Menu Close

Chích ngừa cúm

Mùa cúm năm nay đến sớm hơn một tháng và đã lan rộng tới 48 tiểu bang Hoa Kỳ. Có những dấu hiệu cho thấy tại một số nơi cúm đã lên đến đỉnh điểm. TRẺ tuần trước đã đưa ra một số câu hỏi và giải đáp về cúm. Vì tính cách nghiêm trọng của vấn đề, kỳ này xin trình bày thêm cũng về đề tài cúm để chúng ta có thêm hiểu biết.

alt

Cúm (flu, influenza) là một bệnh nặng về hô hấp gây ra do virus cúm, đưa đến nhiều biến chứng như sưng phổi (pneumonia), sưng cuống phổi (bronchitis), viêm xoang (sinusitis) và nhiễm trùng lỗ tai.

Người ở độ tuổi nào cũng có thể bị cúm nặng – ngay cả những người khoẻ mạnh – nhưng đáng quan ngại nhất là những ai có bệnh kinh niên. Trung tâm Phòng chống Bệnh tật (Centers for Disease Control- CDC) đã xác định những người thuộc các nhóm sau đây dễ bị cúm nhất:

– Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là các em dưới 2 tuổi
– Người lớn trên 65 tuổi
– Phụ nữ có thai
– Người làm trong các cơ quan săn sóc về y tế
– Người đi du lịch
– Nhân viên các trường học, các nơi giữ trẻ
– Thổ dân da đỏ, người dân Alaska.

Những người bị các bệnh kinh niên cũng dễ có nguy cơ bị cúm:

– Bị bệnh suyễn hoặc bệnh phổi kinh niên – như nghẽn phổi kinh niên (COPD) hoặc xơ nang (cystic fibrosis).
– Bệnh tim, bệnh tiểu đường, rối loạn về thận hoặc gan.
– Rối loạn về óc, cột sống, thần kinh ngoại biên, các bắp thịt, động kinh, đột quỵ, loạn dưỡng cơ (muscular dystrophy).
– Những người bị yếu hệ thống miễn nhiễm – như bị bệnh HIV, AIDS hoặc bị ung thư.
– Những người mập phì bệnh hoạn.

CDC khuyến khích mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên nên chích thuốc ngừa cúm hàng năm. Thuốc chủng làm cho các kháng thể phát triển trong người chúng ta 2 tuần lễ sau khi chích. Các kháng thể này tạo ra sự bảo vệ chống lại những sự tấn công của các virus có trong thuốc chủng rất thông thường hiện nay là A, B, và C.

Đừng lầm lẫn giữa flu và “stomach flu”. Stomach flu là bệnh ói mửa hoặc tiêu chảy gây ra bởi nhiều loại virus, vi khuẩn, ký sinh trùng. Còn flu là bệnh về đường hô hấp chứ không phải bệnh đường ruột hoặc bao tử.

Ngoài việc chủng ngừa, cần áp dụng thêm những biện pháp sau đây để tránh lây lan:

– Rửa tay: Thường xuyên rửa tay kỹ lưỡng là cách tốt nhất để đề phòng nhiều bệnh tật. Khi rửa tay, nên chà xát mạnh bàn tay với nước và xà bông ít nhất 15 giây đồng hồ, hoặc dùng loại sát trùng có cồn (alcohol).
– Kiềm chế cơn ho và hắt hơi. Khi ho hoặc hắt hơi nên che miệng và mũi. Để tránh nhiễm trùng bàn tay, nên ho hoặc hỉ mũi vào khăn giấy hoặc vào bên trong khủy tay.
– Tránh các đám đông. Bệng cúm lan truyền dễ dàng nơi chỗ đông người tụ tập – như trong các nhà trẻ, trường học, các văn phòng, giảng đường hoặc phương tiện chuyên chở công cộng. Trong lúc mùa cúm lên cao, tránh xa các đám đông người là giảm đi rủi ro bị bệnh.
 

TM – theo Senior News