Menu Close

Đập Tam Hiệp oằn mình trong mưa lũ

Đập Tam Hiệp (Three Gorges Dam) được xây chắn sông Dương Tử ở vùng Hồ Bắc, là đập thủy điện bề thế và tốn kém nhất trên thế giới ngày nay. Three Gorges Dam vì vậy là một loại “heo vàng” của bộ máy tuyên truyền Trung cộng vốn nắm độc quyền báo giới truyền thông. Mặc cho nhiều hiểm hoạ ngày một rõ ràng, con đập này vẫn được ca tụng như là công trình to tát nhất kể từ… Vạn lý Trường thành ở Trung Hoa lục địa.

Đập Tam Hiệp được xây trong khoảng 12 năm (1994-2006). Tiền của đổ vào tham vọng đỉnh cao này không kém phần… ngất ngưởng — đâu đó khoảng từ $30 tỉ đến $90 tỉ Mỹ kim, tuỳ người và phương cách ước lượng.

Chiếc đập nước nhân tạo của Three Gorges Dam rộng hơn một ngàn cây số vuông (trên 400 square mile), có thể chứa gần 40 triệu km khối nước. Trên lý thuyết, đập thuỷ điện này có thể sản xuất hằng năm khoảng 18,000 megawatt điện (tương đương điện năng tạo ra từ 18 lò điện nguyên tử, hoặc 50 triệu tấn than cho các lò nhiệt điện).

Thiết kế và lợi ích của đập Tam Hiệp thoạt xem khá hợp lý, và đơn giản đủ để thuyết phục người Trung Hoa dân dã.

Vào mùa khô, nước trong đập được xả ra dần dần, giúp gìn giữ hoa màu và phục vụ đời sống dân chúng. Với lượng nước luân chuyển điều hoà, các con sông sẽ không bị hạn hán khô kiệt, khiến tàu bè xuôi ngược nhịp nhàng quanh năm. Nhờ kỹ thuật điều tiết khối nước dự trữ trong chiếc đập này, người ta ước tính trong tương lai phí tổn vận chuyển người và vật trên sông nước sẽ giảm đến 40%.

Khi đến mùa mưa, đập Tam Hiệp  sẽ kềm chế thiên tai lũ  lụt bằng cách giữ bớt nước lại. Xưa nay, vào mỗi mùa mưa, vùng châu thổ sông Dương Tử thường chịu cảnh ngập lụt lan tràn, gây nên vô số thiệt hại nhân mạng và của cải.

Bản đồ đập Tam Hiệp.

Giữa lúc dư luận thế giới ngày càng quan ngại về tốc độ tiêu xài năng lượng của Trung Quốc, đập Tam Hiệp còn là một lá bài Green Revolution (cách mạng xanh) sáng giá. Chỉ riêng việc bớt đốt than dùng chạy nhiệt điện, Đập Tam Hiệp và nguồn thuỷ điện nó tạo ra sẽ giúp cắt giảm ít nhất 1.2 đến 1.3 triệu tấn khí thải carbon monoxide độc hại cho bầu khí quyển trái đất.

Quyết định mở hàng Three Gorges Dam vào những năm đầu thế kỷ cũng không phải sự vô tình, mà là nước cờ siêu chánh trị của nhà nước Trung cộng. Họ tin rằng công trình thuỷ điện khổng lồ này góp phần nâng uy tín và vị thế trên trường quốc tế. Các quốc gia đang phát triển sẽ hướng về Đập Tam Hiệp và ngưỡng phục Trung cộng như một thế lực kỹ nghệ mới, một siêu cường mới của nhân loại trong thế kỷ 21.
Tuy nhiên, thực tế nghiệt ngã hơn dự tính nên không phải mọi chuyện đều màu hồng. Công trình đập Tam Hiệp cũng chính là đầu mối nhũng nhiễu từ các giới chức cầm quyền; dân chúng thì thua buồn; trong khi vỡ ra vô số vấn nạn về môi sinh.

Ngay từ tháng 6-2003, lúc đập Tam Hiệp chắn hoàn toàn dòng Dương Tử lần đầu tiên, những bất cập trong việc chuẩn bị đã gây ngập lụt nguyên thị trấn Phụng Tiết kề bên.

Cũng từ năm 2003, lúc chiếc đập khổng lồ khởi sự trữ nước, người ta đã ghi nhận hằng ngàn dư chấn lớn nhỏ. Một trong số này là trận động đất mạnh 4,7 độ richter, khiến dân chúng tỉnh Hồ Bắc phải lánh nạn vào tháng 10/2006. Lần đó, mực nước trong đập dâng đến 156 m (còn khoảng 20 m là lên đến đỉnh).

Quang cảnh xả đập Tam Hiệp hôm 20 tháng Bảy vừa qua nhằm giảm nhẹ áp lực dòng nước lũ. Ảnh AP/XINHUA, CHENG MIN

Nguyên do là các kỹ sư Trung cộng không tìm hiểu cặn kẽ địa chất trong vùng. Họ tính toán sai áp lực của khối nước… vĩ đại lên địa hình. Áp lực ghê gớm của 40 triệu km khối nước đè lên lớp đất đá mềm hai bên bờ sông, làm thay đổi cấu trúc địa lý, đưa đến nhiều rắc rối… ngoài kế hoạch.

Tưởng rằng Three Gorges Dam hạn chế cơn cường toan của Dương Tử Giang, thì dòng nước bỗng trở nên bẽn lẽn như… Hương Giang, lờ đờ không muốn chảy. Đập Tam Hiệp thoắt trở thành bãi chứa hằng triệu tấn rác rưởi đủ loại, có thứ nổi lều bều, có thứ chìm sâu xuống đáy sông. Bao lớp phù sa mỡ màng của sông Dương Tử cũng lặng lẽ tích tụ trong lòng đập, khiến phía hạ lưu bị nước biển tràn vào vì vùng châu thổ đang từ từ chìm lún.

Trong mười hai năm xây dựng đập nước Tam Hiệp (dài 660 km hay 410 mile), Trung cộng đã cưỡng bức di cư ít nhất 1.4 triệu người từng sinh sống quanh khu vực này trước kia. Trong tình cảnh tham nhũng lan tràn, quan quân được dịp cướp ngày, ăn chận tiền bồi thường cho dân vốn đã ít ỏi. Những kêu ca than phiền của dân chúng bị chụp mũ là… phản động. Không ít người bị ngược đãi, hành hạ, nhẹ thì bỏ bót “làm việc” dăm ba bữa, nặng thì vô nhà lao gỡ lịch.

Đập Tam Hiệp thành bãi rác khổng lồ.

Trong các đợt “học tập” được “phát động” rộng khắp phố thị làng thôn trước khi người ta đổ bê tông chắn dòng Dương Tử, dĩ nhiên đã có nhiều lời hứa hẹn tốt đẹp. Trên các mặt báo, vào giờ TV thời sự, người ta thấy diễn hành nườm nượp những điều… vĩ đại quen thuộc:

– Đập Tam Hiệp sẽ… giải phóng nhân dân dọc hai bờ sông Dương Tử khỏi cảnh lụt lội, màn trời chiếu đất. Công cuộc hiện đại hoá sẽ mang lại ấm no hạnh phúc.
– Thủy điện đập Tam Hiệp giữ sạch môi trường trái đất, qua việc đốt ít đi  50 triệu tấn than, nhờ đó cắt giảm hơn 100 triệu tấn khí thải CO2.
– Chỉ riêng lượng sắt thép dùng làm sườn cho đập Tam Hiệp đủ để xây đến… 63 toà tháp Eiffel.

Nhưng đến nay, 5 năm sau, khi đập hoàn thành, dân đã mất nhà cửa ruộng vườn, mà những chương trình xây cất hằng trăm hãng xưởng… hoành tráng dọc hai bờ sông, cùng hằng triệu việc làm được tô vẽ vẫn còn trong… dự kiến.

Nhiều kế hoạch “đầy tính sáng tạo” như khai triển đất đai cho nông nghiệp hai bên bờ Dương Tử Giang vẫn chỉ là chuyện… tiểu thuyết. Chưa kể dân chúng quanh vùng còn phải chịu đựng thêm hằng ngàn vụ sạt lở mỗi năm vì đất bị xoáy mòn quanh đập Tam Hiệp. Mỗi ngày người ta thấy mọc ra thêm nhiều vết nứt bí hiểm, lớn như trên đường lộ, nhỏ như trên vách tường nhà dân, trường học, nhà thương…

Xa hơn, về phía hạ lưu Dương Tử Giang, hằng ngàn nông dân rơi sâu hơn vào vòng xoáy  của đói nghèo, lao lực, vì đập thủy điện Tam Hiệp, trái với hứa hẹn, trên thực tế lại gây ra tình trạng thiếu nước trầm kha.

Một nông dân Trung Hoa trên cánh đồng nứt nẻ hạ lưu sông Dương Tử.

Nghịch lý oái oăm, mùa hè năm nay, đặc biệt trong tháng Bảy vừa qua, nhiều vùng Trung Hoa lục địa đã bị mưa lũ hoành hành dữ dội. Theo ước lượng của các nhà quan sát khí tượng, là lớn nhất trong suốt một thế kỷ vừa qua. Mưa to gió lớn khiến nước sông Dương Tử  lên cao, có nơi thậm chí vượt mức năm 1998 (lần đó hơn 4,000 người thiệt mạng, và khoảng 18 triệu dân phải bỏ nhà cửa vườn tược chạy lánh nạn).

Có lúc dòng nước quá xiết, chảy qua đập với vận tốc lên đến 70,000 m khối nước mỗi giây, trong khi thiết kế đập Tam Hiệp chịu đựng tối đa 100,000 m3/giây. Hôm 20-7-2010, giới thẩm quyền buộc phải xả bớt nước để giảm nhẹ áp lực nước sông đổ vào đập. Đến ngày 28-7-2010, mực nước hồ Tam Hiệp lên gần đỉnh, chỉ còn mười mấy thước là tràn đập.

Đợt mưa lũ này cũng kéo theo sụt lở đất và nhiều vấn nạn khác. Ước tính hằng ngàn người đã mất tích hoặc mất xác và nhiều triệu người phải chạy nạn, đa phần là dân chúng hai tỉnh Sơn Tây và Tứ Xuyên.

Đến hôm nay, cơn mưa lũ tháng Bảy đã phần nào lắng dịu. Hằng triệu nhân viên của bộ máy tuyên truyền Trung cộng lại mở máy hát những… bài ca không bao giờ quên — ca ngợi sự kiện đập Tam Hiệp “đứng vững trước thử thách” — mặc kệ tai ương và cảnh túng quẫn bần hàn của bao người dân vô tội.

Những kỹ thuật tô hồng này có lẽ không lạ với nhiều người Việt, nhất là những người bị kẹt lại Việt Nam thời hậu chiến. Nhưng còn lắm kẻ chưa trải mùi… trí tuệ, nên sắp tới đây, Trung cộng sẽ xuất cảng công nhân Tàu và… công nghệ xây đập Tam Hiệp đi khắp thế giới, trong đó có Cam Bốt và một số quốc gia Phi châu.

Đằng sau những ồn ào chuyện con đập Tam Hiệp, rất có thể là ánh mắt quan sát với ít nhiều thú vị của chú Sam. Nhiều thập niên trước, Hoa Kỳ là cường quốc của những con đập thủy điện khổng lồ. Những năm gần đây, người Mỹ dần dần tháo bỏ chúng vì nhiều quan ngại cho môi trường, và cũng để mở đường cho các phương pháp sản xuất năng lượng mới mẻ, hiệu quả, lại ít tốn kém hơn.

Three Gorges Dam & vài con số:
– Đập Tam Hiệp có 32 máy phát điện chính, mỗi chiếc nặng 6,000 tấn, và 2 máy nhỏ hơn.
– Con đập dài 2.3 km, cao 185 m, bề rộng trên đỉnh đập đến 40 m.
– Đập nước Tam Hiệp có chiều dài hơn 600 cây số.
– Trong thời gian xây dựng từ năm 1994, có lúc đến 18,000 nhân công làm việc mỗi ngày.
– Hơn 320 làng mạc,140 thị trấn, 13 thành phố bị triệt hạ.
– Công trình đập Tam Hiệp cũng phá huỷ 54,000 mẫu đất nông nghiệp và 17,000 mẫu đất rừng.
– Hằng ngàn cơ sở thương mại và ít nhất 1.4 triệu dân chúng buộc phải ra đi.

TD