Mùa Đông năm rồi, hai tay săn ảnh chúng tôi đã “thiên di” ngược về hướng Bắc, đến tận miền Bắc Canada với những cánh đồng băng tuyết mênh mông chỉ để chụp hình mấy con chim Cú di trú, thật không thích thú bằng mùa Đông năm nay đi về Miền Tây Hoang Dã với phong cảnh quá sức hùng vĩ, đầy chất lãng mạn. Nơi đặt chân đầu tiên là Kinh đô Ánh sáng với hàng triệu ngọn đèn thắp lên hàng đêm. Từ đây chúng tôi lấy xe đi vào… nơi hoang dã…

Vùng sa mạc cằn cỗi Horseshoe Bend
Horseshoe Bend- đá và vực
Thức giấc ở parking lot. Bờ bụi đã bao năm trở thành cái thói quen cố hữu của hai lãng tử. Phố thị sớm Đông, đìu hiu lạnh. Ghé trạm xăng mua điểm tâm; tôi cảm giác lẩy bẩy khi nốc cạn chai sữa tươi. Andy đùa và bảo cứ xực đỡ lon mì nóng hổi là warm up thân nhiệt liền. Khoảng cách chỉ 20 phút từ thị trấn Page; xe tạt vô cái parking ở bãi đất Horseshoe Bend.
45 độ F. Trời tối mù. Tôi nấn ná thèm hơi ấm trong xe. Rời xe với 4 lớp áo làm nghẽn thở. Andy hối hả giục giã lên đường. Gió sa mạc sớm Đông thông thốc thổi. Con đường dốc cát đỏ, lên xuống hụt hơi. Chẳng phải khiêng vác mấy cái ống kính cà nông bắn chim “trọng lượng” là đã nghe phơi phới tôi ơi! Một dịp Hè đến Horseshoe Bend, tôi bị cái nóng khủng bố da thịt. Mùa Đông vẫn dễ chịu hơn với cái lạnh nhưng hệ bài tiết thì liên tục biểu tình. Tôi nhìn quanh, vẫn không thể tìm thấy dù chỉ là một cái “cầu tiêu di động” ở parking lot.

Cảnh quan của vực Móng Ngựa Horse Bend
Lội bộ đến vực Móng Ngựa, trời vừa hửng sáng. Andy Nguyễn loay hoay bên bờ đại vực tìm góc cạnh. Mặt trời ngủ hay thức, sấm chớp hay giông bão thì muôn đời vẫn là nguồn cảm hứng bất tận của tay phó nháy này.
Điểm cuối con đường mòn mở ra một cảnh quan kỳ vĩ. Con sông Colorado chảy quanh hẻm núi Glen Canyon, hình thành những uốn khúc là nơi tương giao của dòng chảy Colorado và vùng đá sa thạch hàng triệu năm tuổi.
Biểu tượng của Glen Canyon (Arizona) là đoạn sông Horseshoe Bend nổi tiếng thi vị. Mặt trời lên. Sắc xanh lục bảo tương phản với đỏ cam của núi đá. Những trận cuồng phong đã đem cát mịn từ sa mạc; hàng triệu năm trước, gió và nước đã xói mòn những phiên đá hình thành muôn hình dạng đặc thù. Tôi vẫn luôn bỡ ngỡ, vẫn há hốc trước vẻ đẹp của một “đường cong” 2700 trong uốn khúc cố thủ. Khúc sông hình móng ngựa; bình đạm một sắc nước được mô tả là màu “xanh lục bảo” mang vẻ đẹp của một loại đá emerald. Cái “sắc xuân”của màu xanh huyền hoặc, mộc mạc ở sắc màu là biểu tượng của tình yêu và sự hồi sinh. Tôi gu gồ ngọc lục bảo, rồi ngồi mơ mộng để sở hữu mấy bộ trang sức.

Dòng chảy sắc “xanh lục bảo” uốn khúc quanh vực Móng Ngựa
Chụp phong cảnh kiểu này dễ bị đau tim!
Tầm mắt tôi bao quát quanh đại vực; nhãn thức như khơi mở trước vẻ đẹp huyền bí của núi non đại ngàn. Những thể đá sa thạch Navajo từ thời khủng long tiền sử Jurassic. Cái đẹp đã vượt qua sự diễn đạt của ngôn từ; dẫu ở những biểu hiện đơn sơ, khởi thủy nhất, vẫn tồn tại một giá trị bất biến. Và cả những kỹ thuật ghi nhận của nhiếp ảnh hiện đại, vẫn… bất lực. Nhà nhân chủng học người Pháp Claude Levi-Strauss cũng đã từng viết về “sự choáng ngợp” trước những cảnh sắc mênh mông của miền Tây hoang dã Hoa Kỳ. Vết tích huyền thoại của thời gian đủ để lòng người chìm đắm trong dòng tự sự. Đá núi và mây ngàn, vẫn ngàn năm đợi… Tôi cảm mình trong những áng văn của Lỗ Tấn, ví như một “cuộc gặp gỡ giữa những năm tháng xa xôi”. Andy bất chợt cảm hứng về “cái đẹp” và cho rằng những pho tượng rất hoàn mỹ cũng xuất phát từ những tảng đá vô tri vô giác. Vì cứ theo cái trật tự nguồn gốc thì những “bà mụ bằng đá” kia, không nghi ngờ chi vì đã xuất hiện trước những pho tượng cổ Hy Lạp. Sự gợi nhớ đã thấu triệt cái bản chất thẩm mỹ của nàng Vệ Nữ đảo Milos. Tôi vẫn nghĩ những phiến đá mang linh hồn, như loài ốc nhỏ mang linh hồn của biển.
Tôi dọ dẫm ra gần mé vực, dựng tripod chụp toàn cảnh. Andy nhắc chừng vì bề mặt đá rất trơn trượt, dễ sẩy chân, nguy hiểm. Và dẫu ám ảnh bởi cái cảm giác chênh vênh đến xây xẩm và dị ứng với độ cao, tôi vẫn tham lam click đầy cái thẻ nhớ memory card. Phía Bắc Arizona và Nam Utah sở hữu nhiều thắng cảnh “độc”. Tôi hứa hẹn hãy đợi đấy!

Tác nghiệp với tư thế nằm bò, “ôm” chân máy là chắc ăn nhất!
Andy tác nghiệp đa dạng ở cái thế nằm, bò lăn lộn gần mé vực. Tôi chăm mắt quan sát một “Lão bà bà” với cái tư thế chổng mông, chúi người; một tay bám đá, tay kia thõng xuống vực với cái máy ảnh P&S. Tôi thốt đùa rằng bà “gân” quá, không sợ lỡ rớt ngã dễ chầu diêm vương sớm. Bà cười hề hà, và bảo là cái chết cũng tự nhiên như sự sống; cũng đầy mầu nhiệm và huyền diệu. Chết, chẳng phải là sự cáo chung của cuộc đời; và chỉ là sự gián đoạn của một dòng chảy. Cái chết, với bà như một bến đỗ, một trạm dừng. Tôi nghe cũng ra vẻ suy ngẫm, gật gù. Tự dưng lại lạc đề và bị tra tấn bằng một tràng “diễn thuyết” liên tu về cái vòng luân hồi sanh tử. Tôi đùa, hỏi bà thử “diễn” lại cái màn chúi đầu xuống vực để tôi chụp hình đăng báo, hay tải lên Youtube, bảo đảm nổi tiếng như cồn. “Tôi đã mơ đến thiên đàng sớm thế đâu”, bà cười dí dỏm.
Kết thúc loạt phong cảnh vực Móng Ngựa là chân dung tự diễn. Và dẫu có tha thiết được “ăn ảnh” đến đâu, tôi vẫn luôn bị thất bại… xụi bởi cái vẻ mặt luôn dị ứng trước ống kính.
Lội bộ trở lại parking. Trời lạnh mà tôi nốc cạn mấy chai nước lọc như người về từ cõi… khát. Đường còn xa, dưỡng sức phi mã. Andy cợt đùa.
Muốn ê a thì chỉ có đá và núi. A picture is worth a thousand words. Và bạn đọc lại được thưởng thức “một bức ảnh đáng giá hàng ngàn ngôn từ”. Mà viết ít, tôi cũng đỡ mệt thiệt!

Tác phẩm mang chủ đề “Con người giữa thiên nhiên”
Đặng Mỹ Hạnh bên bờ vực Móng Ngựa“năm lớp áo, 2 lớp quần vẫn còn lạnh”
www.hanhphoto.com