Menu Close

Những ý nghĩ rời về Giáng sinh và Tận thế và nồi cá nục của tôi

Nồi cá nục

Tôi vừa được tặng một trách cá nục kho ngon tuyệt. Cô gái, người nấu tặng tôi, nói rằng: “Lỡ ngày mai có tận thế thì anh cũng có cái mà ăn, tất nhiên là bữa cơm cuối cùng, chứ không phải làm con ma đói. Nếu thấy cá kho ngon thì xuống địa ngục hay lên thiên đàng cũng đừng quên em nhé!”. Trời, làm sao mà quên cô được; hay nói cách khác là “ngu sao mà quên!”, ít ra thì cũng nên cho tôi sống cho qua mùa Giáng sinh này đã chứ, cô hai.

Cô rủ tôi đi xưng tội. Chuyện này thiệt kẹt, vì tôi cố mãi vẫn không nhớ ra mình đã phạm những tội gì trọng đại đáng gọi là tội. Mình không giết người, không cướp của, không tham nhũng… (thỉnh thoảng có hối lộ, nhưng chỉ chút chút cho mấy ông công an khi lái xe gắn máy mà không có bằng lái, bị thổi còi, hay khi khai báo tạm trú, nhưng những vụ này không đáng kể, chắc Chúa đã xí xoá rồi), vậy thì phải xưng làm sao cơ chứ? Làm công dân ở nước Việt thời này khác chi con cá nục đã kho rục trong nồi, quý vị nhân dân nào không biết hối lộ thì đúng là quý vị cá ươn, vì không ăn muối. Còn vụ tôi âm mưu hôn cô thì đâu phải là tội, phải không nào! Thôi kệ, cứ đi theo cô đã, rồi tính sau. Chúng tôi quyết định đi về hướng nhà thờ Bình An.

Phố hang đá

Con đường Phạm Thế Hiển ở quận 8, Sài Gòn, lâu nay được người dân gọi là “con đường hang đá” hay còn gọi là “phố hang đá”. Địa danh Bình An hôm nay là tên gọi của dải đất Bình Xuyên cũ, chạy dài từ cầu Chữ Y xuống tới Bến Đá, giáp ranh huyện Bình Chánh. Dọc con đường Phạm Thế Hiển có 5 giáo xứ: Bình An, Bình Thuận, Bình Thái, Bình Sơn, Bình An Thượng. Con đường này được các cô cậu thanh niên lũ lượt đưa nhau đi chơi, xem cảnh, trong mùa Noel. Năm nào cũng vậy, từ khoảng 1 tuần trước ngày lễ, các hang đá được giáo dân dựng lên lộng lẫy suốt dãy phố. Chỉ trừ những năm mùa Noel lọt vào thời điểm triều cường lên cao, khiến giáo dân lo ngại vì sợ có thể bị gây tai nạn do điện giật nên họ không làm hang đá. Đêm nay đoạn đường đông nghịt, cứ cách đoạn lại có một hang đá giăng đèn rực rỡ.

Chúng tôi cố len vào trong sân nhà thờ. Giờ này đã trễ, không còn Cha ngồi toà giải tội. Một nhóm thanh thiếu niên khá đông đang tập dựng hoạt cảnh Chúa Hài Đồng ra đời. Họ đồng ca ca khúc “Cao Cung Lên” trong tiếng dương cầm thánh thót, “Cao cung lên, khúc nhạc Thiên Thần Chúa, hòa trong làn gió, nhè nhẹ vấn vương…”

Bất giác tôi thấy mọi người chung quanh ai cũng đứng lặng lại một lúc, vài người khe khẽ hát theo. Tiếng hát của cô bạn mang tôi bay cao và xa; tiếng hát lồng lộng, mang tôi bay thoát khỏi con phố nóng bức, thoát khỏi dòng người chen chúc, thoát khỏi nỗi lo triều cường đang dâng lên không có đường về. Thoát khỏi mọi hệ luỵ trần gian.


alt

Phố hang đá Phạm Thế Hiển

Cao cung lên

Có nhiều người lầm rằng “Cao Cung Lên” là một ca khúc ngoại quốc được đặt lời Việt; thật ra đây là sáng tác của nhạc sĩ Hoài Đức, ông cũng là linh mục Giuse Lê Đức Triệu. Ông sinh ngày 01 tháng 07, 1922, tại Nam Định. Trước năm 1975, linh mục là một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, đảm trách chức vụ quản lý Toà tổng Giám mục Buôn Mê Thuột, nguyên giám đốc Caritas của giáo phận Buôn Mê Thuột  một tổ chức chuyên hoạt động xã hội trong lĩnh vực từ thiện, bác ái, đã đóng góp nhiều thành quả xã hội thiết thực cho người nghèo. Chính quyền miền Nam, trước 1975, ghi nhận những đóng góp của ông, đã trao tặng huy hiệu “Đệ Nhất Hạng Xã Hội Bội Tinh.”

Theo Wikipedia tiếng Việt: Từ năm 1967 đến năm 1968 linh mục Hoài Đức là Tổng Thư ký thường trực của ủy ban Thánh nhạc. Từ năm 1977 đến năm 1987: Ông bị tập trung cải tạo qua các trại: Mêvan, Tân Kỳ (Hà Tĩnh), Phú Sơn (Bắc Thái),Thanh Cẩm (Thanh Hóa). Từ năm 1999: Ông lâm trọng bệnh, an dưỡng tại nhà hưu các linh mục gốc Hà Nội. Linh mục Giuse Lê Đức Triệu qua đời ngày 07 tháng 7, 2007, thọ 85 tuổi. Linh mục nhạc sĩ Hoài Đức, là một tên tuổi lớn trong nền Thánh Ca Việt Nam. Ông được đánh giá là một trong những tác giả viết những tác phẩm thánh ca mở đầu cho nền âm nhạc Công giáo Việt Nam.

alt

Chân dung linh mục Hoài Đức

Linh mục nhạc sĩ Phêrô Mai Tính (tức nhạc sĩ Mi Trầm), Trưởng ban Thánh nhạc giáo phận Nha Trang, đã viết về ông: “Những bài hát do Hoài Đức sáng tác hầu như đã đi vào linh hồn người Công Giáo Việt Nam. Có lẽ không một tín hữu người Việt nào ngay từ nhỏ lại không mấp máy trên môi hay chưa từng thưởng thức những bài thánh ca bất hủ như Cùng Đi Bêlem, Mùa Đông Năm Ấy, Dâng Mẹ, Cung Chúc Trinh Vương… đặc biệt là bản nhạc “Cao Cung Lên” – ca khúc đã đưa tên tuổi Hoài Đức lên tột đỉnh. Nếu bên Âu Mỹ có những ca khúc bất tử về Giáng Sinh như Silent Night, Jingle Bell thì Việt Nam những “Đêm Đông” của Hải Linh và “Cao Cung Lên” của Hoài Đức vẫn còn sống mãi trong lòng người.”

12 giờ, chúng tôi ra về, đường vẫn kẹt cứng, xe nhích đi từng vòng bánh chậm. Mệt và đói, tuy nhiên những ca từ và cái giai điệu tuyệt đẹp vẫn cứ ngân vang trong đầu tôi. A ha, đời đẹp quá! Mình vẫn còn nồi cá nục đang chờ cho bữa ăn chiều, đã triển hạn thành bữa khuya, ở nhà.

Buổi chiều tận thế

Bạn đang đọc những dòng chữ này ư, xin vui lòng ngừng lại một phút. Hãy pha cho mình một món gì thật ngon, một ly vang hay ly chè sâm bổ lượng (tùy khẩu vị và ý thích của bạn) để nhâm nhi, thưởng thức, và chúc mừng đời sống của chúng ta vẫn đang tiếp diễn.

Vì sao ư?

Vì chúng ta vẫn còn sống!

Còn lúc này, khi tôi gõ những dòng chữ này, là đúng 4:00 PM, ngày 21/12/2012. Theo như tin đồn thì tận thế sẽ xãy ra vào đúng 00:00:00 của đêm nay, lúc giao thoa giữa ngày 21 và ngày 22/12/2012, tức là còn đúng 8 giờ nữa; nếu đúng như vậy, thì loài người (trong đó có tôi và bạn) còn sống đúng 8 giờ x 60 phút = 480 phút nữa. Chỉ còn có 480 phút phù du nữa để sống, vậy mà giờ này tôi vẫn còn ngồi viết nhăng cuội; và bạn, hẳn là cũng còn đang cày cuốc hay vẫn đang tiếp tục những sinh hoạt thường nhật. Chúng ta vẫn tiếp tục nhịp sống này vì chúng ta không tin rằng điều đó có thật, tin rằng doomsday là có thật.
Mà này, lỡ như nó có thật thì sao nhỉ?

Nếu đêm nay tận thế thì những điều tôi đang viết ra đây sẽ không được báo Trẻ in ra (có ai còn sống để mà in cơ chứ?!!!), mà không in ra thì cũng không có một ai đọc. Nói một cách trịnh trọng, nhưng nhảm nhí, thì nó sẽ là “di ngôn” của Nam Đan đang gởi vào hư không.

Lúc này, tôi cũng tò mò muốn biết bạn đang làm gì, đang nghĩ gì, có thấy điều gì đặc biệt không. Theo bạn thì chúng ta nên làm gì trong 480 phút còn lại này đây?

Một tay facebooker trẻ tuổi vừa ném lên một status như sau: “If the world really ending, why don’t rich people just buy a new planet?”  (Nếu thật sự tận thế thì tại sao bọn nhà giàu không mua một hành tinh khác (để sống) đi?

alt

Nhiều người tụ họp tại núi Bugarath, Pháp Quốc, chờ  người ngoài hành tinh đón đi lánh nạn. photo getty images

Rồi một tay facebooker khác thì mần thơ:


Em sinh vào ngày tận thế
Hôm đó, nắng đẹp, trời xanh
Hôm đó, nhiều người, vẫn ế
Đẹp mà muốn chết cho nhanh
Em yêu vào ngày tận thế
Hôm đó, anh mệt, em vui
Hôm đó, mình quên, bảo vệ
Em sợ nheo nhóc anh ui!
Em điên vào ngày tận thế
Hôm đó, mơ ước, thành đôi
Hôm đó, lòng thơm, hương quế
Muốn đạp trái đất vỡ thôi!
Em ơi vào ngày tận thế
Bệnh viện quá tải, hỡi ôi…!

Và một mợ khác thì, “Nửa ngày rồi, vẫn còn nguyên cả… Nhưng vẫn còn lo lắm, không biết đêm nay thế nào! Phải đợi đến 23h59’ 59’’mới biết, eo ơi!”

Bây giờ thì tôi sẽ làm gì ư? Tôi biết rồi, mình sẽ đi hâm lại nồi cá nục, sẽ ăn chiều đúng bữa, rồi sẽ đi xưng tội. Trong lúc xưng tội thì mình sẽ xưng thế nào ư? Tôi sẽ xưng rằng, “Chúa ơi, con có vô số tội lỗi, nhưng xin Chúa lòng lành khoan làm tận thế đêm nay đã. Cho con sống thêm cho đến kỳ lãnh nhuận bút bài này, để có chút xu hào, đặng đưa cái người kho cá đi ăn chè sâm bổ lượng, và nghe nàng hát “Cao Cung Lên” lần nữa, trong đêm Giáng sinh. Tạ ơn Chúa!”

Bạn đọc được dòng này có nghĩa là Chúa đã nhận lời tôi rồi đấy.