Menu Close

Năm mới cái gì cũng mới

Cái gì cũng phải mới! Quần áo mới, giày dép mới, nhà quét vôi mới, xe rửa sạch như mới, tóc nhuộm lại như mới. Mua bộ bàn ghế mới về thì những chiếc ghế khập khiễng, chiếc bàn lung lay tróc sơn nham nhở được đem ra ngoài lề đường đợi xe rác mang đi.

Ả trên bốn mươi, không chồng, rỗ mặt và chột mắt. Ngoại hình mà như thế thì dĩ nhiên là nghèo. Công việc kiếm ăn hàng ngày của ả là làm lơ xe rác. Ngoài tiền lương hàng tháng, cũng còn được thêm chút ít bằng cách bới móc trong những bao rác nhầy nhụa bốc mùi những gì còn bán được cho bọn mua ve chai. Túi ni-lông, vỏ chai, hộp thiếc, nồi thủng, chén nhựa. Năng nhặt, chặt bị. Mỗi tháng trừ tiền ăn tiền nhà rồi cũng còn dư chút ít dành dụm. Đời như thế cũng đã là tạm ổn. Chỉ buồn là… có lần ả nhìn thấy một người đàn bà đang vạch áo lên cho con bú, đứa bé miệng ngậm bầu vú bên này, bàn tay lại ôm lấy bầu vú bên kia. Bàn tay nhỏ xíu, trắng hồng. Ả muốn cắn một miếng cho đã… Rồi ả thở dài…

Chiều xuống rồi. Hai ngày nữa là Tết. Chiếc xe rác chạy một vòng cuối cùng quanh phố, dừng lại trước cửa một tiệm may. Người đàn bà chột, mặc đồng phục màu xanh, chân đi ủng trèo xuống, hai tay xách hai con ma-nơ-canh cũ bẩn nằm dưới gốc cây lề đường, một con là gã thanh niên có ria mép, một con là một đứa bé trai khoảng năm tuổi. Cả hai con đều móp đầu và trần truồng. Ả quăng từng con lên xe. Bị quăng mạnh, gã thanh niên đầu như lìa khỏi cổ, tay đứa bé quặt ra phía sau lưng. Xe chạy, ả nhìn hai cái thân thể nằm trên sàn xe ngẫm nghĩ: Sáng mai tháo rời ra, cho vào bao, mang đến vựa ve chai lão Tám cũng được hai chục. Ả chợt nhìn vào đứa bé… Đứa bé cũng nhìn lại… Ả rùng mình… Một cảm giác chưa từng thấy trong đời… như là đau đớn, như là ăn năn, như là yêu thương. Đôi mắt nó đẹp quá, buồn quá, thơ dại quá, oán trách quá. – Mẹ ơi, sao mẹ bỏ con?

Bảo Huân

Ả sắm cho chồng hai bộ quần áo cũ, bốn cái quần đùi mới, mua ở ngoài lề đường. Đàn ông ra đường cũng phải sạch sẽ một chút, ở nhà mặc quần đùi cũng được, mua sắm nhiều tốn tiền, chỉ làm khổ vợ con. Chồng là vậy, nhưng con thì khác. Trẻ con đứa nào mà lại không thích quần áo mới? Nhất là vào dịp Tết nhất! Ả sắm cho con đủ thứ: Quần áo, giày dép, mũ nón. Sang năm đi học sẽ sắm thêm bút mực, sách vở. Không đến trường ở nhà mẹ dạy cũng được.

Đêm giao thừa cũng là đêm tân hôn. Ả tắt đèn lớn, bật đèn mờ. Giường chiếu mới giặt còn thơm mùi nắng. Ả nằm giữa, chồng con nằm hai bên. Ả phát khẽ vào đùi con:

– Đêm muốn đi đái thì phải gọi mẹ, không được đái dầm ra giường. Mai mẹ đánh chết!

Rồi ả quay sang chồng, cằn nhằn:

– Đàn ông gì mà hôi như cú! Sợ nước lắm hả? Ngày mai không tắm tối không cho ngủ chung nữa đâu!

Miệng nói, tay ả mân mê bộ ria mép trên mặt chồng, rồi vuốt xuống cổ, xoa xoa trên bộ ngực săn chắc của anh chồng trẻ. Khi con đã ngủ say, ả kéo anh chồng nằm nghiêng qua, để một đùi chồng vào giữa hai đùi mình, vòng tay qua, ôm chặt, siết mạnh. Ả cong người lên, lịm đi trong hạnh phúc và khoái cảm. Đêm giao thừa cũng là đêm tân hôn…

Anh tài xế xe rác hơi ngạc nhiên khi thấy những ngày đầu năm chị lơ xe chột mắt của mình thay đổi hẳn. Nhộn nhịp hơn, trẻ trung hơn, hay nói đùa hơn, và trong con mắt còn lại lấp lánh một niềm vui mới lạ. Anh hỏi, chị e lệ trả lời:

– Năm mới cái gì cũng phải mới!

Ai cũng chán cái cũ, thích cái mới. Người ta hô hào nhau đổi mới. Không đổi mới sẽ bị lạc hậu. Không đổi mới sẽ không tồn tại. Giàu đổi bạn, sang đổi vợ. Nhưng người ta cũng đang bàn tán về một câu trong một quyển sách đọc được trên Net:

– Quét sạch những cái cũ để tạo dựng những cái mới là một cách suy nghĩ cực kỳ ấu trĩ. (*)

Singapore sau khi giành được độc lập, không quét sạch những cái cũ, những tàn tích của thực dân, không quét sạch bóng quân thù mà giữ quân thù ở lại, mời quân thù hợp tác làm ăn. Cách suy nghĩ sáng suốt, khôn ngoan ấy đã làm cho đảo quốc nghèo nàn này trở thành rồng phượng trong một thời gian ngắn.

Đổi mới có phải đơn giản chỉ là bắt chước những kẻ tài giỏi, giàu có hơn mình không? Chứ còn gì nữa! Tây, Tàu nó giỏi hơn mình nhiều! Nó làm sao mình làm vậy, nó làm bậy mình cũng làm theo.

Thế là chắc ăn!

NQT

* Chính đề Việt Nam. Tác giả: Ngô Đình Nhu.