Tháng Hai năm 2008, ngay sau khi đảng Dân Chủ đề cử ông Obama, là người da đen đầu tiên, làm ứng cử viên ra tranh cử tổng thống Mỹ thì vợ của ông nói một câu mà ban tham mưu của ông chữa cháy không kịp. Bà nói: “Đây là lần đầu tiên trong đời kể từ khi trưởng thành, tôi mới thấy tự hào về đất nước tôi!” Nhiều người phe đảng Cộng Hòa cũng như không đảng đã chỉ trích bà là kẻ vô ơn. Nếu không nhờ chính sách nâng đỡ dân thiểu số (qua đạo luật Affirmative Action) thì không đời nào bà lọt vào được đại học Princeton và sau đó là trường luật danh tiếng của Harvard để trở thành luật sư. Sau vụ đó, bà không còn ăn nói tùy hứng (trước công chúng) và nếu phải nói thì đều có bài bản (của ban tham mưu ?). Có lẽ cũng nhờ bà nói ít lại như vậy đã phần nào giúp ông Obama làm tổng thống được hai nhiệm kỳ. Thực ra, để giúp chồng thành công, việc người vợ nói ít nơi công cộng không quan trọng bằng nói ít ở nhà. Chắc là các nhà nữ quyền cũng phải đồng ý như thế sau khi nghe câu chuyện (đời) của ông Lý An người Đài Loan.
Nếu hỏi về ông Lý An thì có lẽ chẳng mấy ai ở Đài Loan để ý. Nhưng nhắc đến đạo diễn điện ảnh Lý An thì không chỉ ở Đài Loan mà cả thế giới đều biết. Ông đã nổi danh toàn cầu năm 2000 với bộ phim Ngọa Hổ Tàng Long. Mới đây ông càng được thế giới ái mộ hơn qua bộ phim Chuyện Đời Pi. Sau cuốn phim này, ông đã tiết lộ bí quyết đầu tiên về sự thành công trong nghề nghiệp điện ảnh của mình với các khán giả hâm mộ. Câu chuyện khởi đầu vào năm 1979 lúc ông đã 24 tuổi, vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự và trở về cuộc sống dân sự. Mặc dù bị cha mình phản đối dữ dội, ông vẫn khăn gói sang Mỹ với số tiền dành dụm theo học ngành điện ảnh. Sau khi tốt nghiệp, đúng như lời can ngăn của cha mình, ông không kiếm được việc làm với cái bằng đạo diễn ở đâu cả! Ông như một con cá ươn; chẳng ai thèm nhận. Khi ấy chắc ông phải ăn cơm với muối nếu đã không lấy vợ.

Đạo diễn Lý An và phu nhân – nguồn superiopics.com
Vợ ông cũng từ Đài Loan sang Mỹ du học ngành sinh học. Trong sáu năm trời, ông chỉ ở nhà để vợ nuôi. Ông cố gắng xoay xở để kiếm tiền trong ngành điện ảnh mà không xong. Ông chuyển sang viết kịch bản rồi gửi đi hàng trăm nơi nhưng vẫn không có hãng phim nào để mắt đến. Suốt sáu năm ấy, vợ ông không hề cằn nhằn hay nói một câu gì làm ông mặc cảm. Bà tận lực đi làm nuôi ông và mấy đứa con. Có lẽ không đành lòng để vợ hy sinh như thế, ông quyết định chuyển nghề. Thực sự, ông không có nghề gì khác trong tay. Ông bèn lẳng lặng đến một trường đại học cộng đồng (community college) để ghi danh học về điện toán là một ngành mới đang phát triển lúc bấy giờ ở Mỹ. Tối hôm ấy đi làm về, vợ ông tình cờ thấy tờ khóa biểu các lớp học của ông nhưng bà không nói gì. Đến sáng hôm sau, trước khi ra xe đi làm, bà ngoái cổ lại hỏi ông: “Anh bỏ mộng làm phim rồi à?”
Ông đứng sững sau câu nói ấy của vợ dù xe của bà đã đi khuất. Lát sau, ông vào trong phòng xé vụn tờ khóa biểu rồi ngồi xuống viết một kịch bản phim khác. Sau hàng trăm kịch bản bị các hãng phim ở Mỹ từ chối (lặng lẽ), ông chọn tham dự một cuộc thi sáng tác của Bộ Thông Tin Đài Loan với hai kịch bản phim. Không ngờ đoạt cả hai giải: Nhất và Nhì! Sau đó, ông được mời làm đạo diễn cho kịch bản phim được giải nhất của ông. Sự nghiệp của ông bắt đầu cất cánh từ đó.
Kể ra, nói ít chưa đủ mà còn phải nói đúng lúc, như trường hợp vợ của ông Robert Lucas. Lucas là giáo sư kinh tế của trường Đại Học Chicago. Năm 1988, hai ông bà ra tòa ly dị. Bà vợ của ông không đòi gì nhiều; chỉ nói (trên tờ ly dị) rằng ông phải nhường cho bà một nửa số tiền nếu ông được giải thưởng Nobel. Độc đáo hơn nữa, bà còn thêm rằng nếu quá bảy năm (tính từ ngày ly dị) mà ông không được giải thì coi như điều kiện của bà hết hiệu lực. Giá trị giải thưởng Nobel khoảng chừng một triệu Mỹ kim và đến năm 1995 thì ông Lucas được giải. Không biết ông có tiếc rằng phải chi Hội đồng trao giải Nobel chờ thêm một năm nữa rồi hẵng trao…
Có lẽ một người vợ biết tài của chồng như thế thì nhường nguyên giải thưởng Nobel cũng không tiếc, nói chi một nửa? Như người vợ của ông Lý An, nhường cả cuộc đời cũng đáng.