Menu Close

Những đêm đại mộng

Đời buồn quá, quanh đi quẩn lại chuyện sinh lão bệnh tử. Bỏ đời, ta đi vào mộng, qua mấy ngàn năm, khi ra khỏi mộng vẫn thấy đời lão bệnh tử sinh.

Bây giờ râu tóc bạc rồi, ngồi trên phiến đá già nghìn tuổi, cạn xong bầu rượu, ta kể lăng nhăng chuyện mộng vẩn vơ…

Một đại vương thời Xuân Thu Chiến Quốc, trước khi băng hà, gọi con đến bên giường căn dặn: “Mộng ước của cha là cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ngoài biển khơi, quét sạch bọn giá áo túi cơm, gồm thâu thiên hạ, lên ngôi cửu trùng, nhưng đời người có hạn, cha mới thu phục được phương Bắc, còn phương Nam con gắng mà lo liệu.” Nói xong nhắm mắt lìa đời.

alt

Bảo Huân

Chuyện trên do một đạo sĩ đã tu thành tiên kể, chuyện đã ngắn mà còn không hay, nhưng cho chúng ta thấy tâm lý ngàn đời của Hán tộc là luôn mơ giấc mộng đế vương. Trong những trang sử của Trung Quốc không bao giờ ngớt tiếng vó ngựa của những cuộc chinh phạt, những mưu đồ vương bá. Hẳn là Mao Sếnh Sáng trước khi lìa trần đã gọi đàn em đến bên giường tay chỉ về phương Nam, chẳng thế mà giờ đây Hán tộc đang lăm le lè lưỡi liếm láng, liếm sạch tôm cá, quặng mỏ, tài nguyên… ngoài biển Đông.

Đời như giấc mộng lớn. Trong giấc mộng lớn ấy lại có vô số những giấc mộng nhỏ. Có những giấc mộng rất nhỏ, rất tội nghiệp nhưng suốt đời người chẳng bao giờ thực hiện nổi.

Một nông dân từ khi còn là một đứa bé chăn trâu mướn cho các nhà giàu trong làng, mơ ước một ngày nào đó có được một con trâu cho riêng mình. Lớn lên, có vợ con rồi, vẫn phải gò mình trên đồng kéo cầy. Đến khi về già cũng không sao có nổi một con trâu. Lúc hấp hối trên giường, gọi thằng con cả đến trăn trối: Cố dành dụm mà mua lấy một con trâu… (1)

Một họa sĩ trẻ căng một tấm vải trắng trên giá vẽ tự hứa với chính mình là sẽ cho ra đời một kiệt tác, nhưng cứ vẽ ra rồi lại xóa đi cho đến khi tóc đã bạc mầu, còn tấm vải trên giá vẽ thì ố vàng với thời gian mà tác phẩm vẫn chưa ra đời.

Một điều ít ai nghĩ đến là: Kẻ thù của những giấc đại mộng không bao giờ là những cái to tát, lớn lao. Kẻ thù của nó chỉ là những cái rất tủn mủn, rất lặt vặt, rất bẩn như câu chuyện này:

Ba thanh niên tên là Giáp, Ất và Sửu, là bạn thân và cùng sống trong một làng, thích đọc chuyện Tam Quốc. Một ngày nọ, ba anh bắt chước Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi kết nghĩa vườn đào. Không có vườn đào thì vườn quýt cũng được. Trong vườn quýt ba anh cũng uống rượu, cũng trích máu thề với đất trời rằng sẽ cùng nhau làm nên những chuyện kinh thiên động địa, những chiến công hiển hách, sao cho biển dậy ba đào, sao cho tổng thống biết mặt, thủ tướng biết tên.

Nhưng Giáp phải lên Hà Nội nhận việc làm. Ngày lên đường, Ất và Sửu ngậm ngùi đưa tiễn. Lúc chia tay, cả ba trịnh trọng nhắc lại lời thề trong vườn quýt.

Sang năm, Giáp về làng thì Ất và Sửu đã lấy vợ. Giáp đến nhà Ất chơi. Hai người ngồi nói chuyện với nhau ngoài bờ ao. Giáp hỏi:

– Mày với thằng Sửu bây giờ ra sao rồi?

Ất hằn học:

– Thằng ấy chơi không được! tao cạch mặt nó!

Giáp ngạc nhiên:

– Mày với nó vẫn quý mến nhau lắm mà?

– Mày biết không, nó là con người xảo quyệt, ma mãnh! Nó sang nhà tao mượn vợ tao một thìa mỡ về rán cá. Vợ tao cho nó mượn một thìa mỡ đặc, đến khi vợ tao đòi, nó lại trả một thìa mỡ loãng. Mày nghĩ mà xem, một thìa mỡ đặc bằng ba thìa mỡ loãng ấy chứ!

Giáp vừa nhặt những viên đá nhỏ ném những cánh bèo trên mặt ao, vừa cười sằng sặc. Ất bực mình:

­- Mày cười cái gì ?

– Tao cười vì tao nhìn thấy những giấc mộng huy hoàng, những chiến công hiển hách, những sự nghiệp lẫy lừng đang bị rán trong chảo bởi một thìa mỡ đặc và ba thìa mỡ loãng! (2)

Cuối năm ngồi nghĩ quẩn, sực nhớ có ai nói rằng lịch sử được viết bởi bàn tay những con người mơ mộng. Hình như đúng. Ta muốn thay đổi trật tự thế giới, ta muốn thống nhất non sông, ta muốn mở mang bờ cõi. Nếu những kẻ tầm thường mà mơ mộng thì không sao, nhưng vô phúc mà những kẻ có chí có tài mà mơ mộng thì thật là phiền, máu sẽ chảy như sông…

Mình là kẻ hèn mọn nên cũng chỉ mơ mộng theo kiểu ôm đàn mà ca rằng: Đời như giấc mộng. Chờ nhau một thoáng đã phai mầu tóc xanh. Hay là ngâm nga mấy vần thơ của kẻ vô danh nào đấy:

Đi qua ngõ lầm than
Nhặt mộng vỡ mộng tàn
Chất đầy con thuyền mộng
Xuôi về Nam…

NQT
(1) Trần Tiêu (2) Khái Hưng