Menu Close

Lá thư từ Kinh Xáng – Kỳ 6

Lời giới thiệu: Anh Hai An Phú tên thật là Dương Văn Chung, bút hiệu Khiêm Cung, tuổi Ất Hợi, sanh quán tại làng Bắc Nam, quận An Phú, tỉnh Châu Đốc, hiện định cư tại Sydney, Úc Đại Lợi, tác giả tập truyện Nội Ngoại Đều Thương do nhà xuất bản Quán Âm Sơn (Tân Tây Lan) ấn hành năm 2009. Viết về vùng quê Thất Sơn Mầu Nhiệm ngày xưa, không ai qua nổi học giả Nguyễn Văn Hầu; viết về vùng Tân Châu ngày trước, không ai qua nổi bậc tiền bối Nguyễn Văn Kiềm; còn viết về vùng Xà Tón (Tri Tôn) chắc chắn không ai qua nổi nhà văn Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa; nhưng viết về vùng Bắc Nam, Vĩnh Trường, Đồng Cô Ky, Đồng Đức Thượng với những mùa cá tôm chim chóc lúa thóc chín vàng đồng tôi tin không ai qua nổi nhà văn Khiêm Cung Dương Văn Chung.


Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn những mẩu trò chuyện cùng tác giả “Nội Ngoại Đều Thương” dưới đây qua những mùa màng vùng sông nước Bắc Nam thuộc quận An Phú, tỉnh Châu Đốc cách nay có gần bảy tám chục năm xa xưa ấy và hy vọng chia sẻ cùng các bạn một chút tình quê qua những câu chuyện kể của người già còn nặng lòng với chốn cũ một thời…

Trân trọng

Hai Trầu

Kinh xáng Bốn Tổng ngày 06-06-2011

pic

Sông nước Châu Đốc

HT:

Thưa anh Hai An Phú,

Anh cắt nghĩa “cẩm tự” vậy là quá rõ rồi. Chữ dệt trên gấm. Theo Nguyễn Văn Kiềm hàng cẩm tự có nhiều loại như hàng lụa dệt ra loại trơn gọi là cẩm tự trơn, loại có bông thì gồm cẩm tự bông cúc, cẩm tự mặt võng, cẩm tự mặt đệm lớn, cẩm tự mặt đệm nhỏ v.v…(9) Nhà bà ngoại sắp nhỏ con tôi ở ngay xã Tân An (Tân Châu) xứ của những hãng dệt hàng lãnh cẩm tự, sau vườn có trồng nhiều cây mặc nưa hằng năm bán cho các lò nhuộm lãnh. Loại trái này nhuộm lãnh cẩm tự không bay màu nhe anh Hai, càng mặc cũ hàng càng bóng, vải mịn và mềm mại lắm.

Còn nhắc các ông Đạo thì vùng mình hồi thời anh và tôi, ôi thôi nhiều ông Đạo nổi lên như vậy, theo tôi là do dân quê mình dễ tin người, dễ sùng bái, dễ mê tín nên cứ nghe có ai xưng mình là ông Đạo thì hổng cần biết thiệt giả gì, rồi cứ rủ nhau đến chiêm bái và nhờ vậy mà có một thời nhiều ông đạo nổi tiếng như cồn. Còn đời xưa, thời Phật Thầy Tây An, theo sách vở (10) và nghe ông bà xưa kể lại là có những người tài theo Phật Thầy cứu người, cứu đời như :

1/ Đức Cố Quản Trần Văn Thành quê ở Cồn Nhỏ, làng Bình Thạnh Đông, tổng An Lương, tỉnh Châu Đốc.

2/ Ông Tăng Chủ, họ Bùi nhưng tên thiệt của ông thì hổng ai biết tên gì, trên bia mộ của ông ở Nhà Bàng (Tịnh Biên) chỉ ghi “Tăng Chủ Bùi Thiền Sư” mà thôi.

3/ Ông Đình Tây tên Bùi văn Tây, quê quán ở đâu không rõ, có người nói ông ở Năng Gù, có người nói ông ở Nhơn Hòa, cả hai nơi này đều thuộc tỉnh Châu Đốc.

4/ Ông Đạo Xuyến quê ở Ba Giác (Bến Tre), ông lập chùa Châu Long Thới và khai phá đất Cái Dầu.

5/ Ông Đạo Lập, tên thật Phạm Thái Chung, người làng Đa Phước, Cồn Tiên, thuộc An Phú của anh, ông lập chùa Bồng Lai ở Bài Bài thuộc xã Nhơn Hưng, quận Tịnh Biên, tỉnh Châu Đốc.

6/  Ông Đạo Ngoạn nguyên danh là Đặng Văn Ngoạn, sanh quán làng Nhị Mỹ, tổng Phong Thạnh, quận Cao Lãnh, trong lòng sông Cần Lố, thuộc rạch Trà Bồng (Đồng Tháp Mười).

7/ Ông Đạo Lãnh, còn gọi ông Hai Lãnh, ông còn một tên nữa là Cậu Hai Gò Sặt. Ông tinh thông nho học, võ nghệ cao, có thuật gồng và thông tường các loại bùa thư.

8/ Ông Đạo Sĩ, người làng Trà Kiết (An Giang), từ Mặc Cần Dưng đi vô tới chợ Cần Đăng, đi vô nữa là tới Trà Kiết, ông đến Xẻo Môn thọ phái Bửu Sơn Kỳ Hương, về sau ông lập cốc ở Trà Kiết trị bệnh cho bá tánh.

9/ Ông Đạo Thắng tên thật Nguyễn Văn Thắng, là người gần gũi với Phật Thầy Tây An.

10/ Ông Đạo Chợ, quê ở Chưn Đùn, Cá Hố (gần Vàm Ông Chưởng), ông trị bịnh rất linh nghiệm.

11/ Ông Đạo Đọt giữ việc hương khói nơi trại ruộng Thới Sơn của Phật Thầy, có tài trị hết bịnh nhiều người.

Ngoài ra, còn có các vị giáo chủ hoằng pháp sau Phật Thầy như ông Đạo Đèn, quê ở sốc Lương Phi, núi Tà Lơn, Tịnh Biên, Châu Đốc; Đức Bổn Sư, ngài chính danh là Ngô Lợi, quê quán Dội, gần Mộc Bài, thuộc vùng giáp giới Miên-Việt, tỉnh Châu Đốc; ông Sư Vãi Bán Khoai không rõ quê quán nhưng thường đến xã Vĩnh Gia thuộc kinh Vĩnh Tế (Châu Đốc) trị bịnh cứu nhơn độ thế; ông Cử Đa, quê ngoài Phù Cát (Qui Nhơn), lúc mới tới vùng Bảy Núi, nhiều người nghe tiếng nói của ông phát ra có giọng miền Trung, nên dân địa phương cũng gọi ông là Ông Thầy Huế. Giờ xin trở lại cuốn Nội Ngoại Đều Thương của anh Hai, ở lời mở đầu anh Hai có viết: “Tôi không phải là nhà văn. Từ nhỏ đã thích đọc văn của người khác viết, nhưng bản thân mình chưa viết được một bài văn nào. Về già rảnh rỗi viết để giải khuây, nhớ gì viết nấy. Bè bạn có dịp đọc được, khuyến khích viết thêm, nên tiếp tục viết rồi in thành quyển sách nhỏ này để làm kỷ niệm.”

Và rồi tôi đọc lời nhận xét của nhà văn Vũ Thất qua bài “Đọc Nội Ngoại Đều Thương của Khiêm Cung” trên trang nhà Thất Sơn Châu Đốc, tác giả viết:

pic

Khiêm Cung Dương Văn Chung và phu nhân

“Bằng vào lời phi lộ “Về già rảnh rỗi viết để giải khuây, nhớ gì viết nấy”, thì hẳn ông bắt đầu viết vào lứa tuổi tri thiên mệnh. Thế nhưng những gì ông nhớ và viết ra thì thật đáng kinh ngạc so với số tuổi của ông.” 

Tiếp theo, tác giả Vũ Thất nhận định về cách viết của Khiêm Cung:

“Lối kể chuyện của ông là lối kể chuyện trinh thám, khiến tôi gần đứng tim và luôn mong mỏi cả gia đình ông được thoát đi suôn sẻ .Nhưng hãy nghe ông tỏ lời kết thúc chuyến vượt biên: “Trái đất tròn, nước Việt Nam mình cũng tròn, gia đình tôi đi vòng vòng rồi trở về chỗ cũ”. Ông thất bại chua cay, mất bao nhiêu tiền của mà vẫn giữ nụ cười hóm hỉnh…”

Để rồi từ đó, nhà văn Vũ Thất đưa ra nhận xét về cách chọn lọc, sắp xếp các truyện trong Nội Ngoại Đều Thương như sau:

“Có lẽ chính nhờ tinh thần hài hước đó mà Khiêm Cung đã tuyển chọn bài và cố tình sắp xếp theo thứ tự thời gian đột biến: từ một quá khứ ấu thơ rồi bất ngờ kể chuyện tuổi già, từ tuổi già bỗng quay lại thuở học trò, từ thuở học trò chợt nhảy sang thời mất nước. Thời gian đột biến kéo theo không gian đột biến. Từ quê nội sang quê ngoại. Từ quê nhà chuyển sang quê người. Đề tài cũng biến đổi liên tục. Từ gia đình đến hàng xóm. Từ thầy cô đến bạn bè. Từ tập tục lễ nghĩa đến chuyện cũ tích xưa. Từ ngôn ngữ bất đồng đến con người bất bình đẳng. Hiện tại – quá khứ xem ra không dính gì nhau mà lại đan nhau một cách khéo léo, tự nhiên và lôi cuốn.”

pic

Gia đinh ông Khiêm Cung (Dương Văn Chung) (1973)

Sau cùng, tác giả kết luận:

“Với một trí nhớ lạ thường, một tri thức quảng bác, với lời văn bình dị sáng sủa đôi khi điểm chút khôi hài ý nhị, tôi không tin tập truyện Nội Ngoại Đều Thương được hình thành như ông bày tỏ: “Về già rảnh rỗi viết để giải khuây”. Ông nói gì thì nói, tự tập truyện của ông đã hàm chứa đầy đủ các lời nhắn nhủ về đạo làm người Việt Nam, rất cần cho con cháu ông, cho con cháu tôi và cho tuổi trẻ hải ngoại.”(11)

Là tác giả của tập truyện Nội Ngoại Đều Thương ấy, anh có cảm tưởng ra sao qua những lời nhận định vừa rồi của nhà văn Vũ Thất, anh Hai ?

HAP:

Thưa anh Hai Kinh Xáng Bốn Tổng,

Anh Hai nhắc tozi nhớ đặc điểm của hàng cẩm tự là mặc càng cũ càng bóng, mịn và mềm. Nguồn tài liệu tham khảo của anh Hai quả thật  dồi dào và vô giá, chắc anh đã khổ công góp nhặt và lưu giữ rất nhiều năm mới có được như vậy.

Thưa anh Hai,

Sau khi cuốn truyện Nội Ngoại Đều Thương ra mắt, có nhiều độc giả thương mến coi tôi như là một nhà văn, tôi trân trọng cảm ơn chân tình đó. Nhưng bản thân tôi cho tới ngày hôm nay vẫn nhận thấy rằng mình chưa phải là một nhà văn. Tôi nhớ quê nội, làng Bắc Nam, ngay từ lúc tôi ra tỉnh lỵ Châu Đốc học, vì bận lo học hành, không thường xuyên về thăm nhà, thăm quê. Sau đó, gia đình rời Bắc Nam đi tản cư về quê ngoại ở An Phú – Châu Đốc, biết chắc là không bao giờ có dịp trở về làng cũ nữa, tôi càng nhớ Bắc Nam nhiều hơn. Còn đối với làng Vĩnh Lộc và cả khu vực quận An Phú còn phảng phất nụ cười, tiếng nói và cử chỉ trìu mến của Bà Ngoại, của cậu mợ, các anh chị cô cậu của tôi và bà con, láng giềng của Bà Ngoại tôi tạo thành những kỷ niệm đẹp mà tôi không bao giờ quên được. Sống ly hương, chung quanh mình hầu hết là những người khác chủng tộc, màu da, những kỷ niệm êm đềm, đẹp đẽ nơi quê nội, quê ngoại hiện về, tôi vội ghi ra những kỷ niệm đó thành cuốn truyện ngắn. Nội Ngoại Đều Thương là một lối thoát cho những tình cảm sâu đậm, những luyến nhớ không nguôi còn ẩn ức trong lòng. Những tình cảm, những luyến nhớ đó có thể trở thành hương vị của món ăn tinh thần. Món ăn có ngon là nhờ hương vị ngon chớ không phải là do đầu bếp giỏi. Nội Ngoại Đều Thương là truyện kể, còn rất nhiều khuyết điểm, tôi tự thấy chưa phải là một nhà văn. Dầu sao, độc giả không quá hững hờ với cuốn truyện là một khích lệ lớn lao đối với người viết.

Tôi đã ứa nước mắt vì cảm động khi đọc hai bài nhận xét về cuốn truyện Nội Ngoại Đều Thương, một bài của nhà văn Lương Thư Trung (Hai Trầu hay Anh Hai Kinh Xáng Bốn Tổng) đăng nơi phần sau cuốn truyện và trên trang nhà Thất Sơn Châu Đốc, đã soi thấu tâm can của tác giả; một bài khác của nhà văn Vũ Thất viết sau khi cuốn truyện phát hành, đã đăng trên trang nhà Thất Sơn Châu Đốc, nhiều tờ báo điện tử ở Hoa Kỳ, tờ Văn Nghệ Tuần Báo, Bán Tuần Báo Việt Luận ở Úc Châu, bài viết rất vắn gọn, nhưng rất đầy đủ ý nghĩa, giới thiệu những điểm nổi bật của cuốn truyện, nhờ vậy mà có thêm nhiều độc giả tìm đọc Nội Ngoại Đều Thương. Tôi xin chân thành cảm ơn hai tác giả đã nhiệt tình giới thiệu cuốn truyện với đồng hương khắp nơi.

Nhân tiện, tôi xin báo một tin vui nho nhỏ: Cuốn truyện ngắn Nội Ngoại Đều Thương được Austlit ghi nhận vào thư mục của tổ chức. Austlit là một hệ thống thư viện do 12 trường đại học tại Úc và Thư Viện Quốc Gia Canberra phối hợp thành lập. Austlit có chuyên viên từng sắc tộc phụ trách đọc và tuyển chọn để ghi nhận vào thư mục những tác phẩm của người Úc (bất kỳ nguồn gốc nào), sáng tác và phát hành tại Úc. Đọc Nội Ngoại Đều Thương, Austlit thấy có những bài dính dáng đến Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa, họ hỏi thăm tôi về anh Nghĩa, tôi đã gởi cho tổ chức đó mượn cuốn Con Đường Cũ và sẽ gởi cho họ tiểu sử của anh Nghĩa. Hy vọng sách của anh Nghĩa cũng sẽ được ghi nhận vào thư mục Austlit.

Kính thăm anh chị Hai và các cháu.
Thân kính,
Chung An Phú

HT:

Thưa anh Hai An Phú,

Nhơn anh có nhắc nhà văn Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa, cũng như trong lời giới thiệu khi vào cuộc trò chuyện này tôi có nhắc tác giả “Con Đường Cũ”: “Viết về vùng Xà Tón (Tri Tôn) chắc chắn không ai qua nổi nhà văn Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa”. Mới đây tôi có đọc được “Những bức thư đầm ấm”(12), là những lá thư thăm hỏi và trao đổi giữa nhà văn Nguyễn Hiến Lê và thi sĩ Quách Tấn (từ 1966 đến 1984), nhơn bàn về viết địa phương chí, lá thư ghi Nha Trang ngày 27-4-1980, Quách Tấn viết: “Viết địa phương chí cũng như viết truyện ký, phải viết bằng “cây bút trí” chấm vào “bình mực lòng” thì mới làm cho cảnh sống người sống. Bằng viết bằng cây bút của người vẽ địa đồ, của người chép lý lịch, dù đúng từng ly từng tí, cũng không phải là một mỹ nghệ phẩm. Phải chăng anh? Theo tôi, phải yêu người yêu cảnh, viết mới hay nổi. Dường như anh đã đồng ý rồi.” (13)  Trong lá thư hồi âm ghi Sài Gòn ngày 10-6-80, Nguyễn Hiến Lê viết: “Viết địa phương chí, đúng như anh nói, phải có lòng (tôi bảo là có tâm hồn) lại phải có cặp mắt nữa. Phạm Trung Việt thiếu cả hai cái đó. Hai tập Nước Non Bình Định và Xứ Trầm Hương của anh, theo tôi, khó có ai viết hơn.”(14)

pic

Nhà văn Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa

Tứ đó, tôi mới nghiệm ra Khiêm Cung Dương Văn Chung và Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa là những tác giả đã có đủ hai yếu tố ấy qua những trang sách viết về bức tranh quê làng Bắc Nam (An Phú) cũng như Xà Tón (Tri Tôn) thuộc địa giới tỉnh Châu Đốc vậy.
Xin chân thành cảm ơn anh Hai đã bỏ thì giờ chia sẻ nhiều chi tiết về một khoảng thời gian dài sáu bảy chục năm với những mùa cá tôm đầy trong sông nước vùng Bắc Nam (An Phú); đồng thời qua cuộc trò chuyện này, anh  cũng phác hoạ lại những nét chính về các sinh hoạt xã hội thời tao loạn lúc bấy giờ giúp cho tôi và các bạn trẻ có dịp hiểu thêm về một vùng đất xa xôi mãi tận nơi miền biên giới Việt-Miên một thời qua các mùa màng cùng những lễ tục nơi những làng quê xa xôi hẻo lánh ấy, thật là thú vị và bổ ích.

Kính chúc anh Hai luôn luôn dồi dào sức khỏe và hy vọng anh sẽ tiếp tục chia sẻ cùng bạn đọc nhiều mẩu chuyện lý thú nơi làng quê của anh ngày xưa trong các bài viết mới sau này. Không quên kính lời thăm chị Hai và kính chúc chị Hai cùng các cháu mạnh khoẻ.

Trân trọng kính chào anh Hai,
Hai Trầu

LTT

Cước chú:
5/ Nửa Tháng Trong Miền Thất Sơn của Nguyễn Văn Hầu, 1970, Xuân Thu (Hoa Kỳ) tái bản (không ghi năm), trang 66.
6/ Thất Sơn Mầu Nhiệm của Nguyễn Văn Hầu, do Từ Tâm xuất bản năm 1955; Xuân Thu (Hoa Kỳ) tái bản (không ghi năm), trang 67.
7/ Dạo Chơi Tuổi Già của Sơn Nam, nhà xuất bản Trẻ, năm 2002, trang 166.
8/ Vải quần cẩm tự, NNĐT sđd, trang 195
9/ Tân Châu Xưa, sđd, trang 61.
10/ Thất Sơn Mầu Nhiệm, sđd, trang 113. Tìm hiểu An Giang Xưa của Võ Thành Phương, Văn Nghệ An Giang xuất bản, năm 2004.
11/ “Đọc Nội Ngoại Đều Thương của Khiêm Cung Dương Văn Chung” của Vũ Thất, đăng trên Thất Sơn Châu Đốc ngày 27-5-2009.
12/ Những Lá Thư Đầm Ấm của Quách Tấn và Nguyễn Hiến Lê, do Quách Giao sưu tầm, nhà xuất bản Tổng hợp tp HCM, năm 2010.
13/ Những Lá Thư Đầm Ấm, sđd, trang 275.
14/ Những Lá Thư Đầm Ấm, sđd, trang 283.