Lời giới thiệu: Anh Hai An Phú tên thật là Dương Văn Chung, bút hiệu Khiêm Cung, tuổi Ất Hợi, sanh quán tại làng Bắc Nam, quận An Phú, tỉnh Châu Đốc, hiện định cư tại Sydney, Úc Đại Lợi, tác giả tập truyện Nội Ngoại Đều Thương do nhà xuất bản Quán Âm Sơn (Tân Tây Lan) ấn hành năm 2009. Viết về vùng quê Thất Sơn Mầu Nhiệm ngày xưa, không ai qua nổi học giả Nguyễn Văn Hầu; viết về vùng Tân Châu ngày trước, không ai qua nổi bậc tiền bối Nguyễn Văn Kiềm; còn viết về vùng Xà Tón (Tri Tôn) chắc chắn không ai qua nổi nhà văn Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa; nhưng viết về vùng Bắc Nam, Vĩnh Trường, Đồng Cô Ky, Đồng Đức Thượng với những mùa cá tôm chim chóc lúa thóc chín vàng đồng tôi tin không ai qua nổi nhà văn Khiêm Cung Dương Văn Chung.
Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn những mẩu trò chuyện cùng tác giả “Nội Ngoại Đều Thương” dưới đây qua những mùa màng vùng sông nước Bắc Nam thuộc quận An Phú, tỉnh Châu Đốc cách nay có gần bảy tám chục năm xa xưa ấy và hy vọng chia sẻ cùng các bạn một chút tình quê qua những câu chuyện kể của người già còn nặng lòng với chốn cũ một thời…
Trân trọng
Hai Trầu
Kinh xáng Bốn Tổng ngày 06-06-2011
Thất sơn Châu Đốc
HAP:
Thưa anh Hai Kinh Xáng Bốn Tổng,
Vụ “Đạo đâm đạo lụi”, anh em mình chỉ nghe tin đồn thôi, nhưng phong trào đó quá sôi động, ai cũng kinh hoàng. Không rõ ai gây ra phong trào, nhưng chắc chắn không phải do một cá nhân mà có cả một tổ chức mới làm nổi việc đó; nhưng tôi nghĩ có lẽ người ta muốn đánh lạc hướng dân chúng miền Tây, muốn mọi người suốt ngày chỉ chú tâm đến vụ đạo đâm đạo lụi, không bàn tán việc gì khác. Tôi không nhớ rõ phong trào đạo đâm đạo lụi xảy ra năm nào ở thập niên 50 (nếu anh Hai nhớ, xin nói cho biết.”
HT:
Thưa anh Hai An Phú,
Về các ông “Đạo” nơi các làng quê miền Tây Nam phần của mình, hồi nhỏ tôi nghe kể nhiều lắm. Theo cuốn “Tân Châu Xưa” của Nguyễn Văn Kiềm (5) có kể ông Đạo Tưởng, ông Đạo Gò Mối; riêng ông Đạo Tưởng ở Tân Châu năm 1939 dấy loạn; rồi trong cuốn “Nửa Tháng Trong Miền Thất Sơn” của Nguyễn Văn Hầu cũng có nhắc ông Đạo Tưởng này, sách viết: “Tên phù thủy ấy là “đứa ở” của nhà văn Nguyễn Chánh Sắt, tên là Ba Quốc, bỏ việc của chủ ngang xương để đi “làm trời”. Mới đầu cất am ngồi mơ tưởng đâu đâu, nên có tên là Đạo Tưởng. Y tuyên bố rằng có đạo thuật làm súng câm họng và chính y sau nầy sẽ là Minh Hoàng. Vậy mà cũng có người tin được. Họ góp tiền dựng chùa, cung phụng y phục y như ông vua thật. Em của ông được tôn xưng là ngự đệ, những người thân tín của y thì được đặt chức nguơn soái, tiên phuông như một triều đình thật.”(6)
Những Ông Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa thời nay
Ngoài ra, trong cuốn “Dạo chơi tuổi già”, nhà văn Sơn Nam, có kể: “Nhớ hồi còn bé, khoảng năm 1934 về sau, phía Bảy Núi và các hải đảo thỉnh thoảng lại xuất hiện vài “ông đạo” mà sau nầy người đời còn nhớ, thí dụ như Đạo Nổi, Đạo Đất, Đạo Lửa những kiểu tu hành cá thể, mỗi người một giáo lý với nghi thức hành hạ thân xác riêng. Những đạo sĩ quái dị ấy lần hồi mất uy tín, chẳng còn ai ái mộ, trong số đồng bào nơi xa xôi, kém giao lưu, thiếu sách báo, phương tiện truyền thông vẫn là “tin đồn”.(7)
Thưa anh Hai, sách vở thì vậy, nhưng hồi nhỏ lúc tôi còn ở trên Mặc Cần Dưng, làng Bình Hòa cũng có nhiều ông đạo như ông Đạo Rỡ là con của cậu Mười Chót, bà con bên ngoại tôi. Từ hồi nhỏ tới lớn ông Đạo Rỡ này chuyên làm ruộng nhưng bỗng một hôm ma nhập ông lên bà xuống và rồi ông tướng ứng xưng là Đạo Rỡ, trị bá bịnh. Thường ông hay bận bộ áo quần bà ba trắng, trông rất thư sinh bạch diện, ốm cao lêu nghêu. Bà con xóm nhà Lầu, cạnh bên nhà cậu mười Chót hổng ai tin tài trị bịnh xưng Ông Đạo của ông nhưng khách thập phương tin nườm nượp, họ chèo ghe bơi xuồng tới đậu đặc bến nhà cậu Mười chờ ông đạo chữa bịnh. Người ta mang lại gà vịt, nhang đèn cúng vái rợp trời có tới hằng trăm người mỗi ngày. Sau nầy tôi hổng nhớ ông Đạo Rỡ nầy giải nghệ lúc nào nhưng chắc chắn một điều là dân quê khắp nơi các làng quê tin tưởng ông đạo nầy là do mê tín dị đoan thôi anh Hai.
Lúc bấy giờ, ở khắp nơi, nhứt là bên miệt Vàm Nao, Nàng Mau, Cái Xoài, Long Kiến về phía Cù Lao Ông Chưởng dân chúng đồn nhiều ông đạo linh ứng như ông Đạo Nằm, ông Đạo Tiêm, ông Đạo Nước Lạnh chuyên trị bá bịnh. Còn thầy pháp trị ma cũng nhiều vô số kể. Dường như làng nào cũng có thầy pháp dùng bùa trị ma. Chẳng hạn khúc trên mương ông Nhà Lầu một đỗi, gần chùa Tây An của ông Đạo Cậy, có thầy Tám Sửu trị ma bằng cách bắt ma bỏ vô hũ; xéo xéo bên sông rạch Mặc Cần Dưng, gần nhà cậu Ba Huề, cũng có thầy pháp trị bịnh ma mà tôi quên tên rồi. Miệt Tân Bình (Lấp Vò) có nhiều thầy pháp trị ma giống trên làng Bình Hòa (Mặc Cần Dưng), như thầy Bảy Huê. Chiều nào, cứ gần chạng vạng là nghe trống thầy pháp đánh nghe lung tung, lung tung là sắp nhỏ tụi tôi hổng dám ra sau vườn đi tiểu vì sợ ma. Hổng biết sao thời ấy ma quỷ lộng hành quá mạng vậy và có thiệt là có ma quỷ hông anh Hai? Còn “đạo đâm đạo lụi”, thiệt tình là tôi hổng biết ai bày ra như vậy và bày ra lúc nào; nhưng phải công nhận những năm 1954-1956 là thời kỳ đạo này nổi lên rầm rộ hết biết nhe anh Hai.
Giờ xin hỏi anh Hai thêm là trong Nội Ngoại Đều Thương, anh Hai có nhắc chuyện má anh thích hàng vải cẩm tự may cái quần để mặc đi đám tiệc nhưng vì nhà nghèo nên bác không mua nổi cái quần loại vải nầy, câu kết anh viết rất cảm động : “Quần mẹ rách vá nhiều chỗ. Gặp người bán hàng vải dạo, mẹ ngắm tới ngắm lui hàng cẩm tự, mẹ thích lắm. Nhưng rồi nhìn lại đám con nheo nhóc, mẹ không lựa mua cẩm tự nữa. Mẹ tiếp tục mặc cái quần cũ. Bây giờ rất nhiều hàng vải đẹp, phẩm chất không thua hàng cẩm tự, các con có tiền để mua sắm cho mẹ. Nhưng mẹ không còn. Nhớ thương mẹ quá, mẹ ơi!” (8)
Đọc mấy dòng kết của anh làm tôi cũng nhớ má tôi nghèo như vậy, muốn khóc. Thưa anh Hai, sao ngày xưa người ta gọi các loại hàng lãnh Tân Châu là Cẩm Tự vậy anh Hai ? Xin anh cắt nghĩa giùm cho em út hiểu thêm nhe anh Hai.
HAP:
Kính anh Hai Kinh Xáng Bốn Tổng,
Nhân khi bàn về đạo đâm đạo lụi, anh Hai kể quá nhiều thứ đạo, nghe đã luôn đó anh Hai. Anh Hai nói 1954-1956 phong trào đạo đâm đạo lụi nổi lên rần rộ, như vậy phong trào nầy đã lan ra khắp nơi miền Tây vào dạo ấy rồi. Tôi đi Sài Gòn học từ năm 1955, bãi trường về Châu Đốc thăm nhà, thường đi xe chiều, khuya mới về đến Châu Đốc, kêu người chị bà con bạn dì mở cửa, chị vừa mở cửa vừa giơ cao cây gài cửa lên thủ, còn tôi cũng đưa cái cặp học trò lên chuẩn bị đỡ nếu bà chị sợ quá rồi đập ẩu… Như vậy sau 1955 phong trào nầy vẫn còn sôi động ở Châu Đốc.
Nói về Ông Đạo Nổi, hồi nhỏ tôi có gặp ông ấy đi ngang nhà tôi ở Bắc Nam nhiều lần, người mập mạp, vui tánh, nhưng nói chuyện “lừng khừng”, luôn dẫn theo một nữ “thị giả” cũng có vẻ “lừng khừng”, nhưng không bao giờ nói chuyện. Ông già tôi cắc cớ lắm, lúc ông đạo đang ngồi nổi trên dòng sông Bắc Nam, hai tay vỗ nước kêu bùm bum, ông già lặn dưới nước, quờ quạng coi ông đạo có độn cái gì phía dưới hay không mà ngồi vững như vậy. Ông già tôi xác nhận là không thấy có độn. Có thể ông đạo nổi có luyện khí công.
Còn tên hàng “cẩm tự”, tôi nhớ trên mặt hàng có dệt những chữ vuông cạnh, rõ nét. Theo Từ điển Hán Việt, “cẩm” là gấm vóc, “tự” là chữ, tôi nghĩ “hàng cẩm tự” là một loại gấm vóc có dệt chữ lên trên mặt. Anh Hai là nhà thâm nho, nếu thấy tôi giải thích không đúng, xin anh chỉnh giùm. Cảm ơn anh Hai nhiều.
HT
(Còn tiếp)