Đền thờ Cụ Chưởng Binh Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại Cù lao Ông Chưởng, Chợ Mới
Vấn an
Kinh xáng Bốn Tổng ngày… tháng … năm …
Gửi chú Tư Thế,
Trời thần ơi, nhận được cái thư chú “vấn an”, mấy bữa rày tui không ngủ được. Vừa mừng húm mà cũng vừa nghĩ ngợi lung tung mấy câu chú hỏi. Nào là Cụ Chưởng Binh Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh chết trận hay chết vì bịnh hoạn ở miệt cù lao lòng Long Xuyên; nào là anh Hai có biết nguồn gốc hai tiếng bà con nhà quê hay xài là “mình ên” không?
Thiệt tình, câu nào cũng gắt củ kiệu nghe chú Tư. Khó ơi là khó chú Tư à! Nhưng hồi ông nội còn sống, tui thường nghe ông nội kể là ngày xửa ngày xưa, cụ Chưởng Binh Lễ dẹp giặc Miên, giặc Xiêm vùng sông Trước (*) làm cho quân giặc tan tành nhưng cụ lại bị tử trận. Rồi dân chúng lập đền thờ cụ tại làng Kiến An, thuộc quận Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Sau này tui lại nghe Tía nói có ông thầy dạy ở trường Đại Học Hòa Hảo, gần sân bay Vàm Cống đó mà, có nghiên cứu nói cụ Chưởng Binh Lễ sau khi thắng trận giặc Xiêm, giặc Miên rồi mở tiệc khao quân tưng bừng cả vùng cù lao mấy ngày liền. Nhưng vì giặc giã kéo dài, đường sá hiểm trở, trời đất mưa dông tầm tã, lương thực thiếu hụt, sức lực con người suy yếu nên xong giặc cụ bị bệnh, rồi thổ huyết mà chết. Dân chúng tưởng nhớ công đức của Ngài, rồi lập miếu, lập đền thờ và đặt tên cù lao bên Chợ Mới là cù lao Ông Chưởng.
Vậy đó chú Tư, chết trận hay chết vì thổ huyết chỉ lưu truyền vậy thôi chứ không chắc chắn chú Tư à. Có điều hậu thế biết tưởng nhớ công đức tiền nhân đánh Nam dẹp Bắc cho dân tình an cư lạc nghiệp mà ghi nhớ hoài là quí phải hông chú Tư? Cái gốc, cái cội mà, chứ đâu phải chuyện đầu môi chót lưỡi mà bay đi ào ào…
Chú Tư à!
Còn cái chữ “mình ên”, thiệt tình gốc gác của nó tui coi vậy chứ không rành. Nhưng có điều hai chữ này thông dụng miệt Lục Tỉnh này quá mạng. Ai ai cũng nằm lòng, ở đâu cũng nghe nói, ở đâu cũng nghe than nghe thở. Làm việc gì cực quá cứ sẵn miệng than liền: “Nhà này chỉ có một “mình ên” tui là cực”. Hoặc hỏi han, thăm nom nhau: “Bộ mày ở nhà có một “mình ên” hả?”. Như nhiều tiếng ở miệt nhà quê mình thường đọc trại từ tiếng Miên như Chắc Cà Đao, Mặc Cần Dưng, Xà Tón, Thốt Nốt, Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Sây v.v… nên “mình ên” không biết có phải đọc trại từ gốc Miên không, vì tui cũng nghe người Miên nói tiếng Việt cũng ưa nói chữ “mình ên” lắm.
Tuy vậy, mấy chị trong xóm mình mỗi lần nói đến cảnh đẻ chửa cứ than thân, trách phận: “Đàn ông đi biển có đôi, Đàn bà đi biển mồ côi một mình” cũng có ý than là đàn bà khi sanh đẻ chỉ có một “mình ên” đau bụng, đau dạ, trăm thứ cực, trăm thứ lo, trăm thứ sợ.
Nhưng có điều là ông bà xưa thường rầy lắm nghe chú Tư. Con cháu đứa nào nói “mình ên” là bị ông bà rầy liền, mà nhất là ban đêm ban hôm, nói như vậy không nên, dễ bị ma cỏ, người khuất mặt bắt hồn bắt vía… Rồi vì cái óc mê tín dị đoan mà dân quê mình cứ rước thầy pháp, thầy bùa chữa hoài, riết rồi hết tiền hết lúa vì cúng vái gà, heo nhưng con bịnh không hết, có khi lại vong mạng. Ở nhà quê miệt kinh cùn này nhiều lúc chết vì bịnh ma tà lảng xẹt, thiệt là oan uổng!
Sẵn đây, chú Tư còn nhớ ngày xưa có một thời người ta hay nói hai tiếng “một cây” hông? Chớ tui thì chỉ nhớ mang máng như vầy chú Tư, chẳng hạn mấy chữ này: ăn xài một cây, lấy le một cây, điệu một cây… là nhằm ám chỉ ăn xài không ai bằng, lấy le không ai bằng, điệu hạnh không ai bằng vậy mà… Nhưng mấy ông, mấy bà xưa giải thích cái gốc của hai chữ “một cây” là do chữ Nho “nhứt trụ kình thiên” đó chú Tư. Mình nói nôm na là “bẻ nạng chống Trời”.
Lần lần đến mấy năm tiền bạc rẻ rề, một lượng vàng, tui cũng nghe người ta hay gọi là “một cây” nữa đó chú. Nhưng cái nghĩa này nó lại khác xa cái chữ “một cây” dùng quen miệng ngày trước đi rồi.
Chữ nghĩa rắc rối quá chú Tư! Sẵn đây, để tui kể sơ sơ chú nghe ba cái lúa thóc bên kinh xáng mình. Năm nay nắng mưa kỳ quá chú Tư. Năm trước bão Lin-Đa hại quá mạng, nhưng sau bão lụt lúa lại trúng nứt bồ. Thấy vậy, xóm mình ai nấy xúm nhau ùn ùn làm thêm mùa lúa lở mong kiếm thêm ba hột cho đầy bao, đầy bồ phòng khi thắt ngặt, tối lửa tắt đèn.
Nhưng thất bại chú Từ à! Ba cái nạn rầy báo hại nhiều nhà bỏ ruộng, nợ sặc máu vì trị rầy không lại. Kế tiếp là mùa lúa Hè Thu tới bên lưng. Vì sạ trễ do mùa lúa lở tháng Ba, nên lúa mùa này bị mưa dông tháng Bảy, tháng Tám làm ngã sập, nằm dài như rơm trải cho vịt gà lót ổ. Hột lép, hột còn, ăn nửa, bỏ nửa, nên thất bát quá chú! Giống như cái lệ chú Tư à, lúa thất là giá lúa mắc mỏ đỏ con mắt. Vậy là người nhà quê làm lụng tay lấm chân bùn như tui là lãnh đủ nghe chú!
Thôi, kể cho chú nghe chơi, chú đừng buồn vì “đói thì ăn rau, đau thì uống thuốc”, nghĩa là cũng có thứ rau cỏ trên đồng để mà ăn khi thắt ngặt. Phải vậy hông chú Tư? Lần này cái thơ khá dài, cho tui ngưng ở đây nghe chú, kỳ sau tui viết nữa. Thăm chú và sắp nhỏ.
Cuối thơ,
Hai Trầu
LTT
Cước chú:
(*) Sông Trước chỉ sông Tiền Giang chảy ngang Tân Châu, Hồng Ngự, Cao Lãnh…