LGT: 2004-05, tôi đi tìm ‘bà con’ ở Bắc Âu, với học bổng Fulbright do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đài thọ. 2012, tôi đọc “Đường Phía Bắc” của Lê Đại Lãng. Hai biến cố cách nhau đến tám năm, mà lại rất gần nhau trong nội dung lịch sử. Những ‘bà con’ mà tôi được gặp ở Bắc Âu chính là những ‘nạn nhân’ (thuyền nhân) mà Lê Đại Lãng đã kể lại trong sách. Trong bài phỏng vấn này, chính con trai của một người trong cuộc sẽ kể cho chúng ta nghe kinh nghiệm của một gia đình ‘nạn nhân’ từ phía Bắc.
Phần 1: Tuổi thơ và Di cư
Trangđài (TGT): Thân chào Lê Thanh Tùng. Xin đón chào em đến với mục “CHAT Đi,” một diễn đàn lưu động nối kết tâm tư của người trẻ Việt Nam tại hải ngoại.
Lê Thanh Tùng (LTT): Kính chào độc giả, chào chị Trangđài! Em rất lấy làm hân hạnh khi được mời góp mặt trong diễn đàn này để được cùng tâm sự với chị và quý độc giả.
TGT: Cám ơn em đã nhận lời góp mặt trong mục này để chia sẻ đến độc giả những suy nghĩ của một thanh niên trẻ tại Stockholm. Thanh Tùng đã sinh trưởng ở đâu, và định cư tại Thụy Điển vào thời gian nào và trong hoàn cảnh nào?
LTT: Em sinh ra và lớn lên tại thị xã Cẩm Phả, bên bờ vịnh Hạ Long, thuộc tỉnh Quảng Ninh, nhưng lại trưởng thành ở Thụy Điển, vì sang đó định cư vào mùa Hè năm 1992, lúc đó em đầy 14 tuổi, theo diện đoàn tụ cùng bố và em trai. Đây là bến bờ tự do của bố và em trai sau những năm tháng trong trại cấm Hồng Kông và chờ định cư tại nước thứ ba ở Phi Luật Tân.

Lê Thanh Tùng
TGT: Thời tiết và phong thổ Thụy Điển khác biệt hoàn toàn đối với Việt Nam. Thanh Tùng đã thích ứng với hoàn cảnh sống mới ra sao? Lại nữa, thức ăn Việt tại Thụy Điển thì cũng rất hiếm hoi.
LTT: Ngay những năm tháng đầu, ở cái lứa tuổi còn đang nghịch ngợm, hiếu kỳ và hào hứng với tất cả những điều mới lạ, em đã làm quen được với thời tiết ở đây. Riêng cái cảm giác được đi xa đến một nơi mình chưa bao giờ được biết đến với những cảnh vật thật lạ cũng đủ cho tinh thần cậu bé 14 tuổi thật phấn chấn, làm quên đi những khác biệt khách quan giữa vùng đất mới và cũ.
Mùa Hè Bắc Âu trong ký ức em hồi đó quả thật lý tưởng với những ngày thật dài và dễ chịu, không có những ngày nắng ngột ngạt oi bức đến vã mồ hôi, rất ư thoải mái cho sự rong chơi khám phá những điều mới lạ của vùng đất mới đặt chân đến này. Cái tính phá phách nghịch ngợm mang từ quê nhà đã được em mang ra thực thi ngay trên vùng đất mới.
Nghịch riết mà không có bạn cùng nghịch thì cũng đâm chán, hơn nữa tính cách và môi trường sống của người bản xứ tĩnh lặng như mùa đông lạnh lẽo và buồn tẻ của họ, làm cho mình cũng từ từ trở nên trầm tĩnh theo những tháng đông dài băng tuyết. Được cái em thích nghi với mùa Đông ở đây cũng tương đối nhanh, bởi cái lạnh băng tuyết không như cái lạnh buốt đến thấu xương nơi quê nhà.
Vào những năm đầu em mới sang định cư việc giao du với người bản xứ rất hạn chế vì những khó khăn về ngôn ngữ, hơn nữa đa số họ chưa quen tiếp xúc với người nước ngoài, đặc biệt là màu da và tóc khác họ. Nơi em sinh sống, người Á Châu vốn đã ít, người Việt lại càng hiếm hoi hơn. Lâu lâu một vài gia đình người Việt mới có dịp tụ họp, nấu những món ăn thực sự mang hương vị quê nhà, quây quần xem băng hình Thúy Nga, coi phim bộ Hồng Kông, v.v…
Cộng đồng người Hoa/Việt gốc Hoa nơi em định cư không có cơ sở thương mại sầm uất như những nước khác, song họ cũng có những cửa hàng thực phẩm cung cấp hàng hóa Á Châu cho cộng đồng gốc Á ở đây. Nhờ vậy mà tuy sống xa quê hương nhưng mỗi ngày một bữa cơm em vẫn thường được hưởng những món ăn mang hương vị quê nhà. Còn những lúc đi học ăn cơm trưa của trường thì thường bị đói, cứ phải chịu cho đến chiều để về nhà ăn bù. Bởi thế mà cho đến bây giờ bữa chiều em thường ăn rất nhiều hơn bữa trưa, một trong những thói quen xấu mà chắc em khó có thể sửa đổi được.
TGT: Trong cuộc phỏng vấn chiều sâu cho Dự Án ‘Nhà Ta Ở Stockholm’ năm 2004, chị đã có dịp nghe Thanh Tùng đề cập đến niềm hoài cổ của em về tình thầy trò ở Việt Nam, cũng như những kỷ niệm học đường trong thời thơ ấu. Mời em kể cho độc giả một kỷ niệm còn in đậm trong lòng.
LTT: Khi sống ở một vùng trời xa lạ, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương bao giờ cũng da diết. Cho dù những ngày tháng đầu có hào hứng và say mê với những điều mới lạ thì sau một thời gian, khi đã bắt đầu làm quen được với cảnh vật mới rồi, nỗi nhớ quê hương niềm thương về kỷ niệm bao giờ cũng sống dậy trong lòng người viễn xứ. Cuộc sống và môi trường tĩnh lặng ở Thụy Điển lại rất phù hợp cho sự khơi dậy những kỷ niệm thơ ấu nơi quê nghèo.

Khu chung cư bình dân, gia đình Lê Thanh Tùng trú ngụ
Không riêng gì ai, quê hương với những kỷ niệm tuổi thơ luôn là món ăn tinh thần, niềm an ủi, sưởi ấm tinh thần những tâm hồn tha hương. Một trong những kỷ niệm hằn sâu trong ký ức mà bạn học cô trò lâu ngày trùng phùng thường nhắc lại cho nhau nghe. Thời đó vào những ngày tháng đầu sau khai giảng lên lớp sáu, mùa tựu trường năm 1989, lớp em buộc phải chuyển trường vì có quyết định của Phòng giáo dục thị xã.
Số phòng học của trường mới có giới hạn, mà lượng học sinh lại đông. Lớp mới nhập trường như lớp em buộc phải “tạm” trú ở một phòng học với diện tích không quá 30 mét vuông, kê được năm dãy bàn ghế dài, dồn nhét cho đủ 30 học sinh. Phòng học không có cửa sổ, chỉ có mỗi cửa chính lớn đối diện bảng đen. Ngày nắng thì nóng bức, ngày mưa thì ẩm ướt. Cô trò chẳng biết làm gì hơn là an ủi nhau, để vượt qua những khó khăn hiện tại. Thời gian này là thời gian lớp em gặp nhiều khó khăn nhất về mọi mặt, nhưng cũng nhờ đó mà tình cô trò bạn học thêm khắn khít, để lại những kỷ niệm hằn sâu trong lòng.
TGT: Em đã theo gia đình đến định cư tại vùng Eskilstuna khi mới sang Thụy Điển, và em đã có tham gia một số sinh hoạt địa phương do người Việt gốc Hoa tổ chức. Tuy nhiên, những sinh hoạt này đã không kéo dài. Nhờ em trình bày về các sinh hoạt này, thời gian diễn ra, và nguyên nhân khiến cho các sinh hoạt này bị gián đoạn.
LTT: Sống nơi xứ người thiếu thốn nhiều về mặt tinh thần ai cũng khao khát được sống và sinh hoạt chung với những người đồng hương. Thành phố Eskilstuna, nơi định cư của gia đình em trong những năm đầu, có một số ít người Hoa và Việt gốc Hoa sinh sống. Họ có một vài sinh hoạt cho cộng đồng của mình vào hai dịp lễ lớn, Tết Nguyên Đán và Trung Thu, và em đã được lôi cuốn vào một sinh hoạt đó qua một người bạn Việt gốc Hoa học chung lớp.
Dịp đó là lễ Trung Thu năm 1994 người bạn ấy được giao nhiệm vụ phụ trách phần ca nhạc dành cho các em thiếu nhi. Bên cạnh những bài hát bằng tiếng Hoa bạn em cũng muốn trình bày một vài bài dân ca Việt cho thiếu nhi trong những bộ trang phục truyền thống Việt Nam. Thế là em được góp tay vào quá trình chuẩn bị với bạn. Nhưng tiếc rằng đang trong giai đoạn chuẩn bị đó người bạn đột ngột phải theo gia đình sang định cư ở Na Uy.
Sự ra đi của bạn làm em bơ vơ trước một cộng đồng sinh hoạt chủ yếu bằng tiếng Hoa,và cho người gốc Hoa. Sau này em mới nhận thức được rằng cũng một phần bởi vì mình xuất xứ từ miền Bắc, nên có gặp phải chút khó khăn khi hòa nhập với họ, vì đa số họ đã có ký ức không tốt và mấy thiện cảm với người ngoài Bắc.