Menu Close

Ngôi nhà Đốc Phủ Đẩu

Trong cụm ba căn nhà cổ của ba anh em họ Trần nổi tiếng đất Bình Dương, thì nhà đốc phủ sứ Trần Văn Hổ (tự Đẩu) nhìn ra hướng sông Sài Gòn là còn khoảng không gian thoáng đãng như cách đây hơn trăm năm trước lúc xây dựng ngôi nhà gỗ chữ “đinh” rộng 200 mét vuông. Hiện giờ nhà đã mất phần chái bên trái, khu chuồng ngựa, chỉ còn lại ngôi nhà chính ba gian hai chái trong khuôn viên gần 1.300 mét vuông.

Nhà đốc phủ Đẩu hư mục không thể phục chế

Do nhà vắng chủ trước tháng 4-1975 nên chính quyền địa phương “tiếp quản”. Kết quả, theo thời gian, đồ nội thất bàn ghế mất đi và hư hao rất nhiều. Tuy thế trong ba gian nhà vẫn còn ba bàn thờ cẩn ốc xà cừ thật đẹp (không thấy các bộ lư hương) và những bộ sạp gỗ dày, to lớn ở hai gian buồng là của hiếm khó tìm. Bên cạnh hai bộ sạp, còn nguyên hai bộ ván ông, ván bà – là một miếng ván gõ đỏ dày 10 phân dài 2,2m. Trong những chuyến đi điền dã tìm hiểu các ngôi nhà xưa ở các tỉnh Nam bộ, tôi thường nghe nói “bàn ông, bàn bà” chứ ít nghe thấy bộ “ván ông, ván bà”. Theo tín ngưỡng tôn giáo, người xưa phân biệt “nam tả nữ hữu”, nên trong nhà nếu có đặt hai bàn tròn ở phía ngoài hai bên cửa chái bước vào dùng tiếp khách thì bàn bên phải là bàn bà (đường kính 1.2m), bên trái – bàn ông (1.4m) trong khi đó thì ván ông lại chỉ rộng 1.4m, nhỏ hơn ván bà đến 20cm. Giải thích vui điều này, hẳn là khi ăn nhậu ông cần bàn lớn để bày rượu thịt tiếp đãi bạn bè, còn trong những ngày mưa dông gió lạnh, ông mò sang ván bà tìm “tay ải tay ai” nên ưu ái cho tấm ván bà rộng hơn. Nghe có lý.

Phần bao lam thanh mãnh là nét đặc trưng chạm khắc ở các nhà xưa vùng Đông Nam bộ

Phía sau bàn thờ bên phải và trái có hai bức phong thờ chạm  cẩn ốc ngũ sắc sáng rực hai chữ Hán theo kiểu thư pháp “Hạc Toán” (sống lâu như tuổi hạc – bên phải) và “Quy Linh” (tuổi thọ như rùa thiêng – bên trái) và hai bên mỗi bức phong thờ trên vách là đôi câu đối khảm ốc theo kiểu chữ “Chân lư” chưa được giải nghĩa. Gian giữa bàn thờ gia tiên phía trên có một khám thờ sơn son thếp vàng đề ba hàng chữ danh hiệu các vị thần: bên trái thần Táo Quân “Đông Trù Tư Mạng”, giữa thờ Trời “Hiệp Thiên Đại Đế”, bên phải thờ phúc thần “Phúc Đức Chánh Thần”, cách bày trí khám thờ Trời Phật, chư vị thánh thần ở trên cao là đặc điểm tín ngưỡng thờ tiêu biểu của cư dân ở vùng miền Đông  trong việc thờ tự, trong khi dân cư ở các tỉnh miền Nam thường thờ bên dưới trên các ghế thờ. Hai bên cột cái gian giữa có đôi liễn đối:

Không gian nhà phần ngoài, phía sau gian giữa là cánh cửa gỗ hoa văn làm mới

Canh độc lưỡng đồ, độc khả vinh thân, canh khả phú
Cần kiệm nhị, cần năng sáng nghiệp, kiệm năng doanh.

(Ý nói: đọc sách có thể hiển vinh, còn siêng năng làm ruộng chắc là giàu có. Cần kiệm có thể dựng nên sự nghiệp).

Nhà đốc phủ Đẩu do cha là ông Trần Văn Lân tinh thông địa lý, có sở khai thác gỗ nên đã cho vận chuyển những loại gỗ quý trên rừng về xây dựng vào năm 1890. Toàn bộ khung nhà còn khá tốt, nhất là hệ thống giSàn cột 36 cây cùng với dàn kèo chạm từ trong ra ngoài đầu rồng. Qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đất Thủ, tất cả các cửa võng, ô chạm của nhà phủ Đẩu trở thành một tác phẩm nghệ thuật chạm khắc gỗ sinh động với tứ linh, tứ thời, hoa quả thảo mộc. Hiện nay ở gian chính được dựng một bộ cửa gỗ làm mới. Tuy trông đẹp nhưng không hòa hợp vào không gian cổ kính vốn có của hai bộ cửa ván dày hai gian bên. Việc dựng bộ cửa này là không cần thiết. Nó không tôn thêm giá trị của ngôi nhà cổ mà trái lại làm giảm đi giá trị văn hóa khiến người xem hụt hẫng.

Gian giữa thông hai cửa

Phong thờ cẩn ốc xà cừ đề chữ “Hạc Toán”

Phong thờ bên trái đề chữ “Qui Linh” (tuổi thọ như rùa thiêng)

Khám thờ sơn son thếp vàng phía trên bàn thờ gia tiên

Trải qua hơn trăm năm, phần ô chạm cửa võng chưa bị hư hao

Phần thờ tự là phần quan trọng trong các nhà xưa, nhưng trên bàn thờ không còn bộ lư hương nào

Sừng nai trang trí hai bên cột

NL