Dưới thời Pháp thuộc, năm 1901, người Pháp cho mở trường dạy nghề gọi là Trường Bá Nghệ Thực Hành Thủ Dầu Một. Từ đó, đánh dấu một giai đoạn lịch sử phát triển của các nghề thủ công truyền thống ở Bình Dương.

Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, thì nghề sơn mài sơ khai ở Bình Dương có từ thế kỷ XVII, do di dân từ miền Trung, miền Bắc mang theo vào vùng đất mới. Sau thời gian khai khẩn đất đai, sinh cơ lập nghiệp, họ đã thực hiện những bức tranh sơn mài đầu tiên chính yếu là quét sơn ta vẽ tranh cảnh. Những bức vẽ cây đa, bến nước, mái đình, tre làng… được tái hiện trên tranh giúp họ vơi đi nổi nhớ quê nhà. Còn Đại Nam Nhất Thống Chí có ghi: “… Ở làng Thủ Dầu Một, dân chúng có nghề làm sơn theo kiểu cổ khá thịnh vượng…”. Người Bình Dương thời ấy đã sớm nhận ra lợi thế của vùng đất này, đã dần hình thành nên làng thủ công đặc sắc. Với nguồn nguyên liệu gỗ, kết hợp với sơn dầu Phú Thọ, rồi sau đó là sơn Nam Vang, một loại nhựa có màu sắc đẹp, lạ, bóng, bền đã tạo nên lớp men đen bóng cho những tác phẩm đơn giản ban đầu mà nghệ nhân đã không ngừng hoàn thiện kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm nghề cổ truyền của cha ông.

Cẩn trứng hình chuồn chuồn
Đầu thế kỷ 20 các nhóm thợ tập trung tại làng Tương Bình Hiệp, Phú Cường đa số là sản xuất các mặt hàng sơn mài và điêu khắc gỗ. Tên tuổi các thợ Xù Nhồng, Phèn, Dựa… vang danh khắp nơi, cùng lớp nghệ nhân trẻ có học vấn, tốt nghiệp ở các trường mỹ thuật như Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, Mỹ Thuật Gia Định, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, tạo nên một lớp nghệ nhân có tay nghề xuất sắc không chỉ trong nghề sơn mài mà cả nghệ thuật khắc, cẩn.

Mài các lớp sơn phủ
Theo số liệu thống kê năm 1945, ở Bình Dương có 10 cơ sở sản xuất sơn mài. Riêng làng Tương Bình Hiệp có hơn 300 gia đình làm nghề. Đặc biệt, xưởng sơn mài Thành Lễ thành lập năm 1943 là cơ sở sản xuất lớn nhất thời bấy giờ, tạo tiếng tăm trong và ngoài nước. Xưởng thời ấy quy tụ được nhiều nghệ nhân nổi tiếng như Thái Văn Ngôi, Ngô Từ Sâm, Trần Văn Nam… Hàng sơn mài bấy giờ tiến đến giai đoạn phát triển cực thịnh, xuất cảng sang các nước châu Âu. Đó là thời kỳ vàng son nhất của ngành sơn mài.
Sơn mài Bình Dương, từ nguyên liệu gỗ đến khi thành phẩm phải trải qua 25 công đoạn, mỗi công đoạn đòi hỏi một nghệ thuật và kỹ thuật riêng tỉ mỉ và công phu. Mỗi sản phẩm phải mất từ 3 đến 6 tháng.

Tách ốc trên một bức sơn mài phong cảnh
Năm 1975 đến nay, sau nhiều biến đổi, ngành sơn mài dừng chân một thời gian rồi bắt đầu phát triển trở lại. Tuy nhiên không được như thời vang bóng khi còn xưởng sơn mài Thành Lễ. Không ít người đi sưu tập lại những bức tranh hay bàn ghế phủ sơn mài Thành Lễ và không cho chụp ảnh lại vì sợ sao chép mẫu mã làm mất vẽ đẹp vốn có của bản tranh gốc. Bên cạnh đó, do nhu cầu sơn mài cổ điển vẫn được ưa chuộng nên nghệ nhân vẫn làm các loại tranh cẩn ốc hoặc vỏ trứng cho những đơn đặt hàng xuất cảng hoặc khách mua đem sang nước ngoài. Thêm vào đó hàng loạt các mẫu mã hiện đại, phù hợp với thị hiếu mới dùng trong trang trí như bình, lọ, dĩa, vòng tay, hộp, khay. Sản phẩm thể hiện bằng nhiều phương pháp như sơn mài sơn lộng, vẽ mỏng, khoét trũng, đắp nổi, cẩn trứng, cẩn xà cừ…, sơn mài còn kết hợp với gốm, tre, nhựa tổng hợp làm phong phú thêm nhiều sản phẩm.

Các sản phẩm sơn mài cẩn ốc
Anh Mười Nút chủ một cơ sở nhỏ sản xuất sơn mài tranh lớn cẩn ốc, cho biết: “Sơn mài ngày nay không còn qua nhiều công đoạn chà, hom như ngày xưa nhưng nước sơn vẫn bóng đẹp do phẩm chất sơn tốt và có phương tiện kỹ thuật hỗ trợ, nên thời gian thực hiện một bức tranh ngắn hơn trước. Tuy thế, để thực hiện một bức sơn mài đẹp, cũng phải mất ít nhất hai tháng. Còn chất liệu thì tùy theo yêu cầu của khách hàng mà mỗi bức tranh đều có giá riêng của nó”.
So với làng nghề chạm mộc Phú Thọ, làng sơn mài Tương Bình Hiệp được thời hơn. Dọc theo hai bên đường san sát những cửa hàng tranh khá lớn, và chỉ cần rẽ vào bất kỳ con xóm nhỏ nào, ta đều nghe tiếng nói cười rôm rã của từng nhóm thợ làm việc thật vui. Trải qua nhiều thế hệ, sơn mài trên vùng đất Bình Dương vẫn giữ được nét đẹp truyền thống. Đó là sự tinh xảo, nhẹ nhàng, thanh thoát, đậm đà tính cách Á Đông.