Menu Close

Lò lu Đại Hưng

Hầu hết nghề thủ công truyền thống làm gốm ở Bình Dương nói riêng và miền Nam nói chung, đều có nguồn gốc khá lâu đời, phần lớn do người Hoa di cư vào thế kỷ XVII-XVIII, đến vùng đất này sinh cơ lập nghiệp. Lò lu Đại Hưng cũng không ngoại lệ. Người chủ sáng lập đầu tiên có tên gọi chú Ngâu, người Quảng Đông.

Sân phơi lu khạp

Cách trung tâm Thủ Dầu Một khoảng 3km, theo đại lộ Bình Dương về hướng bắc, rẽ trái đi qua làng sơn mài Tương Bình Hiệp độ hai cây số là đến lò lu Đại Hưng. Đây là một lò làm lu, khạp, hủ thủ công lớn nhất tỉnh Bình Dương với diện tích gần 11,000 mét vuông. Phần trên cao có độ nghiêng theo triền dốc là lò nung, sân phơi và chứa nguyên vật liệu đất sét, củi…; phần dưới bằng phẳng gồm nhà kho, các hồ chứa lọc đất sét, sân phơi và nhà xưởng. Lò xây dựng năm nào, cho đến nay vẫn chưa biết cụ thể, chỉ nghe các cụ cao niên ở đây kể rằng: khi các cụ lớn lên thì đã nghe cha mẹ mình nói đã thấy có cái lò rồi.

Nguyên liệu chính để làm ra những sản phẩm lu, khạp được lấy từ đất đen, đất lá bài, đất sét và bùn dưới sông Sài Gòn trộn lẫn với nhau, cho vào bồn lọc, sau đó đạp nhuyễn nhồi thành một thứ đất có màu ca cao sữa rất đẹp. Đất này được đóng thành khối, tùy theo các công đoạn mà người thợ sẽ cắt bột đất trải ra bàn, cán thành miếng cho vào khuôn định hình, phơi khô và đưa vào lò nung.

Nhồi đất

Lò được xây hoàn toàn bằng gạch sống (gạch chưa nung), phơi khô sau đó đem vào xây và được trét bằng đất sét. Sau một thời gian lò được đốt thì lớp đất sét và phần gạch sống này sẽ trở nên rất chắc rắn. Lò chính xây theo kiểu lò bao, 15 lò nối tiếp nhau từ thấp lên cao như những gò mối khổng lồ nằm san sát. Căn đầu tiên được gọi là căn mồi lửa, dùng để đưa củi vào đốt. Các căn nối theo sau đều có hai cửa để đưa lu khạp vào lò sau đó dùng gạch bít kín các cửa này lại, chỉ chừa lại một ô nhỏ “mắt lò” phía trên để người thợ chụm củi quan sát lửa trong bao, xem độ nóng trong lò đã đủ chưa và đạt đến độ chín cần thiết hay không. Sau bốn giờ nung và để nguội một ngày là dỡ lò.

Cắt đáy bằng dụng cụ xưa

Lò lu Đại Hưng chuyên làm các sản phẩm là lu (mái) như loại lu nhất, lu nhì, khạp và chậu trồng kiểng. Trong đó lu lớn nhất có thể đựng tới 200 lít nước. Hoa văn trang trí trên sản phẩm thường là hình rồng, phụng được đắp nổi. Men lu có màu vàng da bò, da lươn. Riêng khạp thì nhỏ hơn không có hoa văn trang trí nhưng có nắp đậy.

Anh Tám Giang, người quản lý lò hiện nay dẫn tôi đi giới thiệu từng công đoạn làm lu khạp. Với diện tích lớn như vậy mà sân phơi nào cũng đầy lu khạp đang chờ đưa vào lò nung. Anh cho biết mỗi ngày ra gần 500 sản phẩm vẫn không đủ cung cấp cho các đơn đặt hàng từ các tỉnh miền Tây và Campuchia. Nhu cầu sử dụng lu, khạp đựng nước vẫn được bà con miền Tây ưa chuộng, mặc dù nếu tính ra giá thành của ba lu mái đắc hơn thùng nhựa ngàn lít một chút, nhưng được cái nước chứa trong lu lúc nào cũng mát lạnh, lại bền hơn các loại thùng chứa khác.

Đắp khuôn chậu

Chẳng thế trong vùng này còn có ba bốn lò lu nhưng cũng không đáp ứng được nhu cầu của người dân khắp nơi. Công nhân phải làm thêm ngày thứ bảy, thậm chí chủ nhật, khi gặp khách hàng hối gấp. Anh em công nhân là những người sống gần đó, gắn bó với lò lu cả chục năm. Có  gia đình vợ chồng con cái có nghề làm gốm từ đời cha sang đời con. Lương ăn theo sản phẩm, thu nhập mỗi tháng chỉ hơn hai triệu đồng.

Đốt mồi căn lò đầu để hơi nóng luồn vào các lò bao bên cạnh.

Lò Đại Hưng qua nhiều đời chủ, phương thức sản xuất thủ công không thay đổi mà vẫn giữ được khách hàng, phải nói là một điều kỳ diệu, có lẽ do thương hiệu lâu đời và  phẩm chất sản phẩm thu hút người tiêu dùng. Không chỉ thế, học sinh phổ thông quanh vùng và học sinh nghề gốm các trường Mỹ thuật có những giờ đến quan sát và học hỏi cách làm đất, tìm hiểu nghề làm lu khạp thủ công.

Với một đất nước nông nghiệp, lu khạp vẫn là một vật dụng không thể thiếu trong nhà, nên nghê thủ công này vẫn là một nghề kiếm sống lâu dài của dân địa phương.

Đóng cửa lò chừa “mắt lò” ô chữ nhật phía trên để quan sát lửa nung sản phẩm

NL