Lời giới thiệu: Các Hội Sinh Viên Việt Nam (HSVVN) ở khắp nơi trên thế giới là những điểm khởi đầu cần thiết cho giới trẻ hải ngoại. Ở vùng Bắc Âu băng giá, những tổ chức sinh viên lại càng cần thiết hơn trong việc duy trì văn hóa ngôn ngữ Việt, nhất là ở Thụy Điển, nơi có ít người Việt sinh sống, không có một tổ chức cộng đồng, không có những sinh hoạt dành riêng cho người Việt. Tuy HSVVN tại Thụy Điển hiện nay không còn sinh hoạt thường xuyên, nhưng bài viết này ghi lại một dấu mốc quan trọng trong thời gian sinh hoạt mạnh mẽ của Hội vào năm 2004. Tác giả rất mong Hội sẽ khởi sắc lại và tiếp tục cung cấp một mái ấm văn hóa cho những sinh viên Việt ở miền đất Nobel này.

Buổi họp đầu tiên đặt nền móng cho Liên Hội Sinh Viên Việt Nam Bắc Âu.
Hẹn nhau bến tàu
– Tân hả, tầm mười phút nữa anh đến bến tàu nhé!
Thanh Tùng và các bạn sinh viên khác ở Thụy Điển cùng lái xe đến bến tàu để đón phái đoàn sinh viên từ thủ đô Oslo, Na Uy, sang tham dự tiệc Giáng Sinh tại Norkoping. Bến tàu ở đây, không phải là tàu bè, mà tàu hỏa, một trong những phương tiện di chuyển công cộng phổ biến nhất Châu Âu.
Buổi tiệc được tổ chức trong một hội trường dành cho sinh hoạt sinh viên tại đại học khu vực. Tiếng Na Uy và Thụy Điển tương tự như nhau, nên các bạn nào không thạo tiếng Việt thì nói tiếng Na Uy – Thụy Điển với nhau. Ngôn ngữ cũng là một trong những tiết mục trò chơi hấp dẫn, khi bàn tiệc được chia ra thành nhiều nhóm, dịch một câu văn tiếng Việt sang tiếng Anh, Thụy Điển, Na Uy, và trở lại tiếng Việt. Đương nhiên “tam sao thất bổn” và nếu nhóm cuối cùng không rành tiếng Việt, thì câu cú và ngôn từ cứ rối cả lên.

Nữ sinh Việt ở Thụy Điển và Bắc Âu, God Jul 2004
Hội SVVN Na Uy “dài” hơn Thụy Điển
Mối tình sinh viên Thụy Điển – Na Uy khởi đi từ một email mời sang Norkoping dự tiệc Giáng Sinh. Sinh viên Na Uy hân hoan đáp tàu hỏa và xe buýt sang hội ngộ bạn bè đất láng giềng.
Đối với cộng đồng Việt Nam hải ngoại, thì năm 2005 đánh dấu một bước ngoặc lớn: đệ tam chu niên. Riêng ở Thụy Điển, vì người Việt đến định cư phần lớn muộn hơn so với những quốc gia khác trên thế giới, nên HSVVN ở đây chỉ mới có nửa tuổi, và Tháng Tư 2005 thì cũng sắp sửa thôi nôi. Tuy nhiên, mới thành lập được nửa tháng mà hội đã quy tụ được 60 hội viên trên toàn quốc, đó là một điều mà hội trưởng Trần Thúy rất hãnh diện trình bày với các bạn trong phần khai mạc buổi tiệc.
Khi được mời giới thiệu về mình, thì HSVVNNU oai phong tuyên bố đã được mười lăm tuổi đời. Vì thế, Ngọc Bích từ Oslo nhận xét là hội Na Uy “dài” hơn hội Thụy Điển. Đương nhiên có người nói tiếng Việt ngọng như vậy thì cũng có người “nghe ngọng” nên tất cả mọi người đều hoan hỉ đồng ý.
Tuy còn nhiều khó khăn với tiếng mẹ đẻ, nhưng tiếng Việt vẫn là linh hồn, nối kết các bạn trẻ Việt tại đây. Có nhiều bạn, như anh Trung ở Na Uy, sang đây định cư khi mới một tuổi. Còn Kim và Phi, cặp bài trùng đến từ Oslo, đều sinh ra và lớn lên tại Oslo. Kim đặc biệt vẫn giữ được giọng Huế trữ tình nhờ nói tiếng Việt với gia đình. Nhưng ngôn ngữ gần gũi nhất với mọi người vẫn là những nụ cười vô ưu. Người trẻ ở đâu, thì cũng tràn ngập tiếng cười. Chưa gặp nhau, đã cười với nhau qua email. Khi gặp nhau, thì cười bằng cả tóc tai và tứ chi. Những trò chơi, những câu nói đùa, những lời đối đáp dí dỏm, những điệu nhạc dân ca Giáng Sinh của Thụy Điển và Na Uy… cứ âm vang, làm ấm cả gian phòng và tấm lòng người tham dự.
Đảm đang bếp núc
Đối với các buổi tiệc của người Việt tại Thụy Điển, hay ngay cả những bữa ăn thường ngày, những món ăn Việt Nam như gỏi cuốn hay bánh canh đều phải tự làm lấy, chứ không dễ dàng ra tiệm mua như ở quận Cam. Khi đến thăm gia đình của chị Sớm Mai tại vùng đất Malmo mà tôi gọi là “Mũi Cà Mau của Thụy Điển,” tôi cũng được chứng kiến không khí rộn ràng khi cả nhà xúm xít gói bánh giò. Các bạn nữ sinh Việt Nam cũng thế, đều phải tự tay nấu lấy hết những món ăn cho bữa tiệc Giáng Sinh đầu tiên của hội.
Thực đơn hết sức phong phú, với những món truyền thống Việt Nam và Thụy Điển. Và thành thật mà nói, các bạn nêm nếm thật ngon, từ món Ta cho đến món Tây. Nhưng nấu nướng cũng lắm nhiêu khê. Vì các bạn ở xa mãi đến chiều mới đến, nên cả ngày hôm ấy, chỉ có vài bạn nữ sinh lui cui nấu bếp với sự trợ tá thiếu kinh nghiệm của các anh. Tuy con trai Việt Nam ở Thụy Điển khá tự lập và đảm đang về việc nhà việc bếp, nhưng cũng có anh “ngố” không chịu được. Khi các cô nhờ đi mua mộc nhĩ để làm chả giò, thì các anh tung tăng ra chợ vác ngay về một vỉ nấm rơm! Đoảng thế là cùng. Cả ngày, vừa nấu nướng, vừa phải “phái” các anh đi mua đồ một món hai lượt, nên sau bữa tiệc, các “đầu bếp chính” như Vivian, Phương, Anh Thư đều không còn sức để đi tắm sauna như truyền thống bản xứ được. Nhưng mà muốn ngủ cũng không được yên vì phía ngoài, bọn con trai lại lêu têu hát karaoke ầm ĩ cả lên. Sáng hôm sau, lắm kẻ vật vờ.
Bởi vì cách trở đò giang
Vấn đề di chuyển ở Bắc Âu, đặc biệt với hoàn cảnh sống rải rác của người Việt tại đây, là một vấn đề khá nan giải cho các bạn sinh viên Việt Nam khi muốn tổ chức một sinh hoạt có quy mô lớn. Để tham dự buổi họp mặt Giáng Sinh, Hồng Vân từ một vùng phụ cận Uppsala phải đỗ đến ba lượt tàu mới đến nơi, đi mất gần cả ngày đường. Hội sinh viên Phần Lan trước nay vẫn ít có dịp tham gia với các bạn ở Thụy Điển cũng là bởi “ngăn cách Đông Hải Ostersjon.”
Tuy Phần Lan và Đan Mạch không thể tham dự lần này, nhưng tấm lòng và tình thân của những người hiện diện vẫn mong được gửi đến các bạn và mong mỏi một ngày được cùng ngồi với nhau xây dựng và phát huy tinh thần sinh viên Việt Nam Bắc Âu.

Định hướng cho tương lai
Hai kế hoạch chính của HSVVNTĐ là (1) chương trình hướng dẫn học đường do các bạn đi trước giúp các bạn lớp sau tùy theo ngành học chuyên biệt, và (2) giúp đỡ Việt Nam qua chính chương trình học của các bạn. Tuy nhiên, một điều thao thức nữa là làm sao để Hội thực hiện các chương trình văn hóa, như tổ chức Tết Nguyên Đán cổ truyền, giỗ tổ Hùng Vương. Hiện nay, H-ội cũng đang cần sự yểm trợ về tài chánh của các mạnh thường quân có lòng quan tâm để xúc tiến các công việc trên, cũng như sự hỗ trợ về nội dung của các nghệ sĩ, học giả chuyên về văn hóa Việt.
Những sinh hoạt về văn hóa có nhiều trở ngại, đặc biệt là về tài năng và phòng ốc. Mỗi khi muốn thực hiện một chương trình ở Stockholm chẳng hạn, thì địa điểm tổ chức luôn là một vấn đề khó khăn cho các bạn. Về mặt tài năng, thì có ít bạn có cơ hội học hỏi và đào luyện cho đến nơi đến chốn về một lãnh vực nghệ thuật, văn hóa nào đó, nên muốn tạo nên một chương trình có ý nghĩa cũng đòi hỏi sự truy tìm và quy tụ tài năng tim óc từ nhiều nơi. Tuy nhiên, trong dịp cắm trại mùa hè 2005, HSVVNTĐ dự tính sẽ kết hợp đêm lửa trại với chương trình văn nghệ dân tộc để cống hiến đến các sinh viên và cộng đồng tại đây.
Viễn tượng Bắc Âu
Ước muốn thành lập một Liên Hội Sinh Viên Việt Nam tại Bắc Âu cũng là một vấn đề mấu chốt trong lần gặp gỡ này. Điều đáng quý và cần được nhấn mạnh ở đây là tinh thần tương thân tương ái giữa các bạn sinh viên, dù thuộc về chi hội nào và thuộc quốc gia nào. Các bạn đến với nhau một cách hết sức nhiệt tình. Tin tưởng và đón nhận nhau hết mình, dù lần đầu tiên sơ ngộ.
Và, để mượn lời anh Lê Thanh Tùng, thành viên của Ban Cố Vấn, “Tôi hy vọng, không – tôi tin, là chúng ta có thể làm được. Tôi rất tin tưởng vào sức mạnh sinh tồn và vươn lên của người Việt. Chúng ta phải biết quý và duy trì tiếng tốt của người Việt, cũng như phát huy truyền thống tốt đẹp đó.”
Riêng người viết cũng rất tin là Liên Hội Sinh Viên Việt Nam Bắc Âu sẽ thăng tiến thật tốt đẹp. Thân chúc các bạn nhiều thành công và hoài bão, và nhất là chu toàn được quyết tâm đưa tinh hoa văn hóa Việt đến với đời sống xã hội trong cộng đồng địa phương.
* God Jul= Merry Christmas