Tranh gốm hiện đại ra đời khoảng hơn 10 năm trở lại đây ở các lò gốm Bát Tràng (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương) hay Phù Lãng của quê hương quan họ Bắc Ninh. Giòng tranh này đã Nam tiến và xuất hiện ở Đồng Nai do một vài nghệ nhân gốm sứ Biên Hòa thể hiện. Tuy nhiên, tranh gốm vẫn chưa tạo được một phong cách riêng cho mình.

Không khó tìm một bức tranh gốm trong những cửa hàng bán tranh trang trí nội thất ở các thành phố lớn trong Nam ngoài Bắc. Đó là những bức tranh màu men trên đất nung trên mặt phẳng, hoặc đắp nổi hay chìm, lại có tranh trông không khác gì phù điêu sơn son thiếp vàng giống như dị bản tranh cổ của Trung Quốc.
Loay hoay với dòng tranh gốm
Qua sự giới thiệu một người bạn, tôi ghé thăm cơ sở tranh gốm của anh Hà Phát, một nghệ nhân của làng gốm Bát Tràng vào Biên Hòa định cư lập nghiệp. Nơi làm việc của anh đặt ở góc phòng, phía trước bày những nền gốm lớn nhỏ đã đúc khuôn. Khổ nhỏ 30x40cm, còn cỡ lớn chừng 50x70cm, trên bàn hai ba mẫu tranh gốm đang được người thợ đắp nổi các hoa văn chữ thọ. Anh cho biết vừa nhận được đặt hàng của khu du lịch Bình Dương, yêu cầu hai trăm bức tranh chữ màu men da lươn để trang trí tường vách.

Một thử nghiệm lập thể
Anh Phát bước đến chỗ người thợ lấy một bức tranh chữ thọ tròn đã hoàn tất, trở lại bàn ngồi tiếp chuyện: “Tranh gốm chữ là loại hình chế tác đơn giản nhất, dễ làm nhất và tất nhiên giá trị thành tiền của chúng cũng thấp nhất. Cơ sở chúng tôi chỉ mới hoạt động ba năm nay, còn nhiều thứ phải xoay sở để “lấy ngắn nuôi dài”. Nói là làm tranh gốm, chứ thật ra phù điêu cũng làm, ai đặt gì làm nấy để có tiền trả công cho thợ. Tranh gốm này chẳng qua là một dạng phù điêu nhỏ. Nền đất đã khô, đắp thêm đường chỉ chạy hình chữ thọ, gọt mài, rồi sơn màu men, đem nung cho chín. Theo yêu cầu trang trí gắn chết trong tường nên những sản phẩm có độ cong vênh tí ti cũng được”.

Thợ đắp tranh nổi
Vẽ màu men lên tranh đất đắp nổi
Đúng là đối với những tranh gắn chết bằng xi măng trên tường, độ cong vênh là khuyết điểm có thể sửa chữa được. Nhưng với các loại tranh gốm để treo có khung gỗ ngoài thì đây lại là một vấn đề lớn mà khách hàng tinh tế khó chấp nhận.
Khá nhiều tranh trong các cửa hàng bày bán ít nhiều có độ cong vênh do khi nung, đốt ở nhiệt độ cao làm co cốt đất. Đó là chưa kể đến độ màu trên tranh bị thay đổi khiến màu sắc bị mờ lu hay chuyển màu không theo ý của khách hàng so với khi nhìn trên màn hình vi tính hay ảnh chụp. Mặt khác hầu hết tranh gốm đều là tranh vẽ lại theo mẫu có sẵn chứ hiếm khi thấy được một tác phẩm do họa sĩ sáng tác trực tiếp trên gốm. Bởi những tác phẩm loại này cao giá và thực hiện nhiều khi mất cả tháng trời. Tranh gốm hiện nay có thể ví như hàng tranh chợ.
“Không phải chúng tôi không biết những khuyết điểm này, nhưng những người làm nghề như chúng tôi chỉ dừng lại ở mức độ sao chép, loay hoay với giòng tranh gốm bằng những kinh nghiệm sau một thời gian dài làm gốm sứ. Sáng tác vẽ tranh trên gốm bình hoa, hay chén dĩa bằng những họa tiết, hình khối tương đối dễ dàng hơn là phác họa một đề tài lớn hay một bức tranh thủy mặc trên một bức tranh gốm khổ lớn”, anh Phát thổ lộ.
Đi tìm nghệ thuật tranh gốm
Dòng tranh gốm hiện nay có nhiều khó khăn. Cái khó thứ nhất về khả năng sáng tạo của người thợ vẽ, thứ hai là nền của tranh gốm không đơn giản như khi vẽ lên một tấm toan hay lụa, giấy, họa sĩ Trần Khoa Nghi hơn 10 năm theo đuổi nghề vẽ tranh gốm cho biết.

Tranh gốm dùng trang trí
Vẽ trên toan, người thợ vẽ có thể sửa lỗi bằng cách đắp màu, còn vẽ trên gốm đòi hỏi mỗi thao tác phủ màu phải chính xác, vì đắp sửa màu này chồng lên màu kia hút vào đất gốm khi nung sẽ gây ra hiện tượng lem màu, hoặc độ màu thay đổi không như ý. Tranh gốm lại có một nhược điểm co cong khi nung do làm nền quá mỏng. Việc tạo nền đất cho tranh là một việc phức tạp do chất đất sét và độ dày của nền phông. Đất sàng lọc không kỹ có hạt to dễ nứt khi nung ở nhiệt độ cao, nền phông dày quá thì bức tranh sẽ nặng không thể treo lên tường được, mỏng quá thì bức tranh lại bị cong vênh. Điều này cũng phụ thuộc một phần vào lò nung. Bây giờ các cơ sở đều sử dụng khí đốt để nung tranh, nhưng lò thiết kế mỗi nơi mỗi khác nên không bảo đảm nhiệt độ phủ đều. Do những hạn chế như thế, khó làm được tranh gốm có kích cỡ lớn, mà phải làm khổ vừa phải hoặc làm tranh ghép nhiều mảnh với nhau.

Vì vấn đề kỹ thuật, những bức tranh lớn được chia nhỏ ra nhiều phần, sau đó ráp lại
Trở lại việc tìm ra một thợ vẽ có tay nghề cao trong nghề làm tranh gốm là một vấn đề không dễ. Họa tiết, hình khối đối với họ không khó, nhưng nếu thể hiện chi tiết về sắc độ trên một bông hoa hay một ánh mắt chẳng hạn lại là chuyện đòi hỏi tài năng. Chẳng thế, ngoài thị trường tranh gốm, ta có thể thấy hầu hết các bức tranh đều thể hiện màu sắc đơn giản, đậm trầm, họa tiết cách điệu mang hình khối hay “vẽ” lại các loại tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống mà thôi. Có thể nói tranh gốm hiện nay chỉ mới đáp ứng thị hiếu của một số người yêu thích trang trí gốm sứ.
Trải qua một thời gian dài, tranh gốm hòa nhập vào con đường phát triển của nghề gốm sứ từ thời Trần và thăng hoa dưới thời Lê bằng gốm màu hoa lam qua nghề làm tranh, phù điêu trang trí trên tường vách đình chùa hay cung điện. Đến nay loại hình nghệ thuật trên đất này cũng chỉ ở ngưỡng trang trí chứ đòi hỏi nó phải đạt được tinh hoa của một tác phẩm hội họa thì còn xa lắm!