Nói theo từ ngữ báo chí trong nước thì nước ta dạo này có nhiều công trình “vĩ đại” và “hiện đại”. Cái gì cũng “đại”. Ngay cả chuyện làm cái gì thì cũng làm… đại. Chuyện “hầm cơ giới” Kim Liên “hiện đại nhất Hà Nội” là một thí dụ . Trước khi được… thông, báo chí thiệt hào hứng với các tít “nảy lửa”. Nào là “Thông hầm hiện đại nhất Hà Nội”. Hay “Thông hầm Kim Liên: Giải pháp mới cho bài toán kẹt xe” (Nói thiệt chớ chú Ba Xe Ôm cứ cười hoài ba chuyện này. Từ ngữ thì rổn rảng, nghe còn kêu hơn pháo nổ, nhưng đọc cứ như nói chuyện… thông cống hay thông hầm cầu).
Đúng chuyện thì đây là một đường hầm xe chạy dài chừng hơn 100 mét. Thay vì làm cầu vượt trên cao như bên Tây, ta chơi xuyên xuống đất cho đúng tinh thần “hầm hố” từ hồi nẳm đến giờ. Xây hơn 3 năm, tốn bộn bạc từ tiền của Nhật viện trợ. Nghe biểu đâu chừng 500 tỉ tiền ta, tức khoảng ba chục triệu đô. Nói nào ngay, vấn đề kẹt xe đô thị cũng là chuyện nan giải, nước nào cũng đối diện và tìm cách giải quyết. Làm đường hầm hay xây cầu vượt trong việc đô thị hóa là chuyện cũng đáng làm. Nhất là từ tiền viện trợ nước ngoài thì dại gì mà không làm. Nhưng làm đại, làm ẩu thì chú Ba Xe Ôm hổng chịu. Gì mà mới “thông hầm” được 2 tiếng đồng hồ, thì hầm trở thành… cống. Ông trời cũng chơi ngặt. Dù gì cũng để cho các quan ta nở mày nở mặt, mở tiệc ăn nhậu chút đỉnh. Chưa chi hết đã cho một trận mưa làm ngập hầm, làm các quan cũng ốt dột.

Nhưng chưa chắc là các quan ốt dột, vì ngay sau đó quan Giám đốc “Ban quản lý các dự án trọng điểm giao thông đô thị Hà Nội” (mèn ơi, đọc nghe hụt hơi) hùng hồn tuyên bố rằng “Hầm bị ngập là không có gì bất ngờ”. Quan ta quả như thần, làm chuyện gì cũng tính trước, nên chuyện đường hầm trở thành sông hay cống cũng nằm trong dự liệu. Ông kêu mai mốt đặt máy bơm thì sẽ “giải quyết được vấn đề” (!??) (chắc xịt qua nhà dân, chớ chẳng biết bơm đi đâu), vì tháng 10 mới chính thức là xong. Nhưng chuyện đó cũ như…hầm cầu rồi. Hơn một tháng. Nhắc chuyện… xưa để nói cái mới hôm qua.
Chuyện mới vài ba bữa nay là cái hầm này hổng chịu ngập thôi, mà bữa nay lại… nứt. Giữa hầm nẻ ra cái khe, chảy nước tá lả. Hổng biết nước ở đâu ra. Hình như bà Hồ Xuân Hương có vịnh cái hầm này trong bài thơ “sấm” đề “Hang Cắc Cớ” của bà (chắc vậy):
“Trời đất sinh ra đá một chòm
Nứt làm hai mảnh, hỏm hòm hom
Kẽ hầm rêu mốc trơ toen toẻn,
Luồng gió thông reo vỗ phập phòm
Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm
con đường vô ngạn tối om om
Khen ai đẽo đá, tài xuyên tạc
khéo hớ hênh ra, lắm kẻ dòm”.
Dân chúng, báo chí lại có dịp “dòm”, chụp hình, bàn tán cái “kẽ” ngay giữa lòng thủ đô. “Bụp” ngay cái “kẽ” vô mặt các quan lớn. Kỳ này ông Tổng hổng ra mặt, mà đưa ông Phó. Học chung một thầy, soạn chung một bài, nên ông Phó cũng mạnh dạn tuyên bố “Hầm bị nứt và rỉ nước là chuyện bình thường và đã dự kiến trước” (!?)Mèn ơi, kỹ sư nước ngoài có mau mà qua xứ ta để “học tập kinh nghiệm”. Xây cây cầu, làm con đường phải biết trước nó thọ bao nhiêu… ngày. Kỹ thuật “hiện đại” là phải vậy chớ, phải cao siêu, thần sầu vậy mới ngon. Suy ra chuyện mấy cây cầu dưới miền Tây xây chưa xong bị sập hay gãy dầm, hay đường hầm Thủ Thiêm bị nứt đều là điều đã được “dự kiến trước”. Ông Phó cũng nói thêm như đinh đóng cột tre rằng “không có rút ruột”, tức không có chuyện ăn chận, ăn bớt, ăn gian. Câu “hổng có rút ruột” cũng là câu thần chú của các quan.
Nghe cầu gãy, dầm sập đè chết công nhân thì câu đầu tiên các quan tuyên bố với báo chí là “hổng có rút ruột”, dù… hổng có ai hỏi. Chuyện gì hổng tin chứ chuyện này là Ga tui tin các quan ta nói thật (cái này Ga tui nói thiệt). Chuyện cắt xén, ăn chận đôi ba chục tấn sắt thép, xi măng là chuyện vặt của bọn lâu la, lính lác, công nhân. Các quan lớn bên trên cứ “duyệt”, ký vào giấy tờ là được bọn thầu “lại quả”, dâng vài triệu đô bỏ túi ngọt ngây. Bỏ bèn gì ba mớ sắt thép, xi măng mà “rút ruột”.
Trở lại chuyện đường hầm nứt gãy, chú Ba kêu mấy môn học về sức bền vật liệu, ứng suất, dầm chịu lực hay hệ số an toàn của các kỹ sư công chánh hay kỹ thuật từ đại học Phú Thọ hồi xưa chắc bây giờ quẳng vô sọt rác hết rồi. Học chi cho tốn gạo. Cứ mần tới, mần đại. Nếu đường hầm hay cầu có gãy, có sập hay nứt nẻ thì cũng là chuyện thường, chuyện “nằm trong dự kiến”. Nên mai mốt mấy chuyện lớn hơn, như cả ban bệ các quan lớn có bị gãy, bị sụp thì cũng là chuyện “nằm trong dự kiến”.