Bánh tét, món bánh thường thấy vào những dịp cúng quẩy hoặc tết nhất ở miền Nam. Thế nhưng, khoảng hơn 20 năm sau này, bánh tét trở thành món ăn gần gũi với mọi người, cũng như gói xôi, gói bắp hay ổ bánh mì lót dạ. Và không chỉ có thế, bánh tét đã được biến cải hơn bởi lớp nhưn pha thêm lạp xưởng, lòng đỏ trứng vịt muối tạo thành một món ăn đặc sắc.

Nếu có dịp ghé Trà Vinh, trên đường đi huyện Duyên Hải, bạn hẳn sẽ ngạc nhiên khi thấy có hơn hai chục điểm bán bánh tét ở khu vực xã Trà Cuôn, Bánh tét ở đây đã có nhãn hiệu truyền miệng hẳn hòi “bánh tét Trà Cuôn”.
Khởi thủy bánh tét Trà Cuôn do bà Thạch Thị Lý làm ra. Bà làm bánh tét gần ba mươi năm nay. Ban đầu chỉ là những đòn bánh nhỏ nhưn đậu hoặc nhưn chuối cho các con bà mang đi bán khắp nơi trong tỉnh. Bánh bà làm bán rất chạy, ai cũng khen ngon. Dần dần bà tạo đòn bánh lớn hơn, nhưn đặc biệt như bánh tét lá cẩm Cần Thơ nổi tiếng.

Khác với bánh tét lá cẩm nhờ vào màu tím đẹp mắt trên khoanh bánh, bà Lý dùng lá bù ngót để tạo màu và mùi vị đặc trưng. Bà cũng chẳng giấu giếm bí quyết làm ăn đối với bất kỳ ai thắc mắc. Bà cho biết: “Lá bù ngót giã nhuyễn, lọc lấy nước. Vo nếp ngâm vào nước bù ngót độ mười tiếng đồng hồ, vớt ráo đem gói bánh. Bánh ngon, không phải chỉ nhờ có màu xanh đẹp của lá bù ngót mà nhờ loại nếp thơm dẻo.

Gói bánh tét
Một đòn bánh chuối giá 10,000 đồng có thể ba người ăn, bánh mặn giá 15,000 đồng, bánh thập cẩm có trứng, lạp xưởng loại 1,2kg giá 20,000 đồng, so ra giá cả phù hợp với túi tiền đối với dân thường. Chị Hai con bà Lý cho biết, mỗi ngày sạp của chị bán được hơn hai trăm đòn, còn vào những ngày lễ thì phải hơn năm trăm. Tết nhất làm cả ngàn đòn bánh bán cho bà con mang đi bỏ mối ở các chợ. Chị vừa đóng thêm thùng nấu và tăng thêm lò. Bảy người con của bà Lý giờ này ai cũng là chủ lò riêng. Bà Lý nay 75 tuổi vẫn còn tự gói bánh bán và chỉ dẫn cho những người mới vào nghề.

Bánh tét, món bánh dân dã quê mùa
Mấy năm trước, chỉ có nhà bà Lý bán bánh tét, bây giờ ngoài lộ đã có thêm chục sạp. Mạnh ai nấy bán, chẳng ai ganh ghét hay giành bán hơn thua. Bánh làm ra, tuy không có nhãn hiệu, nhưng bất kỳ ai một lần ghé qua Trà Vinh đều mua vài đòn bánh tét Trà Cuôn làm quà. Cái thương hiệu bánh tét Trà Cuôn giờ khắp nơi đâu đâu cũng biết, có phần hơn cả bánh tét lá cẩm Cần Thơ”.

Lời nhận xét của chị Hải có phần đúng bởi cái tên thương hiệu những món ăn dân gian có khuynh hướng gắn liền với vùng đất nơi nó được khởi nguồn. Kẹo dừa Mỏ Cày, Nem Lai Vung, mắm tôm chà Gò Công, bánh pía Sóc Trăng, bún nước lèo Bạc Liêu, nắm thái Châu Đốc…, giờ thì bánh tét Trà Cuôn góp thêm tên tuổi của mình vào danh sách.

Nếp gói bánh được ngâm trong nước lá bù ngót giã nhuyễn tạo màu xanh và hương vị
Bên cạnh cái tên thương hiệu là sự tồn tại của những người theo nghề. Tuy bánh tét Trà Cuôn chưa trở thành một vùng nghề đông đảo nhưng nó cũng đã giải quyết được một phần công ăn việc làm tại thôn xóm này. Bà Lý nói: “Tui già rồi, bao năm cực khổ làm bánh bán buôn, giờ tên tuổi đã có nhưng vẫn chưa bỏ nghề cũng bởi mong muốn chỉ dẫn cho con cháu hoặc những ai muốn kiếm một cái nghề mưu sinh. Tui từng nói với mọi người, cố gắng làm ăn và giữ được chữ tín của bánh tét Trà Cuôn.”

Một lò làm bánh tét ở Trà Cuôn, Trà Vinh
Bà Thạch Thị Lý hơn 75 tuổi, người chuyên bán bánh tét Trà Cuôn