Phần 4: Thực Tập Liên Hiệp Quốc & Viễn Ảnh Dấn Thân
TGT: Mùa thu năm 2006, Thanh Tùng được vinh dự làm thực tập viên cho Văn Phòng Thư Ký của Liên Hiệp Quốc tại Manhattan. Đây là một cơ hội tốt cho những thanh niên có hoài bão phục vụ xã hội như em. Qua bốn tháng trời thực tập tại Manhattan, em đã tìm cho mình những kinh nghiệm và bài học gì?
LTT: Đây là lần đầu tiên em đặt chân đến tạm cư tại một thành phố lớn và sinh động nhất thế giới. Cám ơn chị đã liên lạc với Cha Nguyễn Hoài Chương, SDB, nhóm Lửa Việt để em được tá túc miễn phí tại Bronx trong suốt thời gian thực tập. Cái cung cách sống và làm việc lặng lẽ và thư thả cố hữu mà em đã bị ảnh hưởng từ môi trường em đang định cư đã khiến em không khỏi bỡ ngỡ và lúng túng khi tiếp cận với phong thái sinh hoạt và môi trường làm việc năng động và sôi nổi của cư dân nơi đây.
Trụ sở Liên Hiệp Quốc điển hình là một nơi làm việc sinh động và bận rộn, không kém những sự kiện lớn xảy ra liên tiếp, diễn ra nhanh, qua đi và kết thúc cũng rất mau chóng. Tuy nhiên đằng sau những sự vụ được phơi bày là cả một thời gian dài và quá trình phức tạp với nhiều nỗ lực bàn thảo, thương thuyết giữa nhiều nhân vật, phòng, ban, ngành, cơ quan và tổ chức dân sự khác nhau.

Lê Thanh Tùng (bìa trái, đứng) và các sinh viên Việt tại Bắc Âu
Trong thời gian thực tập ở Phòng Đại Diện Tối Cao Những Nước Kém Phát Triển, trực thuộc Ban Thư Ký, em đã vinh dự được giao trách nhiệm cùng phụ trách tổ chức hai cuộc hội thảo cho hai sự kiện nằm trong khuôn khổ nhìn lại quá trình thực thi Hành động Brussels cho việc xúc tiến trợ giúp sự phát triển xã hội ở những nước nghèo và kém phát triển nhất thế giới.
Trách nhiệm tuy không nặng nề, nhưng công việc cứ liên tiếp trong việc tìm kiếm, thu nhận và phân tích thông tin, liên hệ với những nhân vật và tổ chức có liên quan, dự những cuộc họp chuẩn bị cho hội thảo, v.v… Bên cạnh đó em cũng được dự kiến quá trình điều hành, quản lý, kiến thiết và quyết định đề xuất dự luật, dự án, văn bản hành động, v.v…, của bản phòng lên cấp cao hơn.
Qua thực tế của công việc em nhận thấy rằng Liên Hiệp Quốc là môi trường làm việc đòi hỏi sự nhanh nhẹn và nhạy bén trong tìm kiếm, thu nhận và phân tích thông tin, kiên nhẫn và khéo léo trong sự liên hệ và ngoại giao với các nhân vật, phòng, ban, cơ quan, hội đoàn và tổ chức liên quan, tận tụy và quyết tâm với những công việc và nhiệm vụ mình đang theo đuổi. Hơn nữa môi trường làm việc cũng đòi hỏi tính chuyên môn cao, khả năng ngoại giao giỏi và quan hệ xã hội rộng rãi.
Khi làm việc ở một cơ quan đa dạng và phức tạp mà cũng rất quan liêu như Liên Hiệp Quốc, nhân viên sẽ học hỏi và rèn luyện được rất nhiều đức tính cần thiết cho sự dấn thân phục vụ xã hội và sự thăng tiến của bản thân về sau này. Riêng cho bản thân mình, tuy thời gian bốn tháng quá ngắn ngủi để làm việc cho một cơ quan tầm cỡ như vậy, em đã học được khá nhiều điều bổ ích, rèn luyện khả năng giao tiếp, đàm phán, nâng cao nhận thức tổ chức xã hội, v.v…, đồng thời ứng dụng được phần nào kiến thức mình đã được học vào trong thực tiễn của công việc.
TGT: Trong thời gian làm việc tại Manhattan, Thanh Tùng cũng có dịp đến thăm Little Saigon, và gặp gỡ một số hội đoàn và tổ chức tại đây. Ấn tượng đầu tiên của em về Little Saigon, nhất là từ cái nhìn của một người Việt ly hương sống tại Stockholm?
LTT: Cám ơn chị một lần nữa đã tạo mọi điều kiện để em được đến thăm Đại học Stanford và Little Saigon trong thời gian thực tập tại New York. Sau sáu tiếng mệt mỏi chạy xe từ Stanford đến Little Saigon, đi qua những dãy phố đầy những chiêu bài thương hiệu bằng Việt ngữ ngăn nắp chỉnh tề, em không khỏi ngạc nhiên dù vẫn biết đây là thủ đô của người Việt tỵ nạn, không nghĩ rằng mình đang chạy xe trên những con đường thuộc sở hữu của tiểu bang California.
Mặc dù giữa đêm khuya vắng bóng người nhưng em có thể cảm nhận được sự phồn vinh và thành công của đồng bào mình nơi đây. Sáng hôm sau khi đi trên những con đường chỉ toàn là người Việt em cảm như mình đang được đứng ngay trên quê hương mình vậy. Điều này đã làm cho em thật xúc động và tự hào về những người đồng hương của mình. Đối với em đây chính là một góc trời quê hương nơi đất khách quê người, một quê hương thịnh vượng hơn cả nơi chính quê hương của mình. Thêm vào đó, sự ấm áp thân tình của Anh Phạm Quang Trung, phong trào Đồng Hành Tây Nam Hoa Kỳ, người đã cho em lưu trú trong những ngày ở Quận Cam, khiến em cảm thấy như mình đang được gặp lại người thân.
Ở nơi đây em cũng đã gặp được nhiều bạn trẻ hăng say với những sinh hoạt đoàn thể, phục vụ cho cộng đồng của mình. Khi được anh Phú Nguyễn dẫn đến gặp gỡ Hội sinh viên Việt Nam ở đây em đã được ngồi cùng nghe các anh em bàn thảo chuẩn bị cho hội chợ Tết sắp tới. Các anh em cũng rất nhiệt tình và thân thiện trong xã giao, tạo cho người khách những cảm giác thật gần gũi.

Lê Thanh Tùng và các em trong một bữa ăn dân tộc
Trong thời gian này em cũng có được cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với đại diện của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) và Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (ViFF) là chị Ysa Lê và anh Việt Lê, được đến thăm trụ sở của tổ chức này, biết thêm rất nhiều về sinh hoạt văn hóa trong lĩnh vực nghệ thuật và điện ảnh của cộng đồng Việt nơi đây.
Em cũng vinh dự nhận được sự tiếp đón nhiệt tình của chị Kim Ngân và đặc biệt là thầy Minh Lân trong Viện Việt Học đã bỏ thời gian quý báu trực tiếp giới thiệu những cộng sự và sinh hoạt của Viện. Điều làm cho em hết sức cảm động, khâm phục và nhớ mãi trong lòng là tinh thần tận tụy, hăng say, sự nhiệt tình với văn hóa, gìn giữ và phát triển văn hóa cội nguồn trên xứ người của những người thầy tóc đã bạc trắng, những bậc cha anh còn phải bận rộn với cuộc sống cho riêng mình trong Viện.
TGT: Nếu có cơ hội định cư tại Little Saigon, Thanh Tùng sẽ chọn thực hiện lý tưởng “Kiến Quốc” trong lãnh vực nào?
LTT: Được thực hiện lý tưởng kiến quốc trong lĩnh vực chính trị là điều mà em khát khao và mong muốn nhất. Tuy nhiên những điều mình mong ước chưa chắc là những điều sẽ trở thành hiện thực. Công cuộc kiến quốc dẫu sao cũng không nhất thiết cần phải dấn thân vào lĩnh vực chính trị. Có rất nhiều lĩnh vực xã hội, dân sự, văn hóa và nhân sinh đang rất cần chờ sự đóng góp của những tấm lòng tha thiết vì con người và xã hội.
Ở bối cảnh người mình quê người này nung nấu lòng yêu nước thương nòi, dấn thân vì sự nghiệp dân tộc ở những thế hệ trẻ sinh trưởng ngoài lòng đất mẹ, là một trong những điều thiết yếu cần phải được quan tâm và cổ vũ. Cuộc đời của một con người có thể không xoay chuyển được vận thế của thời đại, nhưng nếu di chí được tiếp nối bởi những thế hệ sau này, cũng với tấm lòng hăng say như thế và hơn thế, thì vận thế sớm muộn cũng phải xoay vần.
Nhìn vào khía cạnh này, duy trì và phát triển văn hóa cội nguồn trên xứ người chính là nuôi dưỡng chí khí, tinh thần và linh hồn Việt Nam cho mai sau, nhất là khi giá trị nhân bản của dân tộc ít được những người chức trách trong nước đặc biệt quan tâm. Vận khí dân tộc có muốn được thịnh thì phải xem vốn liếng văn hóa của những thế hệ sau có thịnh hay không. Khổ tâm và gánh nặng tinh thần của Viện Việt Học bởi thế cần phải có những thế hệ trẻ đứng ra chia sẻ và đỡ đần.
TGT: Cám ơn Thanh Tùng rất nhiều đã trả lời phỏng vấn. Thân chúc em nhiều thăng tiến trong học vấn, và tìm được những cơ hội thuận lợi cho lý tưởng Kiến Quốc.
LTT: Cảm ơn chị Trangđài đã cho em có được cơ hội chia sẻ tâm tư với độc giả. Kính chúc quý độc giả, chúc chị vạn sự bình an!