
Noel vùng chiến khu D cũ
Nhắc đến địa danh Bến Sắn thuộc xã Khánh Bình huyện Tân Uyên tỉnh Bình Dương, ai cũng biết củ sắn không hề là đặc sản của vùng đất khô cằn này mặc dù chính nó giúp hình thành tên đất. Đặc sản của Bến Sắn, chính là … trại phong Bến Sắn, được thành lập từ hơn 50 năm trước (về trại phong này, sẽ có một bài riêng) Xéo với trại phong, bên kia đường là nhà thờ Bến Sắn. Ngôi nhà thờ cao to, khá đẹp, tọa lạc trên khuôn viên thoáng đãng, là một trong hai nhà thờ hiếm hoi tồn tại trên vùng đất một thời từng được mệnh danh là chiến khu D của Việt Cộng (nhà thờ còn lại, là nhà thờ Lạc An, nằm trên đường tới thủy điện Trị An).

Mùa Noel năm 2010 này, cũng như bao nhà thờ khác ở Bình Dương, Đồng Nai, nhà thờ Bến Sắn đẹp lộng lẫy với những dây đèn ông sao, hang đá, máng cỏ, cây thông… Ngày 24 tháng 12, mới bảy giờ tối, sân nhà thờ đã khá đông. Nhiều người không phải là giáo dân, đến không phải để lễ, mà để hòa mình trong không khí hội hè “cho trẻ con nó vui”. Rất nhiều thanh niên nam nữ là dân thị trấn Tân Uyên, công nhân khu chế xuất Tân Uyên, người buôn bán lặt vặt ở chợ Quang Vinh. Họ cũng diện đẹp, đi xe gắn máy đắt tiền, chụp ảnh ghép đôi, ăn uống vui vẻ náo nhiệt, y như dân thành phố.

Chín giờ đêm, lễ rước Chúa bắt đầu. Trong thời tiết rét ngọt, cha chánh xứ giáo phận Bến Sắn xuất hiện trước nhà thờ Bến Sắn, kính cẩn đưa mình Thánh Chúa lên cao trước khi rước vào nhà thờ, mọi người đứng chắp tay kính cẩn. Trẻ nhỏ được người lớn công kênh lên vai tròn mắt nhìn tượng Chúa. Các em không hề biết hơn hai ngàn năm trước, Chúa Hài Đồng đã chào đời trong một máng cỏ nghèo, ở một vùng đất cũng khô cằn tương tự như vùng Bến Sắn của các em bây giờ.
Bận rộn nhất ngoài sân nhà thờ, quanh khu vực hang đá, phải nói là cánh thợ chụp ảnh. Để có một tấm ảnh “để đời” chỉ mất 10,000 đồng. Khách hàng chen nhau vòng trong vòng ngoài, đợi đến phiên chụp ảnh. Đắt khách không kém thợ chụp ảnh là tài xế xe ôm. Ngày thường một cuốc xe năm cây số giá hai chục ngàn, đêm Noel, tăng gấp đôi. Có con nhỏ, chê mắc nhưng đành bấm bụng đi vì chân lý “qua sông phải lụy đò” muôn thuở. Thế “ông lái đò” ở nhà đâu không chở mà phải nhờ “lái đò” ngoài đường? Người phụ nữ trẻ không trả lời, cắm cúi dắt con đi, đứa bé chỉ mới độ hai tuổi.
Chuyện mẹ trẻ một mình dắt con đi lễ, không có bố đi cùng, ở đây không hiếm, nếu không muốn nói là “hơi bị nhiều”. Một bà trong họ đạo Bến Sắn buồn buồn kể về những người nữ công nhân một mình nuôi con. Tiểu sử họ khá giống nhau: nhà ít ruộng, đông miệng ăn, bỏ học nửa chừng để “đi” công nhân trong Nam lấy tiền gửi về quê. Nhiều cô lớn xác nhưng thật thà. Gặp dịp đám cưới, Noel, tết Tây, tết Ta các cô cũng chải chuốt chưng diện, cặp bồ. Rốt cuộc khôn ba năm, dại một giờ, một mình vượt cạn, nuôi con. Từ “chức” công nhân rớt xuống bán rau, bán quần áo xôn, bán chè cháo, cà phê. Tương lai các bà mẹ đơn thân chả sáng sủa gì. Trước mắt, phòng trọ của họ (ghép chung vài người một phòng cho rẻ) ngày ngày vẫn vang tiếng cãi nhau, tiếng lục đục nấu nướng, tiếng ru con bằng ca nhạc. Và mùa đông về, dậy từ hai ba giờ sáng đi cất hàng trong gió rét cắt thịt, họ vẫn trông chóng tới Noel để lôi đồ đẹp ra diện cho con, í ới rủ hàng xóm đi chơi nhà thờ, chụp ảnh. Những đứa trẻ con họ, hầu hết không biết mặt cha. Lắm đứa khôi ngô, xinh như chúa Hài Đồng trong tranh vẽ. Chúng còn quá nhỏ để có thể biết, vào đêm giáng sinh như đêm nay, thông điệp “live to love” – sống để yêu thương – từ Thiên Chúa nhiều khi không thể truyền đi được, dù chỉ một khoảng cách ngắn. Bằng chứng là bên này nhà thờ Bến Sắn đông đúc nhộn nhịp, đèn hoa rự rỡ. Mọi người đều bình đẳng trong niềm vui mừng chúa Giáng sinh. Bên kia đường, trại phong Bến Sắn, im lìm, khép kín. Gần 40 gia đình, hơn 650 con người có bệnh, cách ngăn hẳn với đời sống bình thường. Con em họ, gần 100 thanh thiếu niên, không mắc bệnh của cha mẹ, nhưng đêm Noel chỉ quanh quẩn trong khu nhà thờ trại phong. Bên này đường những đôi mắt trẻ trại phong đau đáu nhìn ra. Bên kia đường, những đôi mắt trẻ không bố tò mò nhìn vào.
Không bằng năm ngoái
Trên tivi, cảnh Noel Châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Quốc chìm trong bão tuyết dầy đặc, nhiều phi trường tạm ngưng hoạt động, hành khách buồn rầu, mệt mỏi nằm ngồi ngổn ngang cùng hành lý thay vì được sum họp cùng gia đình trong đêm giáng sinh ấm áp đã khiến người Sài Gòn ái ngại. Tiếng kêu rét của họ kịp thời ngưng lại, dù Noel năm nay trời lạnh bất ngờ, nhiệt độ ngoài trời xuống 20 độ. Nhìn toàn cảnh, Noel Sài Gòn năm nay không “sung” bằng năm ngoái. Những nơi như thương xá Tax, đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi năm ngoái lộng lẫy đèn hoa bao nhiêu, năm nay sơ sài bấy nhiêu. Trong hậu sảnh khách sạn Continental dưới những biểu tượng Merry Chrismas và Happy New Year treo lưa thưa trên cây sứ, khách tây khách ta vừa uống cà phê, vừa trao đổi tình hình thời sự, bình chọn những sự kiện nổi bật trong năm, phàn nàn thiên tai, hạn hán, lũ lụt khắp nơi… Loáng thoáng trong câu chuyện của họ có tin về sự “hạ cánh an toàn xuống lòng đất Long An của ông giáo sư Trần Văn Giầu. Trong khi đó, một VIP khác, cũng tên Giầu, nhưng là Nguyễn Văn Giầu – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lại điên đầu “dầu dĩ” (rầu rĩ) về sự “phá giới” của vài ngân hàng “làm loạn” dịp cuối năm, khi đưa ra mức lãi suất huy động trên 15%, làm rúng động cả hệ thống ngân hàng trong nước.
Một sự kiện khác, cũng được giới cà phê nhắc tới là con số năm triệu khách đến Việt Nam trong năm 2010 mà ngành du lịch Việt Nam đang quảng cáo rùm beng như thành tích cao nhất của ngành trong vòng 20 năm trở lại đây. Có người hoài nghi, không tin vì theo họ Việt Nam không có gì hấp dẫn để thu hút khách du lịch đông đảo. Người khác cãi lại, dẫn ra sự kiện đại lễ nghìn năm Thăng Long, hàng loạt các cuộc họp của ASEAN mà Việt Nam đã triệu tập với tư cách chủ xị, thêm cuộc thi hoa hậu Trái Đất ở Nha Trang, làn sóng “đến hẹn lại về” dịp cuối năm của kiều bào Việt Nam đang sinh sống và học tập tại nước ngoài…

Trong khi đó, cánh xe ôm neo xe chờ khách ở những ngã tư, đầu hẻm, cổng nhà thương, chợ búa, dịp cuối năm Tây không bàn thiên hạ sự mà bàn “xe ôm sự”, với ít nhiều khó chịu. Chẳng là, theo yêu cầu của thành phố, cánh xe ôm nay phải “được” quản lý. Cụ thể, từ ngày 1 tháng 1 trở đi, tài xế “xe dân biểu” phải đeo bảng tên trước ngực. Phải tới phường xã nơi cư trú đăng ký. Lợi ích của việc gắn bảng tên thì khỏi bàn cãi, nhất là với khách hàng là phụ nữ, người đi đêm, du khách nước ngoài. Nhưng với dân trong nghề, họ cho là không cần thiết. Ông Tư Hà, chạy xe ôm từ “năm một ngàn chín trăm hồi đó” ở chợ Tân Định nhận xét, bao nhiêu năm qua, không đóng thuế, không nghiệp đoàn, không luật lệ, nghề xe ôm âm thầm tồn tại giữa lòng Sài Gòn, góp phần giải quyết nạn thất nghiệp. Thỉnh thoảng, xui lắm mới nghe vài vụ khách dí dao trấn lột, cướp sống “cần câu cơm” của tài xế. Còn bình thường khách đi xe, tài xế lái xe chẳng than phiền gì. Tự nhiên, năm hết tết đến, chuyện đáng làm như bắt rượu lậu, hàng gian, hàng giả không làm, đi làm cái chuyện “siết”xe ôm. Năm trước, đòi “siết” xe ba gác, chưa xong, năm nay tới xe ôm. Dám ba cái xe đòn đám ma, đám cưới, năm tới cũng “siết” luôn!

Dạo một vòng lễ Tết cuối năm Tây, từ thôn quê lên thành phố, kẻ viết bài nghiệm ra, mùi vị của nó không chỉ thuần ngọt ngào như bánh Buche de Noel mà còn trộn lẫn bao mùi vị đắng cay, lo lắng, chán ghét… Những mùi kỳ cục này các ông văn sĩ gọi nó là Mùi Đời. Chẳng biết có đúng hay không!