Lạ kỳ thay! Những bông tuyết không bao giờ giống nhau, khi chúng theo nhau xuống đời từ trời Đông giá. Những bông tuyết đi ngang qua thành phố ngày cuối năm như những nốt nhạc trầm trên phím dương cầm. Bên lò sưởi tí tách tiếng hạt dẻ nướng cựa mình. Sóng sánh giọt rượu vang chơi vơi trên môi và câu chuyện kể về một mùa giáng sinh năm nào xa lơ xa lắc…

Những bông tuyết rơi ngập trên phố đêm Đan Mạch, có cô bé bán diêm của Hans Christian Andersen năm xưa sao buồn quá! Khi đôi chân non vấp té trên hè phố, chiếc dép quá rộng của Bà để lại cho bé bị bánh xe ngựa giàu sang cuốn đi. Chiếc còn lại cũng bị đứa trẻ bụi đời khác đoạt lấy (tưởng rằng sẽ dùng nó làm chiếc nôi cho con nó sau này.) Bất hạnh dường như đổ ập trên đôi vai gầy và gót chân trần, lạnh cóng giữa cái rét băng giá. Bé đứng trân nhìn những ánh sáng muôn sắc bên khung cửa, trên bàn tiệc cuối năm rộn ràng tiếng cười đùa và mùi thịt ngỗng thơm nức. Ước mơ thường bừng cháy khi đời sống thiếu hụt. Và ước mơ càng dữ dội khi thực tại quá đắng cay.
Những que diêm ế ẩm cũng lặng lẽ theo bé khép mình trong góc phố. Cố thu nhỏ lại thân gầy mong manh để tối thiểu những lạnh căm. Và ở góc tường kín gió che khuất đó, bé đốt diêm để sưởi ấm thân mình. Hay bé muốn tìm trong ánh sáng loé lên của que diêm những ước mơ ấm no đời thường, một gia đình hạnh phúc…Bừng sáng lâu dài nhất trong lần đốt que diêm cuối cùng là thấy vòng tay, nụ hôn của Bà. (Của những tình yêu thương không vụ lợi, vô bờ bến mà ơn trên cao vời dành cho?).
Tôi thầm trách lẫn cám ơn Hans Christian Andersen. Trách sao bé không nhận được một chút lòng từ tâm trong những ngày hội hè cuối năm, để có một kết thúc bi thương? Và cám ơn đã cho bé ra đi thanh thản với nụ cười trên môi khi xác thân đóng băng. Chắc bé đã mãn nguyện khi đạt được điều mơ ước. Khi những que diêm đã bán cho đời hết rồi. Khi bé đã ấm áp ở nơi nào đó trên thiên đường. Giã từ những lo âu, rét mướt và không còn cần thiết những ước mơ nhỏ nhoi.
…
Và một nơi nào đó cũng vào cuối năm. Không có tuyết rơi trên miền quê ấy, nhưng cái rét cuối năm cũng tàn nhẫn giá băng trên những phận nghèo bất hạnh. Nơi ấy trên phố khuya có em bé bỏ sách vở và những ước mơ xanh trường lớp, khản giọng rao đêm những tấm vé số. Có người phụ nữ gầy cắp nách thúng bánh mì ổ, ủ kín trong những bao vải bố chừng như ấm hơn nhiều so với cuộc đời bà. Những góc phố cuối năm nơi đó có hạt mưa đông xô nghiêng qua ánh đèn vàng, hắt hiu dáng người trung niên, âm thầm bên chiếc tủ bơm bật lửa quẹt gaz. Lây lất tháng ngày còn lại sau nhiều năm mãn hạn tù không án. Đầu con hẻm cuối năm có người thương binh trẻ ngồi lặng lẽ như bóng đêm với chiếc bơm lốp xe. Chờ vá víu hay bơm một tí hơi từ những bất trắc gai đinh của đường phố làm hụt hẫng những chuyến đi về khuya. Cạnh đó dưới tán cây me nhiều năm, có người con gái ăn sương, diêm dúa phấn son đứng chờ đợi một đổi chác dục vọng, chở đi về một căn phòng ấm êm hoan lạc. Vang vang tiếng xập xẻng từ những nắp chai beer của chàng sinh viên trẻ, trên chiếc xe đạp đi tẩm quất dạo từ một hẻm vắng. Nơi cuối ngõ có nhà điêu khắc gia nặn bóp những thớ đất sét, làm bếp lò đem ra chợ bán. Hồn ngâm nga “Anh vắt đất cho bao nhà ấm lửa. Bếp nhà anh bữa có, bữa không”. Những cơn mưa bụi bay ngang cổng thành xưa, gò ép lên đôi vai khô của người giáo sư già, cố còm lưng trên chiếc xe đạp thồ qua cơn dốc ngắn. Bỏ lại những con chữ nằm yên trên giáo án và trang sách cổ.
Những phận nghèo bất hạnh cứ đi về phía trước như những ngày cuối Tháng Chạp. Chầm chậm – lẻ loi – đơn điệu, như những tiếng rao đêm lạc lõng trên phố đêm ngập ngụa ánh đèn phù phiếm và thừa mứa những nghịch lý bất công. Họ đi về phía trước mà lòng như ngoái lại về sau, ước chừng như mình có thể xoá đi quá khứ muộn phiền bằng tấm lòng vị tha, xua tan những nhọc nhằn hiện tại bằng nghị lực không mệt mỏi. Như xóa đi những bất công trên tấm bảng đen của đời đầy bụi bặm bằng tấm khăn bao dung. Rằng họ tự an ủi mình bởi số phận không may và những bất toàn trong đời khốn khó.
…
Rồi em bé bán vé số mơ một đêm ngủ dậy thấy mình cầm trong tay chiếc vé độc đắc không bán hết chiều qua. Người phụ nữ bán bánh mì ổ mơ thấy mình đứng sau quầy bánh Bakery, tay đếm những đồng tiền xanh, đông khách đứng chờ. Người trung niên mơ thấy mình cũng đi (như cột đèn đường) về một miền tự do, tha hồ bật quẹt gaz lên những cây nến chúc mừng sinh nhật phước lành. Người sinh viên trẻ mơ thấy mình trở thành bác sĩ y khoa bên những trang thiết bị tối tân và lòng không còn e sợ phải bị cúp điện khi đang mổ nửa chừng cho bệnh nhân. Cô gái phấn son ngày ấy mơ gặp được chàng đại gia luống tuổi để thấy mình được đăng trên trang báo đẹp, với mỹ hiệu chân dài. Người phế binh thôi còn ngồi yên lặng lẽ, thấy mình chạy trên vòng đua của thế vận hội bằng đôi chân giả nhẹ nhàng với niềm vinh quang thắng cuộc. Những bức tượng khỏa thân, ca ngợi nét đẹp con gái của nhà điêu khắc được dựng dọc công viên xanh lá ven sông, đẹp như một khu vườn thần thoại. Và người giáo sư già mơ thấy mình thanh thản một chiều cuối năm, ngồi bên tách trà ấm, trước chậu bonsai và trang sách dịch dở dang… Chiếc gọng kính dừng lại trên dòng chữ: “Hãy cứu lấy niềm tin, còn giấc mộng thì tự chúng sẽ hồi sinh.”*
Tất cả dường như chỉ là những câu chuyện cổ tích dành cho người lớn, mà kết thúc sẽ không thương tâm như chuyện cô bé bán diêm. Bởi trẻ em không thích kết chuyện buồn. Bởi chỉ có người lớn mới biết thứ tha và người lớn mới làm chuyện bất công. Tôi chợt muốn thấy mình như trẻ thơ tràn đầy niềm tin. Ước mơ thật nhiều rằng những bông tuyết sẽ giống nhau khi rơi xuống đời. Những bông tuyết trắng lấp lánh niềm tin và nụ cười trẻ thơ. Nhìn vào ngày mai tươi đẹp như những ngày đầu năm- tràn nắng ấm hạnh phúc với lời chúc Merry Christmas and Happy New Year.
* A Time To Love And A Time To Die (Erich Maria Remarque)