Xe từ Phan Thiết đến Lương Sơn, rẽ theo con đường đất đỏ uốn lượn như dải lụa trên những động cát, xuyên qua các cánh rừng chổi so đo hướng về phía biển. Trước mắt là động cát rồi bất chợt đường chân trời xanh vời vợi. Đó là bàu nước rộng mênh mông của truyền thuyết Bàu Ông và Bàu Bà.

Bàu Ông và Bàu Bà nằm cách nhau bởi đụn cát dài chừng 200 mét Bàu Ông có hình thon dài trải từ tây sang đông. Xa xa, cuối của hai bàu là hòn Hồng án ngữ và ăn thông ra biển. Hai bàu phủ đầy sen. Hương sen ngào ngạt. Một chút gió thoảng qua, mặt hồ lăn tăn gợn sóng. Vài con gà nước thấy động vụt bay lên kêu quang quác.

Lấy nước ngọt từ bàu
Bàu Ông rộng 23.13 ha có độ sâu trung bình 10m. Bàu Bà rộng hơn nhiều, dài gần 3km, nơi rộng nhất là 500m. Qua thời gian, Bàu Bà bị cát lấn, hiện nay nơi rộng nhất chưa tới 300 mét. Ngày xưa, gọi chung hai hồ này là Bàu Trắng và hồ Ba Động, bởi nó nằm giữa ba động cát lớn và thuộc về làng Bình Nhơn, phủ Hòa Đa nay là xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình.

Một góc Bàu Bà
Đại Nam nhất thống chí có đoạn mô tả Bàu Trắng như sau: Có hai hồ ở tây nam Hoa Đà. Hồ trên (Bàu Ông) có chu vi 8 dặm, hồ dưới (Bàu Bà) có chu vi 12 dặm. Nước trong ngọt 4 mùa không tăng giảm. Phía tây bắc là động cát, tây nam là chân rừng, trên bờ có đền thờ bà Chúa Động. Đền thờ này ngày nay không còn nữa, chỉ còn lại “dấu cũ nền xưa”.

Du khách trên đồi cát
Căn cứ theo bản đồ của Pháp năm 1924 thì hai hồ này có tên nguyên thủy là “Bãi động”. Bàu Ông trước kia rộng tới 30ha, Bàu Bà rộng 70ha. Người địa phương cho hay nước hai bàu thông nhau và chảy ngầm ra biển. Cũng vì vậy mà có thời người ta lầm tưởng rằng đây là hồ không đáy. Đến Bàu Trắng mà không buông câu thì tiếc. Cá ở Bàu Bà ngon hơn Bàu Ông. Sen ở đây cũng rất ngon.

Bãi cát ở giữa Bàu Ông và Bàu Bà
Dạo chơi trong cái nắng khắc nghiệt của mùa hè khát cháy cổ thì trước mắt bạn là những rẫy dưa bạt ngàn. Bạn tha hồ chọn những quả ngon nhất để thưởng thức. Người dân ở đây rất hiếu khách, họ sẵn sàng biếu bạn vài trái làm quà.