưu này, là nếu thế hệ hiện sinh được “chống lưng” bởi một chủ thuyết triết học và có những vẻ đẹp riêng thì thế hệ Hàn lưu dường như chỉ là những mốt thời trang của một thứ văn hoá bình dân nghiêng về hưởng thụ. Thế nhưng có lẽ nếu không là Hàn lưu, Kpop thì cũng sẽ là “một cái gì lưu hay pop”, vì tuổi trẻ khó có thể không có thần tượng, giống như một trong những triệu chứng của “cơn sốt” tuổi mới lớn. Dẫu sao yêu mê tới cuồng loạn, quên hết mọi thứ, bất chấp mọi chuẩn mực và phẩm cách cũng là điều phải được xét lại.

DH&BH– Tổng hợp từ Internet