Menu Close

Trăm năm qua bến phà xưa

Cuối tháng 3 này, cầu Cần Thơ sẽ khánh thành. Vậy là không còn bao lâu nữa bến phà Hậu Giang sẽ ngưng hoạt động. Những chiếc phà chấm dứt vai trò, phận sự đưa đón khách sang sông về miền Tây  đã ngót nghét trăm năm!

 

Thuở xưa, khi cha ông ta đi mở đất phương Nam; vùng miền Tây, bên kia sông Hậu còn nê địa sình lầy. Trấn Di – tức vùng Cần Thơ bây giờ – chưa phát triển, còn thuộc tỉnh Vĩnh Long (một trong Nam kỳ lục tỉnh). Từ miệt trên xuống, muốn qua bên đó, người ta đi ghe bầu, ghe chài hoặc từ những bến đò ngang vắng vẻ ở Trà Ôn, Cái Vồn, Tân Quới vượt sông bằng những chuyến đò đạp, đò chèo của người dân cư ngụ ở địa phương. Khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây, để khai thác tài nguyên thuộc địa, cùng lúc với việc khơi dòng, đào kênh, họ mở rộng hệ thống giao thông toàn Nam kỳ lục tỉnh, trong đó con lộ huyết mạch nối từ Sài Gòn về miền Tây được khởi công xây dựng.

 

Cổng vào bến phà Hậu Giang

 

Vào những năm 20 – 30 của thế kỷ trước, sau khi kênh Măng Thít, Xà No, đáp lộ Cái Vồn, Phụng Hiệp, người Pháp xây dựng bến phà Hậu Giang (thường gọi là bắc Cần Thơ, bắc Cái Vồn, bắc Bình Minh), với những chuyến phà chạy máy hơi nước ngang qua sông Hậu. Những người lớn tuổi nơi đây nhớ lại, những chiếc phà đầu tiên ấy nhỏ xíu, chỉ có một đầu, chở được vài chục người với chiếc xe mui rùa (xe ô tô). Dần dần, người Pháp cải tiến, thay phà máy chạy hơi nước bằng chạy dầu diesel, đưa khách sang sông bằng chiếc phà 10, rồi phà có cái “cù lao” phía đàng sau, tuy cũng chỉ có một đầu như xe có thể đi vòng lên, khỏi phải de lui như trước. Đến thời sau này, những chiếc phà 10 biến mất, thay vào đó là những chiếc phà 50, phà 100 to lớn, chở được cả chục chiếc xe hơi lớn nhỏ và hàng trăm hành khách.

Dù ở thời kỳ nào cũng không thể phủ nhận vai trò và công lao to lớn của bến phà Hậu Giang đối với sự khai phá, phát triển vùng Đông bằng sông Cửu Long. Trong gần một thế kỷ đã có bao nhiêu chuyến phà cần mẫn, lầm lũi vượt sông dù mưa hay nắng, bất kể khi giông gió, lũ lụt thất thường. Làm sao thống kê được đã có bao nhiêu chuyến xe nặng oằn hàng hóa, bao nhiêu con người đã ngang qua bến phà Hậu Giang. Bao nhiêu mối tình đẹp đẽ, bao nhiêu lứa đôi đã tiễn đưa nhau ngang qua bến sông này. Không ít những tác phẩm văn học nghệ thuật ca ngợi bến phà Hậu Giang, như lời một bài hát đã viết: “Em đi mau, kẻo trễ chuyến phà đêm, qua bến bắc Cần Thơ,…” (“Chiếc áo bà ba” – Trần Thiện Thanh), hoặc như lời bài ca vọng cổ da diết: “Đêm qua phà Cần Thơ nhìn theo con nước lớn; có dòng nước nào về Chợ Mới để thăm em…” (“Chợ Mới” – Trọng Nguyễn). Có thể nói, bến phà Hậu Giang đã in đậm trong ký ức, tâm tư tình cảm của mỗi người dân vùng châu thổ Cửu Long, cũng như suốt cuộc đời người ta luôn nhớ rơm rạ, khói đốt đồng, con đò, bến sông trước cửa nhà mình vậy.

 

Xuống phà

 
Người ta không thể không nhớ hàng ngàn con người từ bao đời nay gắn bó với bến phà Hậu Giang. Ngay từ những ngày đầu bến phà hoạt động, người Pháp đã thuê người VN đốt lò, phụ việc, dần dần tham gia vận hành, lái phà, điều khiển, kiểm soát bến phà. Hàng chục rồi hàng ngàn nhân viên qua nhiều thế hệ như thế đã gắn bó với bến phà cả trăm năm nay. Nhiều gia đình từ đời cha truyền lại cho đời con nghề làm sở phà cho đến bây giờ. Có chứng kiến cảnh nhân viên bến phà dang mình trong trưa hè nắng gắt hay những khi lầm lũi trong mưa gió bão bùng hoặc những đêm co ro trong giá rét để điều khiển những chuyến phà đưa hành khách sang sông. Mai này đi một mạch qua sông Hậu, có mấy ai còn nhớ đến công lao cực nhọc của người lái phà đưa khách sang sông.

 

Phà cập bến

 

   Gắn liền với những chuyến phà thuở đầu tiên là bến xe đò, bến xe lôi, người dân mua bán. Hai bên bến phà có hàng ngàn gia đình sinh sống bao đời cùng với hàng ngàn người xung quanh bến phà mưu sinh với đủ thứ nghề khác nhau. Họ cất hàng quán bán cơm, nước giải khát, chạy xe lôi, xe ba gác, xe ôm, khuân vác, bán hàng rong và phục vụ các nhu cầu thiết yếu cho khách đi đường. Vì kế sinh nhai, cạnh tranh mua bán, đôi khi họ làm phiền lòng hành khách, nhưng không thể phủ nhận chính họ góp phần làm cho nhịp sống bến phà thêm sinh động.

Cầu Cần Thơ khánh thành nối liền đôi bờ sông Hậu, rút ngắn khoảng cách miền Tây. Vai trò của phà Hậu Giang sẽ không còn. Song, nhiều người không khỏi chạnh lòng khi một hình ảnh đẹp,  sắp mất đi.

HN