Con người với bản năng sinh tồn luôn tìm kiếm một cuộc sống no đủ, từ vật chất đến tinh thần. Khi không thể sinh sống tại một vùng đất khắc nghiệt, người ta đi tìm nơi trú ngụ khác. Những di dân này đem theo văn hóa, ngôn ngữ và bắc nhịp cầu giữa đất tổ và quê hương mới. Từ đó, họ thay đổi dần dần bộ mặt của đất tạm dung. Khi nhóm di dân kia lớn mạnh, họ thay đổi bộ mặt của cả thế giới, mỗi ngày một ít, từ kinh tế, giáo dục đến văn hóa nghệ thuật.

Nhìn từ một khía cạnh nhỏ, thế hệ nối cầu, những người đầu tiên đến một vùng đất mới, sau khi tạm ổn về nơi ăn ở và công việc làm, bắt đầu tìm cách đưa thân nhân đến vùng đất an lành hơn. Và những di dân kia đã làm gì để nối cầu? Ngày nay họ gửi tiền bạc cho thân nhân ở quê cũ qua những dịch vụ chuyển tiền.
Western Union là một trong những công ty đang hấp hối vì dịch vụ điện tín chào thua internet và điện thư, đã tìm ra lối sống qua dịch vụ chuyển tiền. Từ đó công ty này trỗi dậy và sống hùng sống mạnh, đè bẹp cả trăm công ty chuyển tiền khác khắp nơi trên thế giới. Hàng năm, Western Union đã chuyển khoảng 1 tỉ mỹ kim của những di dân nghèo khó cho thân nhân họ. Phải nói rằng di dân là nguồn sống không những của thân nhân họ mà còn là nguồn sống của Western Union, vì thế công ty này theo sát các tiến triển về luật di trú, những phong trào kỳ thị di dân, tìm kiếm và theo dõi các hoạt động của di dân, từ cách sinh sống, công việc làm chốn ăn ở… hầu như kỹ lưỡng và chính xác hơn cả cơ quan Kiểm Tra Dân Số (Census Bureau) của chính phủ Hoa Kỳ!Mở rộng các chiến dịch quảng cáo, Western Union sử dụng ngay cả những ngôn ngữ không mấy phổ thông như Tagalog (nhắm đến cộng đồng Phi), Twi (cộng đồng Ghana)… Chính bà sếp lớn của Western Union, Christina A. Gold cũng thừa nhận rằng di dân trên toàn cầu là nền móng làm ăn và phát triển của công ty họ.
Con số chi nhánh của Western Union cao gấp 5 lần tổng số các quán McDonald, Starbucks, Burger King, và Wal-Mart cộng lại! Có thể nói rằng, công ty này có mặt khắp nơi, khắp chốn để “sửa túi” nhưng không “nâng khăn” dùm di dân! Vậy mà chẳng mấy ai để ý hay tìm hiểu khuôn mẫu thương mại (business model) này, từ người dân cho đến học giả. Hầu như những dịch vụ chuyển tiền này, dẫn đầu bởi Western Union, đã lẳng lặng, qua di dân toàn cầu, thúc đẩy những thay đổi về kinh tế, chính trị và văn hóa khắp thế giới.
Riêng trong năm 2006, di dân từ những quốc gia nghèo khó đã chuyển 300 tỉ mỹ kim về quê hương họ, số tiền bạc lớn gấp 3 lần ngân sách tài trợ của các quốc gia giàu có cộng lại! Trong khi các quốc gia giàu có kia hoạnh họe đòi hỏi quyền lợi bánh quy trao lại, những người di dân vẫn âm thầm nai lưng cặm cụi kiếm tiến để giúp đỡ thân nhân họ, bánh ít tiếp tục trao đi! Các dịch vụ chuyển tiền này tạo ra một nhịp cầu khá vững chắc để di dân có thể tin cậy mà sử dụng, tuy nhiên họ đòi hỏi một lệ phí khá cao, từ 4% – 20%!

Western Union, lựa chọn đầu tiên của các di dân muốn gởi tiền về quê nhà
Đã có những luật sư thay mặt di dân kiện Western Union về tội làm ăn không ngay thẳng, giấu giếm chi tiết về lệ phí khá cao và thắng kiện! Chẳng là Western Union chơi trò dụ dỗ, họ quảng cáo “gửi 300 mỹ kim về Mễ chỉ tốn 15 mỹ kim lệ phí” nhưng thật ra khi đến tay người nhận, số tiền chỉ còn 275 mỹ kim qua mức “hối suất” do chính công ty đặt ra. Đối với một di dân đầu tắt mặt tối ở mức lương tối thiểu, 40 mỹ kim vào năm 1998 là một số tiền khá lớn. Dĩ nhiên là Western Union chối bay chối biến, không nhận tội lỗi, nhưng đã trả mấy chục triệu mỹ kim để thương thảo.
Làm ăn không ngay thẳng coi bộ khó khá nên Western Union sửa sang lại bộ mặt, sau một thời gian bị bêu riếu là bóp cổ người nghèo; để sơn phết lại bộ mặt đầy những dấu $, Western Union đã tiêu xài khoảng 1 tỉ mỹ kim trong 4 năm qua, trang điểm cho công ty một khuôn mặt tử tế hơn, có vẻ thân thiện với di dân hơn, đáng tin cậy hơn. Thay vì quảng cáo chúng tôi chuyển tiền nhanh như chớp mắt (làm việc hiệu quả), họ chuyển hướng qua những hình ảnh có tính cách gia đình và xã hội mà ca rằng gửi tiền, ta gửi cả tương lai dưới tấm ảnh một cô bé Phi tốt nghiệp tại trường học đứng cạnh bà mẹ là Y Tá tại Luân Đôn! Những hình ảnh đám cưới giữa dân địa phương và người ngoại quốc được quảng cáo là “nối nhịp cầu”. Và Dế Mèn không biết Western Union có dính dáng chi đến các dịch vụ cưới hỏi cô dâu địa phương với những ngoại kiều tại Việt Nam, tại Thái, Phi, Nga Sô… hay không? Họ cũng là những thân chủ tương lai của những dịch vụ gửi tiền?
Để tiếp tục món lợi nhuận khổng lồ kia, Western Union đã giảm lệ phí tại những thị trường có người cạnh tranh (nhưng giữ nguyên lệ phí ở những nơi một mình một chợ); hỗ trợ nhiều chiến dịch vận động những thay đổi trong luật Di Trú, dễ dàng hơn cho di dân nhập cảnh, dễ dàng hơn cho di dân kiếm việc làm ngay cả những người cư trú bất hợp pháp! Họ tài trợ giúp đỡ những tổ chức tranh đấu cho di dân, và vận động cho việc hợp thức hóa những cư dân bất hợp pháp. Nói tóm lại là Western Union đang sử dụng tiền bạc của họ vào việc thay đổi các đạo luật về di trú tại Hoa Kỳ, nghĩa là những đạo luật sẽ giúp công ty này kiếm được nhiều tiền hơn nữa!

Các công nhân di dân lam lũ này chính là những khách hàng “sộp” của Western Union
Tại Panama, nhân viên của Western Union giúp đỡ về luật pháp để các di dân này không bị trả về nguyên quán. Tại những quốc gia khác, Western Union cặp kè ráo riết với những người xin nhập cảnh, họ đặt văn phòng giúp đỡ miễn phí gần sở Di Trú nơi nửa triệu người Phi đang chờ giấy tờ để đến Hoa Kỳ làm việc. Thương hiệu của Western Union la liệt khắp nơi, từ chiếc ghế đến tấm thực đơn của quán ăn… chỗ nào cũng Western Union. Khi chính phủ Phi mở các chương trình huấn luyện cho công dân sắp rời quê nhà, Western Union xen vào đứng ngay bên cạnh để chỉ dẫn cách gửi tiền về Phi qua dịch vụ của họ. Quảng cáo ráo riết đến thế là cùng!
Dubai nơi khá đông công dân Phi đến làm việc trong các khách sạn, tiệm ăn… , nhân viên của Western Union đến tận nơi làm việc để giúp các công nhân này gửi tiền cho nhanh về Phi, và nếu có một dịp họp mặt nào đó của các công dân Phi, hầu như việc tổ chức đều được tài trợ phần nào bởi Wastern Union.
Khi phân tích khuôn mẫu thương mại của công ty này, các tay phân tích tài chánh đều gãi đầu tự hỏi làm thế nào mà một công ty chuyên về điện tín, điện thoại lại chuyển mình, thay hình đổi dạng nhanh chóng đến thế? Từ một công ty khổng lồ của thế kỷ thứ 17, sập tiệm vào thế kỷ thứ 20, chỉ 2 năm sau, Western Union trỗi dậy sau khi được First Data mua vào năm 1995, và ăn nên làm ra nhanh chóng, gia tăng mãi lực 20% mỗi năm.
Về mặt điều hành, Western Union có 320,000 văn phòng trên thế giới. Công ty này tổ chức như một hệ thống “đại lý” (franchise), 60% các dịch vụ chuyển tiền được thực hiện bên ngoài Hoa Kỳ, nhưng Western Union tiếp tục tranh giành với các công ty khác theo chiến thuật “tằm ăn dâu”. Mỗi chi nhánh (đại lý) đều ganh đua ráo riết vì họ nhận lệ phí theo mỗi lần gửi tiền, khoảng 2.50 mỹ kim.
Thí dụ điển hình nhất là chi nhánh Western Union tại phố Tàu, New York. Người quản lý, ông Sun Lee thực hiện khoảng 100,000 lần chuyển tiền mỗi năm. Khách hàng phần lớn là những người Hoa Lục nhập cảnh bất hợp pháp, họ không đến Bưu Điện, họ không dùng Bưu Tín (Money Order) vì họ sợ cảnh sát, và mua bán với ông Lee đây thì dễ dàng quá xá, tiền trao là cháo múc tại quê nhà xa lắc nửa địa cầu, hổng ai hỏi han chi về địa chỉ, giấy tờ của người gửi! Những hình ảnh tương tự có mặt tại các thành phố dọc biên giới Hoa Kỳ – Mễ Tây Cơ, khách hàng hỏi thăm xem có cảnh sát không trước khi xuất hiện để gửi tiền.
Theo Inter-American Development Bank, 41% cư dân bất hợp pháp từ Châu Mỹ La Tinh tại Hoa Kỳ dùng những dịch vụ gửi tiền. Và công ty Western Union công bố rằng họ là những người buôn bán theo luật định, không dính dáng chi đến chuyện di trú, hợp pháp hay không hợp pháp.
Năm 2006, Western Union tách rời khỏi First Data, chiếm giữ 14% thị trường của dịch vụ gửi tiền trong khi công ty thứ nhì, MoneyGram, giữ 3%. Mặc dù Western Union đã giảm lệ phí, nhưng lệ phí cho dịch vụ của họ cũng vẫn đắt nhất. Western Union cung cấp một dịch vụ khá thuận tiện cho di dân kể cả mở cửa vào ngày cuối tuần, đặt văn phòng tại những nơi di dân tụ họp chung sống (nôm na là xóm nghèo), và dùng các nhân viên dịa phương nói tiếng bản xứ của những cộng đồng di dân ấy.
Với phương thức buôn bán nhắm vào thị hiếu và gần gũi với khách hàng như thế, ta không lạ là khách hàng của Western Union khá chung thủy với công ty này.
Riêng Dế Mèn, nếu thực sự muốn tìm hiểu về một cộng đồng di dân, những kiểu mẫu được các nhóm di dân sử dụng để nối cầu…, Dế Mèn sẽ bắc ghế ngồi chăm chú quán sát cách Western Union làm ăn và phát triển cơ sở buôn bán của họ vì sự thành công kia đã bắt nguồn từ những bài học chưa có trường Thương Mại nào chỉ dẫn.
(*) Dế Mèn: danh xưng của tác giả Trần Lý Lê trong một số bài viết.