Menu Close

Thành phố buồn thiu

Từ Amarillo đi Albuquerque mất hơn bốn tiếng đồng hồ. Xe chạy qua những thị trấn nhỏ xíu, tên nghe rất thổ dân và đìu hiu lạ lùng. Sông Red River chỉ toàn đất đỏ, chung quanh toàn cây xương rồng làm tôi hoang mang. Làm sao con người có thể sống ở miền đất đai khô cằn này? Ấy thế mà người ta vẫn sống cho dù thị trấn chỉ có chừng vài chục nóc gia. Và lạ nhất, có một thị trấn nhỏ toàn nhà trọ dành cho khách du lịch trên con đường 40 tức xa lộ 66 lịch sử ngày trước. Nhưng như thế cũng chưa thể nói là kinh doanh có hiệu quả vì mấy ai dừng chân giữa nơi khỉ ho cò gáy?

alt

Chỉ khi đến được Albuquerque tôi mới cảm thấy an tâm trút bỏ nỗi lo trong đầu lỡ khi không trên đường xẹp bánh xe thì khổ. Người có máu phiêu lưu gặp những chuyện trục trặc xe cộ là chuyện bình thường. Chuyện nhỏ. Thế nhưng đối với tôi mấy thứ kỹ năng tháo lắp bánh xe lại là chuyện lớn. May mà không có gì xảy ra nên tôi còn cảm nhận thành phố Albuquerque có một nét đẹp rất riêng của vùng đất cát sa mạc, núi non bao quanh như ôm phố vào lòng. Một khung cảnh hữu tình đối với người từ nơi khác đến chăng.

Albuquerque nhỏ thôi chừng năm trăm ngàn dân trong đó có khoảng năm sáu ngàn người Việt sinh sống, nhưng là thành phố lớn nhất ở tiểu bang New Mexico. Những thông tin này chỉ áng chừng khi tôi tình cờ gặp một người đồng hương trước ngôi chợ lớn nhất tại thành phố Albuquerque này. Đây là ngôi chợ gần như là Việt duy nhất tại đây. Cầm tờ báo Trẻ trên tay, anh vui mừng nói: “Thành phố này buồn chết được. Ở đây ngoài việc đi làm, về nhà nằm chèo queo, không có gì để đọc”. Tôi hỏi: “Vậy chứ tờ báo này bán anh mua không?”. Anh lật lật tờ báo, gật gù. Mua chứ với giọng nói chắc đanh.

alt

Đường đến Albuquerque hai bên đường toàn là xương rồng

Lại gặp một chị đi chợ. Chị chủ động hỏi tôi báo bán mấy đồng. Tôi nói hai đồng. Chị mở ví, không thấy tiền lẻ, chị đưa năm đồng. Điều này làm tôi cảm động. Vẫn còn có nhiều người quan tâm đến nghề làm báo và lòng tôi tự dưng hào phóng bảo chị cất đi, lại còn biếu thêm cho chị hai tờ đem về tặng bạn bè đọc cho biết. Chị nói đâu được, công khó của người làm báo, ai nỡ lấy không. Thành phố này, báo chí ít ỏi, muốn đọc cũng không có báo, đi chợ trễ, báo cho hết trơn, chẳng có gì đọc, chán chết. Tôi thật sự cảm ơn hai người đồng hương bất chợt tại một thành phố xa lạ mà ai cũng bảo buồn chán chết. Buồn chán chết thì đừng, cuộc sống còn tươi đẹp lắm. Ngay cả những người hành khất lê la ở các trạm xe buýt, các góc phố, trên môi phì phà khói thuốc và nheo mắt mỉm cười với người qua đường. Trông họ còn yêu đời hơn tôi tưởng. Theo tôi thành phố này buồn thiu thôi, bởi cuộc sống của người Việt mình gần như khép kín, không có nơi sinh hoạt ngoài nhà thờ, chùa chiền hay trung tâm cộng đồng người Việt. Chỉ có điều hàng quán thức ăn Việt thưa thớt và hầu như hiếm thấy bà con đồng hương đến tiệm.

Anh phục vụ trong quán ăn Quê Hương cho biết như vậy bởi thấy tôi ngó quanh tiệm kiểu người khách từ trên trời rơi xuống. Anh ghé bàn nói chuyện đôi điều về thành phố buồn thiu đúng như anh dùng từ. “Tôi cũng muốn dọn đi Dallas. Tôi ở đây hai chục năm rồi, chẳng có gì vui, thành phố này chẳng khác tỉnh lẻ, buồn tênh. Người Việt mình ít khi quán xá, chỉ khi nào có khách từ nơi khác đến thăm mới rủ nhau ra quán. Nếu anh có ý định đến đây lập nghiệp, tôi có lời khuyên, xin đừng. Cả một thành phố lớn như lòng bàn tay không có một văn phòng luật sư, bác sĩ nào người Việt mình hết. Ai làm nghề này đến đây mở văn phòng sống được lắm”. Anh nói một hơi, thông tin đầy đủ về cách sống, công ăn việc làm. Anh thì muốn ra đi nhưng lại mong có thêm người khác đến thành phố mình. Thực ra, người Việt tại Albuquerque di chuyển qua thành phố khác khá nhiều so với trước kia. Giá sinh hoạt thành phố không khác Dallas-Fort Wort là mấy. Chỉ có cái giá của nỗi buồn là không cân đong đo đếm được. Buồn là buồn mênh mông.

alt

Đường 66 theo hướng Tây đi Arizona qua thành phố Albuquerque

Nói vùng đất mình ở buồn thiu, cuộc sống tẻ nhạt nhưng lại có mấy người Việt mình ra đi tìm cuộc sống mới nơi thành phố khác. Công việc làm ăn đã gắn kết họ, ra đi là điều chẳng đặng đừng, trừ khi thất tình, phá sản hay một thiên tai, một công việc khác dễ chịu và thu nhập khá hơn. Anh đồng hương tôi gặp trước chợ  nhắc ở trên nói rằng, người Việt mình ở Albuquerque trước đây phần nhiều làm ở các xưởng chế tác đồ trang sức, nhưng nay nhiều người đã chuyển nghề vì có được công việc làm nail thu nhập cao hơn. Do sự cạnh tranh, một số người phải di chuyển đến thành phố khác lập nghiệp. Số người còn lại an phận với thời gian xây dựng cuộc sống, không muốn ra đi vì ở đâu cũng phải làm. Làm lại từ đầu lại càng khó. Thật ra, cái lý anh nói đúng một phần. Phần còn lại, tôi nghĩ đó là tình cảm, là kỷ niệm mà người ta không muốn dứt bỏ, một khi cuộc sống đã tạo thành cái nếp, thói quen đã cắm rễ ăn sâu vào tư tưởng.

Hôm tôi có dịp đến Beaumont cách Houston một tiếng rưỡi lái xe. Trước đây, người Việt mình sống tại đây gần bốn ngàn người, đa số làm nghề đánh bắt hải sản. Nhưng thực tại bảy tám phần đã dọn về Houston sầm uất, đông vui xứng với cái tên “Bolsa của Texas”. Đường phố cuối tuần vắng hoe. Khu dân cư được phép kinh doanh nên những cửa tiệm nhỏ kết hợp nhà ở trở thành những tiệm tạp hóa trong xóm gợi nhớ kỷ niệm xóm nhỏ quê nhà nhiều hơn là hình ảnh mình đang sống trong một đất nước hiện đại Hoa Kỳ. Những người ở lại đều là người cố cựu, đến định cư đầu tiên vài chục năm trước, có nghề đánh bắt mưu sinh và họ đã có được mái nhà, chiếc xe do chính cái nghề của họ mang lại. Nhưng cơn bão Rita mấy năm trước là cái cớ để họ ra đi sâu vào đất liền nhưng cái chính là con cái trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định đủ bảo đảm cuộc sống ở thành phố lớn đông đúc.

Tôi nhớ cố nhà văn Đặng Trần Huân bố của người bạn thời đi dạy học, có viết cuốn truyện “Thành phố buồn thiu”. Thú thật tôi chưa được đọc, không biết ông nói đến thành phố buồn thiu nào. Riêng tôi như trên đã nói cảm nhận của mình về thành phố Albuquerque nên thơ giữa núi đồi chứ không đến nỗi buồn chán, buồn thiu như những cư dân sinh sống tại đây. Có lẽ, đó chỉ là cách nói của người sống trong một tiểu bang rộng lớn hạng thứ năm trên nước Mỹ và dân số vỏn vẹn có hai triệu người.

alt

Núi đá đỏ, cảnh đẹp của New Mexico

NL