Menu Close

An Giang – Một vùng cổ tích phương Nam – Kỳ 3

Bạn ơi, có lần nào bạn đi ngang qua An Giang chưa?  Nếu chưa, xin bạn nên ghé lại thăm An-Giang đôi ngày vì địa danh này đã gợi cho bạn nhiều hấp dẫn từ một dòng sông, dòng An-Giang. Phải thế không bạn? Người nghệ sĩ ngợi ca dòng An-Giang có cái lý riêng của họ mà tự dòng sông này cũng đẹp mát lạ thường.

pic

Tại bến đò Châu Giang, ngày xưa ấy, bạn sẽ bắt gặp các cô học trò đi học bằng đò chèo qua sông giữa sông nước mênh mông. Những bông hoa biết nói ấy nay có lẽ tuổi đời đã chồng chất nhiều rồi nhưng họ đã có một thời làm nên nét đẹp vùng châu thổ ấy, tuyệt diệu biết dường nào! Phải thế không bạn?

Rồi qua vài con rạch nhỏ, không đi học bằng đò, các cô nữ sinh ngày xưa với tà áo dài trắng thanh khiết, họ bước chân lên những nhịp cầu tre lắt lẻo mà tâm hồn thiếu nữ man mác trữ tình. Cầu khỉ và bóng dáng nữ sinh một thời làm bức tranh quê vùng An Giang thêm đẹp lạ kỳ!

pic

Đi học mùa nước ngập qua cây cầu tre lắt lẻo (Nguồn: TSCĐ)

Nếu bạn đi thêm mười bảy cây số về hướng đông, bạn sẽ gặp một thị trấn tơ tằm và buôn bán phồn thịnh nằm bên bờ sông Tiền: Chợ Tân Châu. Tân Châu nổi tiếng với hàng lãnh Mỹ-A, hàng Cẩm-Tự đen tuyền nhuộm bằng trái mặc nưa, một loại hàng thông dụng khắp từ miền Lục Tỉnh đến Sài Gòn và cả miền Trung. Dòng sông Cửu Long nước chảy xiết, rộng thênh thang. Xa xa bạn sẽ nhìn thấy những tàu buôn ngoại quốc đang buông neo sừng sững ngoài khơi như những cù lao, cồn cát. Vì là con đường giao thương qua lại quốc tế, nên Tân Châu như một thương cảng vùng nội địa của An Giang khi tàu buôn dừng lại. Do đó có những mặt hàng ngoại quốc ở Tân Châu tràn ngập mà các nơi khác không có càng thu hút nhiều người buôn bán từ các nơi khác đổ xô về làm cho chợ Tân Châu lúc nào cũng nhộn nhịp. Nhưng “tang điền biến vi thương hải” vì dòng nước chảy xiết, cả con đường Bạch Đằng với khu chợ náo nhiệt ngày nào đã bị chìm theo dòng nước cuốn trôi mất hút từ lâu rồi. Giờ chỉ còn một khu hoang vắng ngậm ngùi, những căn phố, những viên đá xanh lót đường ngày nào thăm thẳm chìm vào lòng sông vô định qua từng mùa nước dâng, nước cạn… Khu chợ Tân Châu mới thì dời về sân banh còn buồn xo như chưa kịp lay hồn tỉnh dậy… Rồi vàm kinh Vĩnh An Hà ngày xưa sâu là thế mà ngày nay vàm kinh cũ cũng đâu rồi một thuở đầy tràn những mùa nước kinh xưa?

pic

Ngã ba vàm Tân Bình và Xáng Lớn (Lấp Vò, Sa Đéc)

Chợt nhớ mấy câu thơ của cụ Tú Xương:

“Đêm nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò!”

Về Tân Châu bạn sẽ gặp những bè cá trên sông, những con cá he nghệ vàng nghếnh, cá ba sa đầy mỡ. Xuống Long Sơn, trên con đường đi về Hòa Hảo, bạn sẽ vui với mùa nhãn chín thơm đầy vườn bên tiếng chim gọi nhau líu lo xào xạc, nhớ câu thơ của Tế Hanh trong bài thơ Vườn Xưa đầy tình tự:

“Hai ta như sen mùa Hạ, cúc mùa Thu,
Như tháng mười hồng, tháng năm nhãn,
Em theo chim em đi về tháng tám,
Anh theo chim cùng với tháng ba qua.”

Nhưng có lẽ cũng xin mời bạn đọc bài thơ của nhà thi sĩ vùng Long Sơn (Tân Châu), thi sĩ Nguyễn Hải Thệ còn có bút danh Ngy Do Thái, viết về bến nước Tân Châu:

pic

Ghe cui trên sông Tiền Giang (Tân Châu-An Giang) mùa nước tháng 9 âm lịch.

Sáng ra hỏi thăm dòng sông Trước
Ngó lên Nam Vang trùng trùng sóng nước
Bến Tân Châu bụi nắng long lanh
Trăm chiếc lá non rung rinh đầu cành
Ta mở lòng ra với trời xanh biếc
Hít thở không khí căng đầy lồng ngực
Đàn chim ríu rít theo đuổi bình minh
Lẽo đẽo bờ sông anh theo đuổi em
Và bài ngợi ca Châu Đốc:
Đêm về ngó ngọn đèn cao Châu Đốc
Dòng sông sâu biêng biếc trời xanh
Nước trong mát ngọt thơm lành
Thuyền lênh đênh chở hoàng hôn bỏ lại
Tuổi trung niên dong buồm ra Đông Hải
Màu hoa vàng xưa đã chết trên ngàn
Câu điệu lý như mây quờ bóng trăng
Hồn ta chất ngất tình quê núi
Ngó đỉnh Thất Sơn vòi vọi
Đất lành chim đậu cành cây
Miền Viễn Tây nghi ngút sương bay
Trời với đất không còn phân ranh giới
Bờ với cõi viên dung giềng mối
Ta và em hiệp một trong nhau
Càn khôn phôi dựng xuân đầu
Em về mắt biếc nguyên màu biển xưa
Gót sen cỏ rộng đong đưa
Cành chim lá gió hai bờ ngửa ngang
Lục bình man mác Phương Nam
Thuyền qua Châu Đốc lộng tràng giang em
Bàn tay thon lá cỏ mềm
Hiển hoa trăng ngọc lộ nguyên Nguyệt Hằng.
(Châu Đốc Quý Sửu 10/1973) (8)

Tân Châu còn là rừng mía chạy mút tầm mắt, những vạt mía thơm dịu, mía tây, mía huê kỳ, mía cọ cho nhiều đường ngọt lịm…
Trước khi bạn trở lại Sài Gòn hoặc về miền Cần Thơ, Cà Mau, xin mời bạn trở lại thăm hai vùng thân quen một thời của An Giang ngày xưa, giờ đã thuộc về hai tỉnh khác. Đó là Thốt Nốt thuộc Cần Thơ và Lấp Vò thuộc Cao Lãnh (Đồng Tháp). Giống như hai đứa con gái mẹ cha phải gả đi xa, cư dân Lấp Vò và Thốt Nốt luôn nhớ về An Giang không muốn rời căn nhà thân yêu cũ. Cực chẳng đã, phải dính líu đến giấy tờ hành chánh, nhưng kỳ dư mọi giao dịch, mua bán, thăm viếng họ đều gần gũi với An Giang hơn nhiều và lúc nào cũng tha thiết. Thốt Nốt cũng giàu có với lúa, với vườn và tháng mưa, lúa hột phơi đầy trên con lộ số 9 về hướng Cần Thơ mà mỗi lần xe chạy qua nghe rào rào dưới lườn xe vùn vụt. Còn Lấp Vò thì có nhiều trăn trở, đau buốt riêng của nó so với các nơi khác ở quanh vùng này. Bạn có tưởng tượng trong nhà lồng chợ Lấp Vò, thời thuộc Pháp, nhiều người bị Tây bắt chặt đầu, xác thả trôi sông và lấy đầu treo đầy cây tre trong nhà lồng chợ. Ngày xưa, nghe ông già bà cả kể, nơi chợ quận này có thằng Tây ác dữ lắm, biết bao gia đình là nạn nhân của nó, bị chặt đầu mà kinh hồn.

pic

Đi học bằng đò ngang trên sông Châu Đốc nơi bến đò Châu Giang (Châu Phong) mùa nước lên. (Nguồn: TSCĐ)

Nếu bạn qua sông bằng con đò chèo nơi bến đò Chợ Cũ để về Cái Tàu hoặc bạn bắt đầu rẽ tay mặt nơi có ngôi nhà xưa của anh Sáu Louis chuyên chụp hình rất đẹp nằm cạnh bến đò vào những năm 1950-1960 để về làng Tân Bình, Bồ Hút, Gia Vàm, Thủ Ô, lúc bấy giờ nơi bến sông này có ông Tú Thường mưa nắng bao mùa chèo đò đưa rước khách sang sông và bạn bồi hồi nhớ lại câu ca vọng cổ ngày nào và nhớ về một kiếp người lăn lóc cùng sông nước qua bao mùa mưa nắng:

“Còn nước mơ màng mây vẫn vơ
Thì còn ông lão với con đò
Có tiền mua lấy vài chai rượu
Nhắp rượu xong rồi lão nói thơ
Thơ Vân Tiên
Linh đinh trời rộng sông dài
Đò ngang một chiếc lần hồi sớm trưa
Chiều rồi nghỉ một chuyến mưa
Nằm nghe lá rụng như mưa trên đò
Cơm ngày hai bữa cầu no
Dám đâu bàn chuyện cơ đồ viễn vông
Đời này có cũng như không
Sớm còn tối mất bận lòng mà chi

Nói lối:

Còn nước còn non thì nơi bến cũ vẫn còn trơ một ông lão… đưa đò. Sông nước miền quê như say theo tiếng hát câu hò. Trên con thuyền cũ kỹ ai muốn sang bến sông này lão đưa rước giùm cho, tiền bạc trả công chẳng nệ ít hay nhiều, lão chỉ  cần ngày hai bữa mà thôi, bởi lão đây yêu quý con đò như thiên hạ họ yêu một người tình lý tưởng …”(9)

Và rồi bạn chợt nghe một điệu hò quen thuộc của ông lão chèo đò mà như tiếng vọng từ trái tim mình:

Hò ơ…
Nước giữa dòng có khi trong khi đục
Người ở đời có lúc nhục lúc vinh
Gẫm ai vô sự như mình
Đò ngang một chuyến
Hò hơ …
Đò ngang một chuyến mặc tình nắng mưa .”(10)

pic

Vàm kinh Vĩnh An Hà (Tân Châu- An Giang)

Tiếp tục, xin được mời bạn đi theo con đường lộ đá cũ lồi lõm này, bạn sẽ về Cái Tàu Thượng, Tòng Sơn nơi sanh quán của Đức Phật Thầy Tây An. Ngôi chùa Tòng Sơn bên dòng sông Cửu Long, cách Cái Tàu Thượng vài ba cây số về hướng Đất Sét Nhỏ, là một ngôi cổ tự mà nhiều thập phương bá tánh về đây hành hương, cầu nguyện Phật Thầy. Nhưng có lẽ bạn sẽ qua rạch Xẽo Môn, nơi ngày xưa trồng khoai môn nổi tiếng vùng này, nơi mà Phật Thầy trị bịnh, cứu nhơn độ thế làm cho nhiều người khỏi chết vì bịnh dịch vào những năm đồ khổ, dịch bệnh. Dọc theo con hương lộ đá từ Mương Kinh về Cái Tàu Thượng những vườn trầu vàng, lá trầu non mượt, rải rác khắp một vùng làng quê lao xao theo cơn gió hiu hiu. Bạn sẽ gặp những cô thôn nữ hái trầu đem bán những phiên chợ quận với đôi má hây hây, tình tứ mà trầm trồ và buộc lòng bạn nhớ lại câu ca dao quen miệng mà giật mình:

“Trồng trầu thì phải khai mương,
Làm trai hai vợ, phải thương cho đồng.”

An Giang quá rộng, nhiều nét đặc thù, nhiều con đường còn xa khuất mà tôi vì tài hèn sức mọn không làm sao ghi lại đầy đủ, trọn vẹn hết được. Tôi chỉ là người mê nét đẹp thiên nhiên và con người của An Giang, tôi muốn xin được chia sẻ cùng bạn những gì tôi đã cảm nhận được qua năm sáu mươi năm lớn lên từ vùng đất An Giang ấy. Suốt hai mươi năm chiến tranh, An Giang so với nhiều vùng khác là một vùng yên bình; có người còn gọi An Giang là đất Phật, là Thánh địa; nhưng với riêng tôi, dù hôm nay An Giang có nhiều thay đổi, chẳng hạn như dòng sông Cửu Long bị ngăn dòng bởi các đập thuỷ điện nơi các nước thượng nguồn nên nước sông càng ngày càng cạn hơn, từ đó kéo theo cá tôm khan hiếm hơn, đồng lúa đất đai ít khi được phù sa bồi thêm sau mỗi mùa lúa thần nông ngắn ngày kết thúc, thì trong lòng tôi, hình ảnh một An Giang những ngày tháng cũ cách nay năm sáu mươi năm quả thật là một vùng cổ tích tuyệt diệu ở phương Nam này.

Có lẽ An Giang là xứ sở của cổ tích, của huyền thoại thật sự của vùng đồng bằng thuộc hạ lưu sông Cửu Long, mà bạn khó bắt gặp bất cứ nơi nào khác có những nét đặc thù tương tự vào những ngày tháng cũ. Nhờ hội đủ ba yếu tố thiên thời, địa lợi và nhơn hòa, An Giang có một thời đã mang tặng cho bạn cái nét đẹp của những cánh đồng lúa mùa bao la bát ngát với những biển lúa chín vàng đồng, những bến nước hữu tình, những dòng sông đầy cá tôm, những vườn cây ăn trái ngào ngạt hoa thơm trái chín và một tấm lòng hiếu khách, hiền hòa, chơn chất của cư dân dọc hai bên bờ dòng An Giang mát mẻ, ngọt ngào, quả từ rất lâu, từ những năm tháng cách nay hơn năm sáu mươi năm, An Giang đã mang đến cho bạn một món quà rất đẹp và nhiều ý nghĩa rồi vậy!

LTT
Ngày 19-8-1998.
(Trích trong “Bến Bờ Còn Lại” ấn hành năm 2000)
Đọc lại và bổ túc nhiều chi tiết, hình ảnh quan trọng
vào ngày 25-6-2011